Kinh tế tăng trưởng khá nhưng không được phép chủ quan

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:01
“Nhìn lại 5 năm qua thì có thể nói đây là năm đạt kết quả tăng trưởng cao nhất, tuy nhiên chúng ta không được phép chủ quan, thỏa mãn vì thời gian tới khó khăn, thách thức còn nhiều” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ (Hà Nội) chiều 12/10.

Đây là buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 sẽ diễn ra vào tuần sau.

Từ việc đề cập những vấn đề lớn của đất nước như kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), thành công từ những chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cuba của lãnh đạo Đảng, Nhà nước…, cử tri cũng thẳng thắn nêu ra những bức xúc từ các vụ việc cụ thể.

“Cử tri cả nước rất quan tâm vụ chủ đầu tư dự án 8B-Lê Trực xây dựng cao ốc vi phạm không gian chính trị Ba Đình, ảnh hưởng đến cảnh quan và vấn đề an ninh. Việc này, TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã có báo cáo, chỉ rõ sai phạm của chủ đầu tư, song tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, thanh kiểm tra. Tại sao vi phạm như vậy mà chỉ đến khi báo chí vào cuộc mới được làm rõ?”  - cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ) thẳng thắn đề đạt.       

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri quận Ba Đình và Tây Hồ. Ảnh: TTXVN .

Ông cho rằng, từ vụ việc này cần phải rà soát lại các công trình xây dựng vi phạm kiến trúc, không gian và phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép, cơ quan thanh, kiểm tra để xử lý nghiêm các sai phạm. Trong khi đó, nhiều ý kiến dẫn lại những sai phạm xảy ra tại TP Hà Nội gần đây và đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm rõ, giao cơ quan chức năng có giải pháp xử lý dứt điểm như việc liên tiếp vỡ đường ống nước sông Đà, việc chậm cấp sổ đỏ, các dự án treo nhiều năm gây khó khăn cho người dân, việc chặt hạ cây xanh… Đề cập ở góc độ giám sát của người dân, cử tri Nguyễn Đức Mạnh (quận Ba Đình) bày tỏ: “Người dân có quyền giám sát thông qua các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, song khi cơ quan, tổ chức, đoàn thể đó dung túng, bao che sai phạm, tiêu cực thì người dân phải làm thế nào, thông qua kênh nào để thực hiện quyền giám sát của mình?". Ông Mạnh đề nghị, cần phải làm rõ quyền giám sát này trong luật để tránh việc các cơ quan, tổ chức tìm cách bao che, dung túng cho nhau khi người dân tố cáo, phản ánh sai phạm, tiêu cực. 

Giải đáp các ý kiến cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận “đây là những ý kiến tâm huyết, đề cập từ vấn đề vĩ mô của Đảng, Nhà nước đến các vụ việc cụ thể xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cử tri”. Tổng Bí thư cho rằng, trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015 là rất quan trọng trên tất cả các mặt, trong đó GDP tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Đó là thành quả tích cực song không được phép chủ quan, tự mãn.

Nói về kỳ họp thứ 10, Tổng Bí thư khẳng định, với tính chất là kỳ họp cuối năm, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn cả về lập pháp, giám sát tối cao và thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung cao của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thành yêu cầu, nội dung đề ra. “Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội khắc phục tình trạng luật chưa ban hành đã phải sửa hay tình trạng “luật khung, luật ống”, luật đã có hiệu lực thi hành nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, rồi tình trạng các quy định luật pháp chồng chéo nhau… Đó cũng là vấn đề đặt ra với Quốc hội đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án luật, rồi việc xem xét, thảo luận sao cho thật kỹ” – Tổng Bí thư phân tích. Theo Tổng Bí thư, việc nâng cao tỷ lệ đại biểu chuyên trách là yêu cầu khách quan, song đối với Quốc hội nước ta, với tính chất cơ quan lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, cơ quan quyền lực dân cử cao nhất nên cùng việc nâng cao tỷ lệ đại biểu chuyên trách thì cũng phải đảm bảo tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm.

