Nghiệp đoàn nghề cá chỗ dựa của ngư dân vươn khơi bám biển

Thứ Hai, 26/06/2017, 09:21
Bao đời nay ngư dân dọc theo chiều dài ven biển miền Trung đã chọn ngư trường trên biển như quê hương thứ hai của mình. Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương đã về động viên, thăm hỏi, hỗ trợ ngư dân. Nay biển sạch, sóng êm, các cấp, ngành lại đang đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển.

Ồn ào và lặng lẽ, bao đời nay Biển Đông vẫn vậy. Với hàng vạn ngư dân miền Trung, mỗi lần dong thuyền ra biển là mỗi lần họ đặt niềm tin và hy vọng. Hy vọng cho trời yên biển lặng, tin vào những mẻ cá, mẻ tôm để nuôi sống gia đình, con cái được cắp sách tới trường, mẹ già được nương tựa. Chúng tôi đến làng biển Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, từ mờ sáng nơi đây đã san sát tàu thuyền đánh cá, câu mực đêm trở về.

Ngư dân Trần Đình Hợi nở nụ cười sảng khoái nói với chúng tôi “Biển chết thì ngư dân chết, biển sống thì ngư dân sống. Năm ngoái biển ô nhiễm, nằm ở nhà nhìn đống lưới buồn xo tưởng phải bỏ làng mà đi, nay thì ổn rồi, đánh bắt được nhiều, tiêu thụ được hết”.

Dọc theo triền cát trắng miền Trung, nhiều gia đình ngư dân, cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu ra khơi đánh cá. Biển cả chan hoà nhưng cũng đầy bất trắc, bão tố, bởi vậy muốn đánh bắt thuỷ hải sản chuyên nghiệp trên biển buộc ngư dân phải xích lại gần nhau, và các Nghiệp đoàn nghề cá ở miền Trung (NĐNC) đã ra đời. Nhờ việc thành lập các NĐNC, hàng ngàn ngư dân đã hạn chế được nhiều rủi ro giữa mênh mông biển cả.

Nhờ các NĐNC trên biển, nhiều tàu thuyền cửa ngư dân gặp nạn đã được các thuyền bạn kịp thời ứng cứu. Mới đây tàu cá QB 3969 TS, công suất 70CV, do ông Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi), quê ở thôn Hải Đông, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm thuyền trưởng, trên tàu có năm thuyền viên đang đánh bắt thủy sản ở tọa độ 18 độ 05 phút, vĩ độ bắc - 108 độ 10 phút, kinh độ đông, thì bất ngờ bị một chiếc tàu hàng chưa rõ của nước nào đâm chìm rồi bỏ chạy. Toàn bộ thuyền viên rơi xuống biển, nhưng rất may được các tàu cá Quảng Bình ở gần đó kịp thời cứu nạn và đưa về đất liền an toàn.

Bà con ngư dân Quảng Bình vui mừng khi biển sạch sóng êm để khai thác thủy hải sản.

Không chỉ cứu sống nhiều bạn bè ngư phủ khi tàu bị hỏng máy, gặp gió to sóng lớn, ngư dân Quảng Bình còn cứu sống nhiều ngư dân nước bạn gặp nạn. Đang đánh bắt trên vùng biển ở thuộc tọa độ 17029N - 108005E, tàu cá QB 91223TS đã phát hiện và cứu sống ngư dân Trịnh Tổ Ba (ngư dân Trung Quốc) khi ngư dân này đang thoi thóp dưới nước biển lạnh giá.

Trịnh Tổ Ba cho biết, anh trú tại thôn Hòa Năng, Bạch Mã Tĩnh, Ha ãi Nam, Trung Quốc, đã có vợ cùng 2 con nhỏ. Anh xuất bến tại cảng Tam Á (Hải Nam) trên tàu Đam Châu 13017 để đi câu, do anh trai mình là Trịnh Tổ Đạo (43 tuổi) làm thuyền trưởng.

Đêm khuya, anh Ba thức dậy đi vệ sinh và không may bị rơi xuống biển khơi vì ngái ngủ, anh kêu cứu nhưng cả tàu vẫn đang ngủ say, không ai nghe thấy. "Khi được cứu lên tàu, thấy toàn ngư dân nước khác tôi rất sợ, nhưng được các bạn ngư dân Việt Nam đối xử rất tốt tôi mới yên tâm, họ đã cứu mạng sống tôi", Trịnh Tổ Ba nói vậy.

Nói về các NĐNC đánh cá trên biển, nhiều ngư dân cho biết, họ cảm thấy an tâm hơn mỗi lần ra khơi. Làm ăn giữa mênh mông sóng nước, ngư dân trong các NĐNC luôn chung sức giúp nhau, người khoẻ làm bớt việc cho người ốm. Trước đây, ngư dân đánh cá theo kiểu mạnh ai người ấy làm, giờ chung sức đồng lòng nên đánh bắt hiệu quả hơn. Từ khi vào các NĐNC, hầu hết ngư dân ở các tỉnh miền Trung biết nâng đỡ, giúp nhau trong công việc, và nhất là khi hoạn nạn và cùng nhau bảo vệ biển cả quê hương.

Ông Nguyễn Lương Bình - Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Bình cho biết, nhằm động viên tinh thần bà con ngư dân ngày đêm bám biển sản xuất và làm giàu cho quê hương, cùng chung tay khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, LĐLĐ tỉnh đã phát động chương trình “1.000 lá cờ Tổ quốc tặng đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá”.

Chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đã có 1.900 lá cờ tặng các ngư dân. Hiện nay, các địa phương ở miền Trung đang chỉ đạo các ngành liên quan sát cánh cùng ngư dân để động viên bà con như: tìm cách tiêu thụ sản phẩm, thông tin ngư trường, thông tin thời tiết và phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi sự cố xảy ra.

Ngư dân Nguyễn Văn Dương (38 tuổi), ở xã Bảo Ninh cho biết: “Khi thuận lợi, khi khó khăn chúng tôi đều có chính quyền ở bên nên ngư dân chúng tôi đều hiểu, bám biển để làm giàu cho gia đình, cho quê hương và để góp phần bảo vệ đất nước, mới đây tàu của tôi cùng 12 ngư dân trở về từ Hoàng Sa đã thu về 15 tấn mực, 30 tấn cá nục suôn, bán được 740 triệu đồng”.

Dương Sông Lam
.
.
.