Bộ Công Thương trình làng biểu giá điện “bình mới rượu cũ”

Thứ Tư, 15/11/2017, 08:12
Sau hơn 2 năm ồn ã rồi bặt tăm, Bộ Công Thương cũng đã chính thức “trình làng” dự thảo biểu giá điện mới với rất nhiều yếu tố cũ: vẫn là 6 bậc thang với khoảng cách không thay đổi, chỉ khác là chênh lệch giữa các bậc thang đã là % so với giá điện bình quân, thay vì mức giá tuyệt đối.

Sự thay đổi không đáng kể so với biểu giá hiện hành của đề xuất mới khiến cho nhiều cuộc hội thảo khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam thời gian trước với nhiều tranh cãi nảy lửa của các chuyên gia trở thành vô ích.

Cụ thể, theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được Bộ Công Thương đưa ra, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc: Từ 0-50 kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100 kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200 kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300 kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400 kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401 kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.

Vấn đề điện đã nóng trở lại dịp cuối năm.

Nếu so với biểu giá hiện hành, bậc thang 1 từ 0-50 kWh có giá 1.484 đồng/kWh, băng 91,5% giá điện bình quân (1.622,01 đồng), bậc thang 2 51 – 100 kWh có giá 1.533 đồng/kWh, bằng 94,5% giá điện bình quân... sẽ thấy biểu giá điện mới không hề có cải tiến nào đáng kể.

Cũng theo biểu giá mới, trường hợp cơ cấu tiêu thụ điện thay đổi, căn cứ mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền, giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được phép điều chỉnh trong phạm vi ± 2% so với tỷ lệ được quy định tại Quyết định này. 

Đối với các hộ nghèo, mức hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1. Hộ chính sách xã hội (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1. Kể cả mức trợ cấp này cũng không khác gì mức cũ.

Trước đó, như báo CAND đã đưa tin, cử tri các tỉnh Bình Dương, Long An đã gửi đến Bộ Công Thương kiến nghị việc giá bán lẻ điện sinh hoạt thấp nhất (bậc 1) chỉ áp dụng đối với mức tiêu thụ từ 0 - 50 kWh là không phù hợp và đề nghị điều chỉnh. 

Trả lời kiến nghị này, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2015 và năm 2016, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, với nhiều cuộc hội thảo ở cả 3 miền trong cả nước (sau những lùm xùm về việc tiền điện của người dân tăng vọt trong mùa nắng nóng – pv). 

Căn cứ trên báo cáo của EVN và các ý kiến đề xuất tại Hội thảo, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một biểu giá điện mới với nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản điều chỉnh bậc 1 từ 0 - 100 kWh như ý kiến cử tri đã nêu. 

Tuy nhiên, các kịch bản được Bộ Công Thương đưa ra lúc đó chưa đủ thuyết phục, nên Thủ tướng đã quyết định giữ nguyên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 6 bậc thang như cũ. Do vậy, sau nhiều cuộc hội thảo ồn ã năm 2015, việc điều chỉnh biểu giá điện đã rơi vào quên lãng cho đến thời điểm này.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 14-11, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - chuyên gia đã từng tham gia các hội thảo về xây dựng biểu giá điện hồi năm 2015 và chỉ trích việc Bộ Công Thương đẩy trách nhiệm cho EVN đứng ra chủ trì các hội thảo này - vốn với mục đích phục vụ việc điều hành của Nhà nước. 

Đến thời điểm này, TS Nguyễn Đình Cung vẫn bảo lưu quan điểm này và cho rằng EVN chỉ có thể xây dựng giá kinh doanh, còn giá điều hành (bao gồm các yếu tố tác động của chính sách như thuế, phí, trợ giá người nghèo...) thì Bộ Công Thương phải lĩnh lấy trách nhiệm.

Không bàn luận về những con số cụ thể, TS Nguyễn Đình Cung một lần nữa nhấn mạnh vào cách tiếp cận khi điều hành giá điện, bởi theo ông, việc điều chỉnh mỗi bậc thang giảm tăng giảm 0,5% không có ý nghĩa gì khi cách tiếp cận không đúng. Vấn đề cần làm bây giờ là minh bạch chi phí phát điện bao nhiêu, chi phí truyền tải bao nhiêu, phân phối bao nhiêu, lợi nhuận của từng khâu là bao nhiêu... để hình thành nên giá. 

Tiếp theo đó là các yếu tố chính sách như thuế, phí... để ra được mức giá cuối cùng. Việc này nhằm phân định rõ đâu là yếu tố kinh doanh, đâu là yếu tố chính sách tác động vào giá điện, thay vì công bố một cục như hiện nay, không ai rõ chi phí phát sinh thế nào, vì nguồn điện của Việt Nam hiện rất đa dạng với các mức giá chênh lệch rất lớn, có thể lên đến hàng chục lần giữa thủy điện và điện chạy dầu. 

“Phải biết được chi phí từng khâu mới biết được chỗ nào cao để gây áp lực giảm chi phí, hay chỗ nào thấp, nhà nước cần tăng giá để gia tăng đầu tư, thay vì chỉ kêu chung chung là giá điện còn thấp mà không biết chỗ nào thấp” – ông Cung nêu quan điểm. 

Cũng theo vị chuyên gia này, việc đưa ra các bậc thang và biểu giá như Bộ Công Thương đề xuất tỏ ra thiếu căn cứ thuyết phục. Rất khó để tìm câu trả lời tại sao bậc 1 lại là 0-50 kWh, tại sao mức giá lại là 92% giá điện bình quân, nên không thể đánh giá là nó hợp lý hay không.

Diễn biến này của giá điện cũng gây chú ý khi mới đây Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nếu phải tăng giá điện thì tăng ở mức thấp nhất có thể. 

Việc đồn đoán giá điện tăng càng xuất hiện nhiều hơn khi trao đổi với PV bên lề Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN – ông Dương Quang Thành cho biết kết quả kinh doanh của một số Tổng Công ty Điện lực thuộc EVN khá bi quan, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, do lượng tiêu thụ giảm. 

Trong điều hành, Chính phủ sẽ không để tình hình tài chính của EVN quá bi quan, bởi tập đoàn này còn gánh trách nhiệm nặng nề trong việc vay vốn để đảm bảo nguồn cung điện cho đất nước thời gian tới, nhất là khi PVN đã đuối sức ở một số dự án.

Vũ Hân
.
.
.