Cần kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu

Thứ Bảy, 26/05/2018, 09:34
Tại cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) đang tồn đọng số lượng lớn container phế liệu nhập khẩu. 

Tình trạng này đã gây cản trở nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các cảng. Nhưng về lâu dài, nếu không siết chặt việc nhập khẩu phế liệu, giải quyết dứt điểm tình trạng phế liệu nằm “đắp chiếu” ở cảng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ không tránh khỏi khi Việt Nam trở thành “bãi rác” công nghiệp của các nước....

Theo tìm hiểu của PV, phế liệu đang tồn đọng tại Cảng Cát Lái phần lớn là hàng nhập khẩu. Nguyên nhân, phế liệu nhập khẩu về nhưng không thông quan vẫn nằm tại bãi ở cảng, phần lớn là hàng của hai đối tượng doanh nghiệp (DN). 

Thứ nhất, DN không đủ điều kiện nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi làm các thủ tục giấy tờ để thông quan lô hàng ra khỏi cảng, thì thấy khó khăn quá nên đành chấp nhận bỏ hàng. 

Thứ hai, DN nhập khẩu phế liệu về không nhằm mục đích để phục vụ cho sản xuất, mà mục đích để buôn bán kinh doanh, kiếm lợi nhuận do mặt hàng này lợi nhuận khá lớn. 

Hiện, tại bãi của cảng Cát Lái, có 8.500 teus (1 teus bằng 1 container 20 feet) phế liệu nhựa và giấy tồn trên 40 ngày, trong đó có 3.500 teus tồn trên 60 ngày. Do cảng Cát Lái bị kẹt cứng số lượng lớn phế liệu, nên không thể tiếp nhận lượng hàng nhập tàu từ cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Tân cảng Hiệp Phước. 

Số lượng lớn phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng Cát Lái.

Theo thống kê, lượng hàng tồn tại cảng Cái Mép là 24.786 container, tương đương 99.94%. Vì vậy, nếu tình trạng tồn đọng số lượng lớn container phế liệu nhập khẩu không được giải quyết kịp thời thì tình hình sản xuất của cảng Cát Lái và cảng Cái Mép là hết sức nghiêm trọng.

Trước tình trạng phế liệu nhập khẩu còn nằm tồn đọng tại cảng quá lớn, Tân cảng Cát Lái thông báo: Từ ngày 1-6 DN nhập hàng nhựa và phế liệu phải có giấy phép còn thời hạn và cam kết lấy hàng mới cho nhập về Cảng. 

Từ ngày 10-6 Tân cảng Cát Lái sẽ ngưng không nhận mặt hàng này để bảo vệ hoạt động sản xuất của cảng. 

Nhận định về tình trạng phế liệu nhập khẩu với số lượng lớn như hiện nay, ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh lo ngại, nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác” của thế giới khi Trung Quốc quyết tâm chặn nhập 7,5 triệu tấn phế liệu hàng năm cho ngành nhựa, ngành giấy. 

Hiện, những nước xuất khẩu phế liệu nhiều nhất sang Trung Quốc như Mỹ, EU cũng đang bế tắc trong phương án giải quyết “đầu ra” của phế liệu. Vì vậy, siết chặt việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam là hết sức cần thiết, bởi nếu không kiểm soát chặt thì hệ lụy về môi trường là khó tránh khỏi.

PGS. TS Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký phụ trách phía Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng nhìn nhận, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chỉ được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, không được mua bán và kinh doanh phế liệu nhập khẩu. 

Ngoài ra, DN nhập khẩu phải ký quỹ, làm chứng thư, cơ sở tái chế và sản xuất phải đảm bảo điều kiện tách tạp chất, xử lý mùi hôi, tiếng ồn… Thế nhưng, thực tế hiện nay nhiều DN không hiểu luật, hoặc phớt lờ, cố tình nhập phế liệu về với mục đích để bán kiếm lời chứ không phải nhập phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất. 

Đến khi hàng cập cảng rồi, DN không lấy ra được vì không có cơ sở sản xuất, không đủ điều kiện nhập khẩu,… nên đành phải bỏ hàng. “Để hạn chế hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng, thì cấp thiết hiện nay cần phải siết chặt việc kiểm tra. Theo đó, khi hàng về cảng, phải kiểm tra xuất xứ nguồn hàng, mặt hàng, đơn vị nhập khẩu... Chỉ khi nào đơn vị nhập khẩu đáp ứng đủ điều kiện mới cho xuống hàng. 

Song song đó, tổ chức đấu thầu phế liệu đạt tiêu chuẩn để tái chế nguyên liệu sản xuất. Còn phế liệu không đạt tiêu chuẩn, xử lý theo kiểu phế thải”, ông Sỹ nêu hướng giải quyết.

Liên quan đến lĩnh vực này, cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Theo đó, cơ quan hải quan sẽ rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong nhập khẩu phế liệu.

T.Hà – T.Giang
.
.
.