Kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu tích cực

Thứ Năm, 22/10/2015, 10:04
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra báo cáo kinh tế quý III với nhiều nhận định tích cực về sự phục hồi. Bên cạnh đó, báo cáo này cũng đưa ra một số cảnh báo về chính sách tín dụng và tỷ giá có thể dẫn đến những bất ổn trong dài hạn.

Nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý II và 9 tháng đầu năm 2015. Tốc độ tăng trưởng sản lượng quý III đạt mức 6,81%, cao nhất trong các quý III kể từ 2011. Tốc độ tăng trưởng tính chung trong 9 tháng đầu năm cũng cao nhất trong giai đoạn này, đạt 6,5%.
Bên cạnh số liệu về sản lượng, nhiều chỉ tiêu phản ánh rõ nét xu hướng hồi phục của nền kinh tế. Tổng tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 đạt 10,78%, dự kiến cả năm có thể đạt mức 17% cho thấy tổng cầu của nền kinh tế đang hồi phục mạnh. Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước trong 9 tháng đầu năm tăng cao ở mức 17% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh một phần xu hướng gia tăng số lượng việc làm và thu nhập ở khu vực chính thức.
Nhiều chỉ số kinh tế đạt và vượt mục tiêu đặt ra trong năm 2015.  Ảnh: CTV.

Tuy nhiên, VEPR cho rằng, tốc độ tăng cung tiền đang vượt xa GDP danh nghĩa sẽ tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá trong năm 2016. Chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cùng tỷ giá kém cạnh tranh có thể đang tích luỹ những rủi ro gây bất ổn về giá trong ngắn hạn. Cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014. Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lên 0,2 – 0,5%, lên mức sát trần 5,5% quy định tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. VEPR cho rằng tăng trưởng tín dụng như vậy là quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa.

VEPR nhận định nền kinh tế thực đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt việc tham gia TPP và các FTA khác sẽ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. Do đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Các chuyên gia của Viện cũng cho rằng, cơ chế tỷ giá hiện nay là thiếu linh hoạt, không có khả năng bảo vệ ổn định vĩ mô nội tại và khu vực sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam sau TPP như trường hợp WTO năm 2007. Bên cạnh đó, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản, ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. VEPR cho rằng thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản.

Về lãi suất, VEPR đề xuất nên để theo tương quan thị trường thay vì duy trì lãi suất trần tiết kiệm 5,5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng như hiện nay. Các quy định về kỳ hạn không thấp hơn 5 năm và đưa mức trần lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng được cho rằng không phù hợp, đang gây méo mó thị trường, cản trở việc hình thành thị trường vốn nội địa.

Nam Phương
.
.
.