Tập trung gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật, 25/06/2017, 07:59
Ngày 23-6, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với các Bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.


Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai hoàn thành 6 dự án đang thi công sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; 22.645 tỷ đồng để triển khai khởi công mới 17 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong vùng.

Đối với các dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA, sau khi Bộ GTVT hoàn thành hồ sơ dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn để có cơ sở triển khai dự án. Đối với việc sử dụng vốn TPCP còn dư các dự án để đầu tư bổ sung một số hạng mục nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT tiếp tục thực hiện…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, những năm qua vùng ĐBSCL được quan tâm đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ cho phát triển KT-XH. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng cuộc sống người dân của vùng.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông vẫn còn một số lĩnh vực chưa khai thác triệt để, nhất là giao thông hàng không hiện khai thác rất thấp so với công suất đầu tư, như Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc. Hệ thống cảng biển cũng vậy, hiện có 9 cảng biển, năng lực khai thác cảng biển còn dư nhiều, hệ thống đường thuỷ nội địa dày đặc nhưng chưa khai thác hết.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án chậm, việc thực hiện các dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi. Cụ thể những nút thắt dọc trục lớn nhất là tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, nút thắt QL60, nút thắt N2 Cao Lãnh, Trung Lương… 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung tháo gỡ những nút thắt chính về giao thông của vùng ĐBSCL. Đầu tiên là xây dựng tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ. Đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành để sớm triển khai dự án, đặc biệt là vai trò của ngân hàng, các nhà tài trợ đã cam kết. Tuyến N2, tổng đầu tư trên 26.000 tỷ, có 2 cụm dự án chính là tuyến Cao Lãnh đến Vàm Cống, dự án này phải xong cuối năm nay và đưa vào khai thác.

Tuyến Vàm Cống đi Kiên Giang cố gắng làm xong năm 2018 đưa vào khai thác sử dụng; Tuyến đường nối từ Cà Mau đến Sóc Trăng qua Trà Vinh – Bến Tre – TP Hồ Chí Minh, nếu làm tuyến này tốt sẽ rút ngắn quãng đường đến 80km về TP Hồ Chí Minh, hiện tuyến này đi qua nhiều tỉnh nghèo…

     

Năm nay dự báo lũ về sớm (!)

Theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, những ngày cuối tháng 5-2017, do ảnh hưởng của lũ tuyến trên kết hợp với triều cường, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc cao hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm, khoảng 0,1 - 0,3m. 

Mực nước ở khu vực đầu nguồn trong những tháng mùa khô cao hơn từ 0,45 - 0,55m. Mùa mưa năm 2017 đến sớm, lượng mưa cao hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đến sớm.

Người dân miền Tây ngóng trông một mùa lũ mang phù sa và nguồn lợi thuỷ sản.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho biết: “Trong nửa cuối tháng 6 và tháng 7 này sẽ có những đợt nước lên trên sông Cửu Long. Đến cuối tháng 7, mực nước tại Tân Châu có khả năng ở mức dưới 2,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,5-0,6m; thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,15-0,2m.

Trong tháng 8 và tháng 9, mực nước lũ đầu nguồn sẽ lên dần. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng đạt xấp xỉ báo động 2, xuất hiện trong nửa đầu tháng 10”. Triều cường tại hạ lưu sông Cửu Long sẽ lên cao vào tháng 10 và 11-2017. Đỉnh triều cường tại các trạm chính hầu hết cao hơn mức báo động 3 từ 0,1-0,2m, tại Mỹ Thuận (sông Tiền) từ 1,9-2m, tại Cần Thơ (sông Hậu) từ 2-2,1m.

Còn theo dự báo của Tổng cục Thuỷ lợi, tình trạng ngập lũ khả năng xảy ra do lũ về sớm, các khu vực bị ảnh hưởng gồm: An Giang (các huyện An Phú, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc), Đồng Tháp (các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, thị xã Hồng Ngự), Long An (các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng).

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tại các huyện biên giới đầu nguồn như: Tri Tôn, Tịnh Biên, nhiều nông dân vẫn xuống giống theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Năm nào dự báo lũ lớn và về sớm, ngành nông nghiệp sẽ khuyến cáo và không cho người dân triển khai sản xuất lúa vụ 3 ở những vùng không có đê bao. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ kiểm soát, nếu có khả năng lũ về sớm hoặc lũ lớn sẽ khuyến cáo, hướng dẫn bà con trồng những cây rau màu ngắn ngày, hạn chế trồng lúa tránh thiệt hại.                                                                                             

Văn Vĩnh

Văn Đức
.
.
.