Phương án giá điện phải minh bạch

Thứ Tư, 05/07/2017, 09:58
Sau khi kiểm tra chuyên đề về triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 tại 3 Tập đoàn kinh tế, gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong tháng 6, Tổ công tác của Thủ tướng đã có một số đề xuất để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.


Yêu cầu EVN khẩn trương trình phương án giá điện

Là một trong những Tập đoàn hoạt động ổn định nhất hiện nay, các kiến nghị của Tổ công tác đối với EVN tương đối ngắn gọn. Đây là đơn vị đầu tiên Tổ công tác tiến hành kiểm tra lần 2 và không có nhiệm vụ quá hạn nợ đọng.

Phương án giá điện cho năm nay đang được dư luận chờ đợi. Ảnh: Thiện Hoàng.

Tổ công tác đề nghị EVN cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để khắc phục việc còn xảy ra sự cố điện ở một số khu vực vào những ngày nắng nóng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; một số dự án lưới điện truyền tải trong quy hoạch điện VII còn bị chậm tiến độ do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng; ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản lý, điều hành đôi khi còn chậm…

“Với vai trò, vị trí là ngành công nghiệp chủ lực và là ngành hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng, Thủ tướng yêu cầu EVN cần tập trung khắc phục, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại này” - báo cáo của Tổ công tác nêu rõ. 

EVN cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để khắc phục việc còn xảy ra sự cố điện  vào những ngày nắng nóng.

EVN còn được yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình phương án hoàn chỉnh giá điện năm 2017 theo chỉ đạo Thủ tướng.

Phương án giá điện này được yêu cầu phải bảo đảm tính công khai, minh bạch trong cách tính giá điện, kể cả trong trường hợp giá điện tăng nhưng vẫn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp. Được giao nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của người dân trong trường hợp tăng trưởng điện cả năm 2017 là 11,5%, EVN cũng phải chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là với nguồn điện than.

Xem xét cho TKV xuất than vượt hạn ngạch

Trong những năm gần đây, TKV phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện sản xuất, kinh doanh, thị trường… Mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay, TKV đã sản xuất 18,3 triệu tấn than (đạt 54% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016); nhà máy alumin Tân Rai có lãi 50 tỷ đồng, cắt lỗ trước kế hoạch 1 năm; dự kiến lãi 1.000 tỷ, lương bình quân đạt 9 triệu đồng/người/tháng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu còn 2,6 lần... nhưng tập đoàn này vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Một trong những việc gây chú ý là tìm kiếm các giải pháp để tiêu thụ hơn 2 triệu tấn than sạch còn tồn đọng (ngoài 7 triệu tấn dự trữ). Tâm điểm của kỳ vọng hiện nay dồn vào EVN – khi đại diện tổ công tác của Thủ tướng cũng đã có “nhắn nhủ” tập đoàn này coi việc tiêu thụ 2 triệu tấn than “giúp” TKV là việc giúp Chính phủ để đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, EVN cũng có vấn đề của riêng mình khi giá điện chưa được tăng và khoản chi phí hơn 4.000 tỷ đồng phát sinh vẫn chưa biết tính vào đâu.

Tổ công tác của Thủ tướng đã có đề nghị Bộ Công Thương “khẩn trương có giải pháp hỗ trợ TKV tiêu thụ hơn 2 triệu tấn than trong số  9 triệu tấn than sạch còn tồn kho”. “Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sử dụng than cho sản xuất điện ký kết hợp đồng mua bán than năm 2017 và hợp đồng dài hạn với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc theo đề án cấp than cho điện để ngành Than có kế hoạch đầu tư các dự án mỏ than, huy động nguồn lực tập trung cho sản xuất, bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng”. “Chỉ đạo TKV bảo đảm giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện theo giá thị trường, tuân thủ quy định của thị trường”.

TKV tăng sản lượng khai thác nhưng phải bảo đảm tính hiệu quả, tăng doanh thu, lợi nhuận chứ không chỉ tăng sản lượng cơ học đơn thuần; phải có giải pháp căn cơ, mạnh mẽ bằng việc giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị thành viên theo từng lĩnh vực kinh doanh để bảo đảm doanh thu của Tập đoàn phải vượt con số 110 ngàn tỷ đồng trong năm 2017, đóng góp ngân sách nhà nước phải đạt 13 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng, GDP của TKV phải đóng góp 0,8 điểm phần trăm vào GDP của cả nước nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung. Tổ công tác cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ về cơ chế, chính sách để TKV đạt được mục tiêu này. 

Vũ Hân
.
.
.