Biểu giá điện lần này hầu như mọi thứ đều như cũ!

Thứ Năm, 16/11/2017, 08:00
Bộ Công Thương chưa cải tiến biểu giá điện vì hầu như mọi thứ đều như cũ, và với dự thảo này, biểu giá điện mới chưa tương xứng với những thay đổi trong thực tế đời sống.


Liên quan đến dự thảo biểu giá điện mới của Bộ Công Thương, trao đổi với PV sáng 15-11, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam – đơn vị từng tư vấn cho EVN điều chỉnh biểu giá điện năm 2015 cho rằng: Bộ Công Thương chưa cải tiến biểu giá điện vì hầu như mọi thứ đều như cũ, và với dự thảo này, biểu giá điện mới chưa tương xứng với những thay đổi trong thực tế đời sống.

PV: Là người đã từng tham gia tư vấn xây dựng biểu giá điện mới trước đây, ông có nhận định gì về dự thảo biểu giá điện vừa được Bộ Công Thương đưa ra?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Vừa rồi, một số báo nói rằng biểu giá điện có một số điểm mới như quy định tỷ lệ % của từng bậc so với giá điện bình quân là không đúng. 

Cái đó đâu có gì mới so với Quyết định 28/2014 của Thủ tướng, vẫn giữ nguyên biểu giá như thế, vẫn phân loại điện cho sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp và cho sinh hoạt; vẫn bán theo cấp điện áp và theo giờ sử dụng trong ngày; tỷ lệ so với biểu giá điện bình quân cũng cơ bản như cũ, chỉ điều chỉnh rất nhỏ điện bán cho sản xuất các giờ thấp điểm, giảm khoảng 2%- 6%.

Nói riêng về biểu giá điện sinh hoạt, vẫn giữ 6 bậc như cũ và mức giá của từng bậc thang cũng không có gì thay đổi. Chỉ có 1 điểm mới duy nhất tại dự thảo này là chuyển điện bán cho du lịch, cơ sở lưu trú đang ở biểu giá điện kinh doanh sang biểu giá điện sản xuất. Lần này chưa phải là cải tiến biểu giá điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam.

PV: Về biểu giá điện, 2 năm trước đã có nhiều cuộc hội thảo khắp 3 miền mà ông cũng tham gia rất tích cực, bàn cãi nhiều phương án, nhưng sản phẩm cuối cùng trình làng lại không có gì khác biệt. Theo ông, nếu như vậy, có cần thiết phải ồn ào dư luận bằng việc điều chỉnh biểu giá này không?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Lúc đó đúng là đã phân tích ưu nhược điểm của cả 3 phương án mới, bởi vì phương án 6 bậc thang này rõ ràng có những bất cập thì người ta mới muốn cải tiến. 

Cũng có phương án giữ nguyên như hiện hành, phương án đồng giá và phương án rút gọn về 3, 4 bậc thang. Tôi thì nghiêng về phương án cuối cùng, dễ tính toán hơn và đảm bảo được mục tiêu đa phần các hộ dùng điện ở Việt Nam được hưởng mức giá hợp lý.

Theo thống kê, khoảng 65% số hộ dân dùng điện trong khoảng 150kWh/tháng, nên chúng tôi đề xuất bậc thang đó giá thấp hơn giá trung bình một chút – khoảng 95,5%. 

Phương án hiện nay, chỉ những hộ sử dụng dưới 50kWh/tháng được hỗ trợ, nhưng thực ra đời sống đã khác nhiều, tiêu chuẩn hộ nghèo cũng khác và rất ít hộ sử dụng dưới 50kWh điện, nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn.

PV: Như vậy, có thể nói rằng biểu giá mà Bộ Công Thương đề xuất chưa tiếp cận được với đời sống thực tế?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Đúng như vậy. Có hai vấn đề đặt ra: Chúng ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, đã có những bước đi để thị trường hóa thị trường điện; đời sống người dân cũng đã thay đổi, thì theo tôi nên cải tiến toàn diện biểu giá điện, trước mắt là biểu giá điện sinh hoạt, để tiếp cận với thay đổi của đời sống, thuận lợi hơn cho việc theo dõi của người dân và quản lý của ngành điện. Ngay nhà tôi, tôi cũng không bao giờ theo dõi được với 6 bậc thang hiện nay.

PV: Hiện nay không chỉ có vấn đề biểu giá, mà giá điện cũng đang được đồn đoán sẽ tăng, mà mỗi lần như vậy, người dân lại đặt vấn đề về tính minh bạch của giá điện. Với tư cách một chuyên gia và từng làm quản lý nhà nước, ông thấy những thông tin mà Bộ Công Thương công bố về giá điện đã đủ công khai, minh bạch chưa?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Không thể biết được. Hiện Bộ Công Thương đã có quy chế công khai một số loại giá, trong đó có giá điện. Nhưng bản thân chúng tôi cũng phải ngồi bóc tách ra mới hiểu, nhưng không thể kiểm soát, không thể phát biểu được những thông tin được cung cấp là hợp lý hay không hợp lý. 

Nếu minh bạch thì phải nói rõ giá cũ là bao nhiêu, giá mới là bao nhiêu, chỗ nào tăng và tăng do đâu. Muốn minh bạch thì phải minh bạch từ chi phí để người dân biết. 

Công khai thì công khai rồi, nhưng còn phải minh bạch trong giải trình, đó mới là quan trọng, chứ không phải công khai hình thức. Cứ “u u minh minh” là lý do vì sao bây giờ trong đầu người dân vẫn cứ nghĩ rằng ngành Điện tính cả những chi phí không được phép vào giá điện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.