Đà Nẵng: Xử lý vụ 18 container sắt thép phế liệu nhập khẩu

Thứ Hai, 01/09/2008, 10:41
Cuối cùng việc 18 container sắt thép phế liệu nhập khẩu của Công ty Thành Lợi cũng đã đến hồi kết, khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tiến hành xử lý lô hàng trên.

Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Công ty cổ phần Thành Lợi (Công ty Thành Lợi) phải có trách nhiệm chuyển toàn bộ lô hàng này đến Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng - Ý để tiến hành phân loại tạp chất cần tiêu hủy.

Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ các tạp chất đã được phân loại; Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát việc phân loại, tiêu hủy lô hàng.

Tưởng chừng việc UBND TP Đà Nẵng giao 434 tấn phế liệu bẩn cho Công ty Thép Đà Nẵng - Ý (Khu công nghiệp Hòa Khánh) tiến hành phân loại tạp chất là quyết định khách quan! Nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy, bởi qua hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty Thành Lợi và Công ty Thép Đà Nẵng - Ý tại Sở Kế hoạch- Đầu tư đều được cấp cùng ngày 27/4/2005.

Ông chủ Huỳnh Văn Tân vừa là Chủ tịch HĐQT Công ty Đà Nẵng - Ý, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Thành Lợi, là thành viên sáng lập, cổ đông lớn nhất của cả 2 công ty này. Như vậy, chẳng khác nào đốt rác hộ doanh nghiệp!

Với quyết định trên, TP Đà Nẵng coi như "phớt lờ" mọi đề nghị của ngành TN-MT. Bởi trước đó ngày 14-8, (trước 4 ngày thành phố họp để quyết định cho thiêu huỷ lô hàng), Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã ký văn bản 3056/BTNMT-BVMT gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ quan điểm của lãnh đạo Bộ về xử lý việc nhập khẩu phế liệu sắt thép sai quy định.

Căn cứ báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) sau cuộc họp với các ngành hữu quan về kết quả giám định lô hàng do Vinacontrol Đà Nẵng thực hiện, tại văn bản kể trên, lãnh đạo Bộ TN-MT đã đề nghị UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan Hải quan phối hợp với các ngành liên quan "tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất lô hàng trên theo đúng quy định của pháp luật".

Như vậy, để thực hiện việc thiêu hủy lô hàng đúng pháp luật, nhất thiết phải có quyết định thu hồi. Mặt khác, lô hàng 18 container sắt, thép phế liệu trên chỉ có hơn 0,5% là tạp chất, chất thải độc hại, sau khi thiêu hủy sẽ cho ra sản phẩm thép, có giá trị sử dụng.

Vì vậy, thành phố cần phải ra quyết định xử lý với tài sản phát sinh về sau. Điều đáng tiếc ở đây chính là việc cơ quan chức năng chỉ tiêu huỷ tạp chất 5% khối lượng lô hàng, số thép còn lại trên 410 tấn, có giá trị sử dụng, sẽ giao lại cho doanh nghiệp!

Xử như vậy thì khác nào giúp doanh nghiệp miễn thông quan và trốn thuế nhập khẩu và Đà Nẵng đốt rác dùm doanh nghiệp!

T.T.X.
.
.
.