Rác phế liệu nhập khẩu vào VN: Hàng rào hải quan còn... lỗ hổng lớn?

Thứ Ba, 09/10/2007, 15:10
Lấy lý do thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, từ nhiều năm qua, một khối lượng phế liệu khổng lồ, đủ các loại đã tràn vào lãnh thổ gây bức xúc trong dư luận.

Hải quan có vô can?

Vụ nhập khẩu 150 tấn rác phế liệu của Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới Việt Nam (đơn vị 100% vốn nước ngoài, gọi tắt là Công ty TKMVN) qua cảng biển Cái Lân - Quảng Ninh chưa đủ thời gian làm rõ mọi vấn đề thì ngay sau đó, tại địa bàn Hưng Yên, cơ quan chức năng lại phát hiện một số cơ sở gia công đang lưu cữu 160 tấn rác phế liệu nhựa có nguồn gốc từ nước ngoài nhập qua cảng Hải Phòng. Điều đó có nghĩa là, sự phát hiện của cơ quan chức năng dù rất kỳ công nhưng cũng đã quá muộn.

Câu hỏi đặt ra, có phải lực lượng kiểm soát hải quan đã làm ngơ hay quá mỏng, không đủ năng lực để phân biệt đâu là rác, đâu là hàng? Có phải do cơ chế chính sách quản lý hàng hoá XNK của nước ta còn thiếu, còn bất cập và còn kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, lách luật biến rác thải thành hàng hoá nhập khẩu trót lọt?

Ngày 18/9, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ninh kiểm tra tại hiện trường kho bãi của Công ty TKMVN, phát hiện khoảng 150 tấn phế liệu các loại. Số phế liệu này bao gồm là nguyên liệu nhập khẩu và mua trong nước đang tập kết tại kho để phân loại và đưa vào sản xuất.

Trong đó có 3 container, khoảng 58 tấn phế thải là mảnh chai nhựa PET loại A, xuất xứ Mehico, đã được băm chặt vụn dưới 5cm có dính tạp chất và giấy bao bì của chai nhựa, chưa được tẩy rửa sạch có mùi hôi.

Đây cũng chính là 3 lô hàng nhập về cảng Hải Phòng (nhưng lại mở tờ khai tại cảng Cái Lân) thuộc các tờ khai: 512/NK/SXXK/ CL ngày 17/7/2007; tờ khai 591/NK/SXXK/CL ngày 30/7/2007 và tờ khai 624/NK/SXXK/CL ngày 7/8/2007.

Qua nội dung khai báo của doanh nghiệp thì các tờ khai này được hệ thống quản lý rủi ro tự động phân luồng hàng xanh (thuộc diện miễn kiểm tra thực tế).

Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân đã phát hiện một trong số đó là loại mảnh nhựa dải màu xanh (không nằm trong danh mục được phép nhập khẩu) nên đã tiến hành kiểm tra xác suất 5%, lập biên bản niêm phong toàn lô hàng và mời cơ quan giám định của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh kiểm tra, giám định kết luận. Nhưng cuối cùng vẫn cho... thông quan, doanh nghiệp được phép nhận hàng tại cảng Hải Phòng. 

Tương tự như vậy, hơn 160 tấn rác nhựa được phát hiện tại Hưng Yên cũng đã được Chi cục Hải quan Hưng Yên cho phép thông quan chỉ vì có... ý kiến đồng ý của một cán bộ thuộc Phòng TNMT. Phía hải quan cũng dựa vào quy chế quản lý rủi ro để biện minh việc cho thông quan hàng trăm tấn rác này nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Ai đối phó, lách luật?

Khi chúng tôi đưa ra vấn đề, rõ ràng là hải quan có kiểm tra thực tế trước khi cho thông quan các lô rác nêu trên nhưng tại sao lại không phát hiện đó là rác chứ không phải phế liệu? Câu trả lời của ngành này: Kiểm tra 5 hay 10% trên tổng khối lượng lô hàng không nói lên điều gì nếu doanh nghiệp cố tình dàn dựng để đối phó.

Họ chỉ cần sắp xếp các khối phế liệu nằm ở phía ngoài cùng container thuộc loại không vi phạm là đủ để "gây sự" nếu hải quan khám kỹ.

Hỏi: Nhưng chỉ cần mở "công" là phát hiện ra mùi hôi thối đặc trưng của rác, hôi thối cũng là dấu hiệu để xác định hàng hoá có dấu hiệu vi phạm, vì sao hải quan lại không chú ý đến chi tiết này? Trả lời: Mùi hôi cũng chỉ là cảm nhận trực khướu của mỗi người, chỉ dấu hiệu thôi chưa đủ để quy kết. Kiểm tra kỹ doanh nghiệp cho rằng hải quan cản trở công việc làm ăn của họ.

Trao đổi vấn đề này với những người có trách nhiệm tại 2 Cục Hải quan Hải Phòng và Quảng Ninh đều cho rằng, không thể tránh khỏi những sai sót trong quá trình giải quyết các thủ tục XNK hàng hóa.

Thứ nhất do áp lực, do đòi hỏi tiến độ giải quyết thủ tục cần đơn giản hoá, rút càng ngắn thời gian thông quan càng tốt. Nhà nước đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Vấn đề chính là trang thiết bị tối tân hiện đại cần phải có thì chưa có. Riêng ở Quảng Ninh, sau khi xảy ra vụ việc, kể từ ngày 25/8, đến nay, Chi cục đã điều chỉnh tăng luồng kiểm tra (cho tất cả các lô hàng nhập khẩu phế liệu của doanh nghiệp vào luồng đỏ).

Mục đích là để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các lô hàng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Tiêu chí đặt ra, thà chịu tiếng gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp còn hơn... bỏ sót (!). Việc làm này đã khiến các doanh nghiệp chấp hành nghiêm phản ứng gay gắt và cho rằng cơ quan Hải quan đã đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan như: Công thương, Tài chính, TNMT, Tổng cục Hải quan cần ngồi lại rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy chế, chế tài sao cho đủ mạnh, đủ kín để chấm dứt được tình trạng rác ngoại biến tướng tràn ngập vào lãnh thổ nước ta

Lê Minh Triết
.
.
.