Tương lai không mấy khả quan cho kinh tế toàn cầu

Thứ Bảy, 24/10/2015, 20:05
Các thị trường mới nổi lâu nay là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu, tiếp nhận lượng vốn lớn từ các nước phát triển. Dòng vốn đầu tư từ các nước công nghiệp hóa chảy vào các nước đang phát triển đã tăng đáng kể, từ 240 tỉ USD năm 2002 lên 1.100 tỉ USD vào năm 2014.

Tuy nhiên, lượng vốn ròng chảy vào các nước đang phát triển lại giảm mạnh từ đầu năm đến nay và đây là lần sụt giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua. Với khoảng 1.000 tỉ USD vốn tư nhân thoái lui khỏi các nước đang phát triển từ đầu năm 2015 tới nay, các nhà phân tích đang dự báo tương lai không mấy khả quan cho nền kinh tế toàn cầu.

Kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ thời Ngân hàng đầu tư lớn Lehman Brothers của Mỹ, “ngòi nổ” cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là nhận định mà giáo sư Trường đại học Havard, ông Larry Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ -  đưa ra trong bài viết mới nhất của ông về kinh tế toàn cầu.

Tình trạng kinh tế “trì trệ trường kỳ” tại các nước phát triển trở nên xấu đi, trong khi các thị trường mới nổi lớn, đi đầu là Trung Quốc, lại đang sa sút. Thuật ngữ “trì trệ trường kỳ” ở đây được dùng để chỉ tình trạng các nước công nghiệp hóa tăng trưởng ở mức không thỏa đáng, mặc dù họ đã viện tới chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Chiều hướng này có thể dẫn tới một vòng lẩn quẩn trên toàn cầu, trong đó nhịp độ tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp gây tác động xấu tới các thị trường mới nổi và hệ quả là nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước phương Tây càng chậm thêm. Đối với các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện có đà tăng trưởng gần như chững lại, họ dường như không còn đủ sức để đương đầu với bất kỳ cú sốc quy mô toàn cầu nào.  

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách dường như đánh giá thấp nguy cơ rơi trở lại suy thoái ở các nước phương Tây cũng như trên toàn cầu. Một khi xảy ra suy thoái, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ thiếu công cụ để đối phó với tình trạng này.

Thực tế, các nước công nghiệp hóa hiện dường như không còn nhiều công cụ trong tay. Lãi suất dự báo sẽ tiếp tục ở mức rất thấp trong thời gian dài ở Nhật Bản và châu Âu, và tăng rất chậm ở Mỹ. Thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu cơ bản của chính sách kinh tế vĩ mô của các nước. Đây cũng là thách thức trên toàn cầu và các giải pháp để thực hiện mục tiêu này không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi chính sách tiền tệ. 

Những dự báo gần đây về tăng trưởng Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) trong tương lai đều bị điều chỉnh xuống tại hầu hết các nước. So với dự báo năm 2012, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP danh nghĩa năm 2020 của Mỹ: 6%, của châu Âu: 3%, của Trung Quốc: 14%, của các thị trường mới nổi: 10% và của nền kinh tế thế giới: 6%. Sự điều chỉnh dự báo này còn chưa tính tới khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại các nước công nghiệp hóa và khủng hoảng hệ thống tại các nước đang phát triển.

Ông Summers cho rằng hiện là thời đại mà nguy cơ giảm phát lớn hơn lạm phát và không thể trông chờ gì nhiều từ đặc tính tự phục hồi của các nền kinh tế thị trường. Ảnh hưởng của hiện tượng “tác động trễ” (tức là suy thoái không chỉ gây thiệt hại ở hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP trong tương lai) dường như vượt ra ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai cách đây vài năm. Ông cho rằng yêu cầu cấp thiết hiện nay là thế giới cần phải có bước thay đổi lớn về mặt chiến lược kinh tế.

Tại các nền kinh tế mới nổi, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tình trạng dân số già đi với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay đến tình trạng đầu tư không hiệu quả. Với việc Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước, thì tầm ảnh hưởng của nước này đối với các thị trường hàng hóa thế giới cũng giảm sút.

Trong khi đó, Nga lao đao vì giá dầu lao dốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây; Brazil bị ảnh hưởng đáng kể bởi giá hàng hóa sụt giảm; Ấn Độ là ngoại lệ, trong khi tại các nước từ Trung Âu, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Đông Nam Á, tình trạng tăng trưởng chậm lại của các nước công nghiệp hóa và những vấn đề chính trị đều ảnh hưởng bất lợi tới đà tăng trưởng cũng như dòng vốn đầu tư chảy vào các nền kinh tế mới nổi nói trên.

Ông Summers cho rằng thật vô lý khi lý luận rằng kinh tế tăng trưởng chậm lại chỉ là hậu quả tạm thời của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng chậm lại, trong khi kinh tế châu Âu và Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ì ạch.

Trong khi đó, kinh tế toàn cầu đang chững lại và đối mặt với mối nguy hàng đầu là nguy cơ suy thoái. Theo ông, điều cần thiết vào thời điểm này là chính phủ các nước cần thừa nhận thực tế rằng kinh tế “trì trệ trường kỳ” và khả năng lan ra toàn thế giới của nó là những nguy cơ mà chúng ta đang phải đối mặt.  

Theo các nhà phân tích, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cần phải  sẵn sàng để ngăn chặn khả năng đổ vỡ tài chính trên toàn cầu có thể dẫn tới suy thoái kinh tế, trong khi các ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản cần nhận thức rõ hơn rằng nguy cơ lớn nhất hiện nay là kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa, đồng thời sẵn sàng tung ra các công cụ hữu hiệu để ngăn chặn nó, bởi vào thời điểm lợi suất trái phiếu ở dưới ngưỡng 1% như hiện nay, thì biện pháp nới lỏng định lượng (QE) mà nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang áp dụng sẽ khó phát huy hiệu quả.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.