Khơi thông “điểm nghẽn” để đất… “chín Rồng” cất cánh

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:17
ĐBSCL – vùng đất được mệnh danh là “chín Rồng”, đang rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Động lực mới cho các mô hình mới này cần phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học, công nghệ và từ doanh nghiệp (DN). 


Nhìn từ góc độ của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), 3 “điểm nghẽn” khiến họ dù có tâm huyết nhưng cũng khó có thể toại nguyện đó là chính sách đất đai chưa phù hợp, tiếp cận vốn còn khó khăn và sự phân bổ thiếu công bằng các nguồn lực tự nhiên.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách về kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, theo tinh thần  Nghị quyết TƯ5 Khóa XII, đất “chín rồng” sẽ… cất cánh khi “điểm nghẽn” được khơi thông, KTTN sớm được định vị là “động lực quan trọng” của nền kinh tế…

Theo ông Trần Hữu Hiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, ĐBSCL đã hình thành các yếu tố của thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ; thị trường lao động và khoa học - công nghệ với sự đóng góp quan trọng của KTTN, trở thành một động lực phát triển của kinh tế vùng. Thời điểm cả châu Á rơi vào cơn “bão tài chính” vào cuối thập niên 1990, nhờ tăng nguồn lực đầu tư, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy vai trò KTTN, vùng ĐBSCL cùng với cả nước đã vượt qua khó khăn.

Sau thế mạnh cây lúa, Đồng bằng sông Cửu Long cần dồn sức đầu tư nhiều cho nông nghiệp công nghệ cao, tạo các chuỗi nông sản chủ lực.  Ảnh CTV

Giai đoạn 2007-2011, khi cả thế giới oằn mình gánh chịu suy thoái kinh tế, tác động mạnh mẽ đến khu vực công nghiệp và dịch vụ, thì một lần nữa, khu vực nông nghiệp và KTTN lại phát huy vai trò “trụ đỡ nền kinh tế” và tính năng động, sáng tạo của mình. Các mô hình sản xuất tư nhân, đặc biệt là “Cánh đồng lớn” và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo, trái cây, thủy sản được khu vực tư nhân đầu tư phát triển với quy mô lớn hơn, ngày càng gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, nông hộ ở ĐBSCL đã thoát “vòng vây ngăn sông cấm chợ”, vươn lên trở thành những đơn vị “kinh tế nông hộ” năng động; thì tiếp sau đó và cho đến nay, toàn khu vực KTTN đã thể hiện sự nổi trội của mình so với các khu vực quốc doanh và HTX. KTTN, nhất là khối DN dân doanh đã đóng vai trò quyết định trong tạo việc làm, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và sự phát triển chung của kinh tế vùng.

Tuy nhiên, công tâm mà nhìn nhận, nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước thách thức mới, thiếu kết nối sản xuất - thị trường, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của hàng nông sản dẫn đến vòng luẩn quẩn của nông sản "trúng mùa, rớt giá”, thì nông nghiệp đang dần mất đi lợi thế và động lực phát triển.

Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức. Kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Mức đầu tư cho vùng ĐBSCL còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đầu tư toàn xã hội. Hệ thống cơ chế, chính sách cho KTTN còn bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước.

Nguồn lực lao động trong nông thôn đang có xu hướng giảm, một bộ phận lao động trẻ ở nông thôn rời bỏ ruộng vườn đến làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng…

Theo ông Trần Hữu Hiệp, để phát triển, ĐBSCL rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. “Động lực mới cho các mô hình mới này cần phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ và từ DN. Khu vực KTTN cần được định vị là “động lực quan trọng” của nền kinh tế. Nó cần những chính sách mới năng động và quyết liệt để biến các nguồn lực từ yếu tố sản xuất, trở thành nội lực mới từ thị trường bằng mô hình tăng trưởng mới...” ông Hiệp nói.

Khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ có thêm nhiều áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp từ bên trong; rất cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và DN.

Trên cơ sở đó, để phát huy vai trò và phát triển KTTN trong giai đoạn mới, cần tập trung tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” lớn là chính sách đất đai, tiếp cận vốn và sự phân bổ công bằng các nguồn lực tự nhiên, xã hội để tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa KTTN với các thành phần kinh tế và chính sách đầu tư phát triển để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực KTTN.

Từ nhìn nhận này, ông Trần Hữu Hiệp có các đề xuất. Trước tiên,  ĐBSCL cần quy hoạch lại theo hướng tích hợp vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để tăng cường các mối liên kết giữa DN với DN, giữa DN với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, phát triển mạnh công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở đó giải quyết các “điểm nghẽn” về đất đai cho đầu tư tư nhân, tiếp cận vốn, “đặt hàng” cho việc đào tạo nguồn nhân lực có địa chỉ sử dụng.

Tiếp đến, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho chuỗi nông sản chủ lực lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra. Theo ông Hiệp, đây là nền tảng để thu hút KTTN đầu tư phát triển theo hướng phát huy lợi thế vùng.

Điều được xem như đòi hỏi tất yếu chính là việc tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế. Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Gắn với xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới.

Huỳnh Kim
.
.
.