Trái cây đồng bằng sông Cửu Long: Nâng chất để xuất ngoại

Thứ Sáu, 14/07/2017, 09:02
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 300.000 ha cây ăn trái, sản lượng hàng năm gần 4 triệu tấn. Diện tích trồng từng loại cây ăn trái chủ lực của vùng lớn nhưng phân tán nhiều tỉnh, diện tích nhỏ và trồng nhiều loại cây nên chất lượng không đồng đều, sản lượng không đáp ứng các đơn hàng lớn. Diện tích trồng cây ăn trái đạt chuẩn GAP còn khiêm tốn, liên kết tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đây cũng là bài toán khó cho trái cây ĐBSCL khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Kỳ 1: Loay hoay điệp khúc “được mùa, mất giá”

Chạy theo phong trào

Tại ĐBSCL, hễ tới mùa thu hoạch rộ là trái cây, nhất là thanh long, dưa hấu, ổi, đu đủ, chuối,… được bán tháo, bán đổ với giá rẻ như cho. Nhiều nhà vườn vẫn còn nặng thói quen thấy người khác trồng cây gì có giá trị kinh tế cao thì đổ xô trồng. Những năm 1990, cây long nhãn (nhãn lồng) tràn ngập vùng ĐBSCL, diện tích có lúc lên đến hơn 100.000 ha.

Cần giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng trái cây đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: CTV.

Nhiều cù lao trên sông Tiền như Tân Phong (Tiền Giang), Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), An Nhơn (Đồng Tháp) nổi danh với tên gọi “cù lao long nhãn”. Chỉ vài năm sau, khi cây long nhãn xuất hiện đều khắp các tỉnh ĐBSCL, giá bán có lúc chưa tới 500 đồng/kg. Lúc đó, nhãn tiêu da bò giá hơn 10.000 đồng/kg nên người ta lại ùn ùn chặt nhãn lồng, trồng nhãn tiêu da bò. Chính việc ồ ạt chặt, trồng theo phong trào, mở rộng diện tích, trong khi chưa nắm vững quy trình kỹ thuật canh tác và mua giống trôi nổi khiến dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

Bệnh chổi rồng từng trở thành đại dịch hoành hành trên cây nhãn một thời gian dài. Năm 2016, toàn vùng ĐBSCL có hơn 10.000 ha diện tích trồng nhãn bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhà vườn đành đốn bỏ diện tích nhãn, chuyển sang cây trồng khác. Một thời gian, cam sành có giá cao, từ 35.000-40.000 đồng/kg, hàng loạt nông dân tại Vĩnh Long, Hậu Giang chuyển diện tích lúa sang trồng cam. Do ồ ạt phát triển trồng cam sành đã tạo điều kiện cho bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Cách đây vài năm, mít Thái Lan hay xoài Đài Loan, những giống du nhập từ nước ngoài vào nước ta rất dễ trồng, chỉ 1 năm cho thu hoạch, đặc biệt là giá bán lúc nào cũng cao nên được nhiều nông dân nhân rộng lên hàng ngàn ha tại vùng ĐBSCL. Đến khi vào vụ, giá mít còn khoảng 4.000 đồng/kg. Sau đó, lại có thông tin mít ngâm hoá chất cho chín nên không ai mua. Nông dân lại chặt bỏ, thay vào đó là cây chanh không hạt do nghe bảo loại chanh này có giá…

Tại ĐBSCL, phần lớn các HTX chuyên về trái cây có diện tích rất nhỏ, thị trường nước ngoài đặt số lượng lớn nhưng HTX có sản lượng ít nên không dám ký hợp đồng. HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hoà (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) được hình thành từ năm 2006 với diện tích trồng bưởi đạt chuẩn GlobalGAP là 26,65 ha đầu tiên ở Vĩnh Long.

Những lần xin cấp giấy chứng nhận trước đây, tỉnh Vĩnh Long có hỗ trợ một phần nhưng hiện nay không còn nữa nên HTX gặp khó khăn. HTX đã qua 2 lần được chứng nhận trên nhưng đến nay đã gần hết hạn mà những thành viên đang loay hoay tìm nguồn vốn để tái chứng nhận.

Theo ông Võ Văn A, Tổ trưởng THT nhãn xã Long Hòa (huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre), nơi đây có 50 ha diện tích trồng nhãn đạt VietGAP. Nhà vườn tham gia sẽ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây nên năng suất cao hơn, chất lượng trái an toàn. Nhưng hiện nay, cũng còn những trở ngại như đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, người sản xuất nhiều khi phải tự tìm thị trường tiêu thụ.

“Từ năm 2014, chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và hàng năm xuất khẩu được trên 50 tấn xoài cát sang Nhật. Nhưng cái khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn nên khó mở rộng diện tích, đầu tư cơ sở vật chất để tăng sản lượng xuất khẩu sang nhiều nước khác”, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX Hoà Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) nêu khó khăn.

Được mùa, mất giá

Những ngày qua, dọc theo các tuyến quốc lộ qua Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP Cần Thơ, thanh long được bán mớ với giá 10.000 đồng/3kg. Còn ổi, 1 ký bán được, nông dân chưa mua nổi ly trà đá. Nhiều nhà vườn tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang phải điêu đứng vì ổi lê Đài Loan liên tục rớt giá.

Thanh Long được bày bán với giá 5.000 đồng/kg trên đường Võ Nguyên Giáp (Cái Răng, Cần Thơ).

Tại Đồng Tháp, thương lái mua ổi tại vườn chỉ từ 500 đồng đến 600 đồng/kg, còn trước đó có giá từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) rầu rĩ: “Gia đình trồng 5 công (sào) ổi lê Đài Loan, cứ khoảng 7 ngày hái trái. Mỗi đợt hơn 300kg, trừ chi phí thì cũng thu về hơn 1 triệu. Nhưng khi giá ổi xuống thấp, thương lái chẳng thèm đến mua. “Với giá 500 đồng/kg, nông dân từ lỗ tới lỗ. Giờ bán được nhiêu bán, được đồng nào hay đồng đó”, bà Năm than vãn.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cây ăn quả phân tích: Sản xuất trái cây ở ĐBSCL vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có liên kết sản xuất nên khó có số lượng lớn, đồng đều chất lượng. Diện tích trồng cây ăn trái trung bình mỗi hộ còn thấp (phổ biến từ 0,3 đến 0,5ha) và thiếu tập trung (ngoại trừ cây khóm và cây thanh long có vùng trồng khá tập trung).

Chính sự phân tán và quy mô sản xuất nhỏ lẻ trong khi lại thiếu liên kết giữa các hộ dẫn đến tình trạng rất khó kiểm soát chất lượng trái cây cung ứng cho thị trường. Nhà vườn dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi hộ có cách áp dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Tình trạng này dẫn đến trong cùng một loại trái cây nhưng chất lượng và an toàn thực phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp khó có được khối lượng hàng đủ lớn với chất lượng đảm bảo và đồng đều về kích thước, ngoại hình trái.

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, HTX ở nước ta chỉ là hình thức mà chưa cho hiệu quả cao như HTX ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Sản xuất và lưu thông phân phối chưa theo chuỗi giá trị mà bị cắt khúc nên dù nông dân bán ra với giá thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá rất cao. Ví dụ, xoài cát Hòa Lộc loại 1, hay bưởi da xanh loại 1 tới 50-70.000 đồng/kg, sầu riêng Ri-6 tới 50- 60.000 đồng/kg là cao hơn so với giá trái cây Thái.

Điều này cho thấy, nếu chúng ta có chuỗi giá trị tốt hơn thì người tiêu dùng không phải trả giá cao và đầu ra trái cây không phải chịu cảnh được mùa, mất giá. Ngoài ra, việc sản xuất trái cây an toàn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tuy đã hình thành tại các vùng trồng cây ăn trái, tuy nhiên diện tích trồng đạt theo quy trình này còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường trái cây ngày càng khắt khe về chất lượng, nhất là yếu tố an toàn thực phẩm nếu chúng ta không có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sản xuất theo hướng an toàn thì đây sẽ là một thách thức lớn trong việc duy trì xuất khẩu ở mức cao và bền vững cho ngành cây ăn quả.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, nông sản ĐBSCL khi vào mùa thu hoạch rộ là rớt giá. Cung dư cầu ít, giá phải xuống theo quy luật kinh tế và thị trường. Đặc điểm hàng hóa nông sản ở ĐBSCL là tiêu thụ thô, thiếu khả năng chế biến và tồn trữ vì thế giá cả dễ lên xuống. Tới mùa thu hoạch rộ thì nông dân còn bị thương lái ép giá. Việc thiếu thương hiệu và chất lượng hàng hóa cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá.

Lép vế trước giống “ngoại”

Một thực tế hiện nay, các loại trái cây nhập ngoại luôn có giá cạnh tranh cao hơn so với trái cây trong nước. Tại các chợ đầu mối tại ĐBSCL, nhiều tiểu thương nhìn nhận: các loại trái cây như: me, bòn bon, măng cụt, chôm chôm Thái, nho Mỹ, chôm chôm Indonesia… ngon hơn nhiều so với trái cây trong nước.

Khoảng 2 tháng trước, các nhà vườn tại ĐBSCL vừa bắt đầu vào mùa măng cụt thì măng cụt Thái Lan ồ ạt tràn về các chợ, với giá bán từ 75.000-80.000 đồng/kg. Sầu riêng mini Thái Lan giá bán cũng cao ngất ngưởng từ 100.000-120.000 đồng/kg, chôm chôm Indonesia từ 50.000-55.000 đồng/kg, me Thái từ 100.000-120.000 đồng/kg… Còn trái cây trong nước, tới mùa thu hoạch rộ là đổ đống bán tháo ngoài đường.

Văn Vĩnh
.
.
.