Giải đáp về những vụ việc nóng ở địa bàn như vụ chặt hạ cây xanh, liên tiếp vỡ đường ống nước sông Đà, vụ xây cao ốc ở 8B-Lê Trực…, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh thừa nhận, đây là những khiếm khuyết trong công tác quản lý. “Như dự án ở 8B-Lê Trực, chúng tôi đã kiểm tra và xác định vi phạm của chủ đầu tư xây vượt tầng, sai quy hoạch, việc đó đã công khai và báo chí đăng cả rồi. Nay chủ đầu tư đã nhận trách nhiệm, có thư xin lỗi và cam kết khắc phục” - ông Vũ Hồng Khanh giải thích. Về ý kiến cử tri đề nghị xử lý cơ quan thanh tra, kiểm tra, ông Khanh tiếp thu và cho hay, UBND TP Hà Nội đang làm rõ trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân, đồng thời xem xét lại tổng thể dự án để đảm bảo mỹ quan, trật tự đô thị… “Các bác hỏi vì sao Hà Nội gần đây xảy ra nhiều vụ việc nóng thế, vấn đề là chúng tôi đã cố gắng song trong quản lý Nhà nước vẫn không tránh khỏi khiếm khuyết” – ông Vũ Hồng Khanh phân trần.

l Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri thuộc đơn vị bầu cử ở TP Hồ Chí Minh để thông tin về các nội dung sẽ diễn ra trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri với Quốc hội. Nhiều nội dung xoay quanh vấn đề kinh tế, xã hội đã được cử tri thành phố nêu ra. Cử tri bày tỏ sự đồng tình với những tiêu chí về nhân sự được đưa ra trong Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cử tri thành phố cũng bày tỏ sự tin tưởng, tâm đắc khi nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng khẳng định sẽ kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, xu nịnh, bè phái..., Chủ tịch nước khẳng định cử tri có đầy đủ quyền hạn để đóng góp ý kiến vào vấn đề nhân sự. Trong phạm vi của mình, nếu cử tri thấy cần đóng góp ý kiến về ai, họ vi phạm những gì…, Chủ tịch Nước đề nghị cử tri hãy mạnh dạn viết thư và gửi thư về Tiểu ban Nhân sự Trung ương và Bộ Chính trị. Trung ương sẽ xem xét, cân nhắc khi nhận được những thư từ phản ánh trên tinh thần đóng góp, xây dựng này.

Dành nhiều thời gian giải đáp trước cử tri về vấn đề đang được xã hội quan tâm là Hiệp định TPP, Chủ tịch nước cho biết, chúng ta tham gia ký Hiệp định là để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, qua đó phát triển kinh tế. Do đó Nhà nước và Chính phủ đang khẩn trương triển khai để đưa các điều khoản trong Hiệp định này đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng đưa ra khuyến cáo rằng, chúng ta đừng quên rằng mình vào nhà người ta thì cũng phải mở cửa để người ta vào nhà mình. Không những thế còn có nhiều người sẽ vào cùng. Do vậy không còn con đường nào khác là phải gia tăng nội lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bởi không thể có chuyện cứ vào TPP là nền kinh tế phát triển. Muốn có nền kinh tế có chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, chính mình phải nỗ lực xây dựng. Chủ tịch nước lấy ví dụ, một đùi gà người ta bán chỉ 1,2 đô la hay có những nước trồng cà chua với sản lượng khoảng 800 – 1.000 tấn/ha nhưng ở mình chỉ có vài chục tấn. Chẳng lẽ chúng ta đóng cửa để sống với sản lượng này? Phải đặt ra câu hỏi là tại sao người ta làm được mà mình không làm được để tự trả lời một loạt vấn đề, từ đó phải thay đổi tư duy để phát triển.

Đưa ra nhận định với bà con cử tri, rằng lịch sử cho thấy các nước phát triển đều mở cửa, chưa có nước nào đóng cửa kín mít mà thành rồng được, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể không hội nhập, mở cửa nhưng phải ra sức xây dựng nền kinh tế độc lập. Nhờ bạn bè nhưng sức mình phải là chính và đó phải là yếu tố quyết định. Để xây dựng được một nền kinh tế mạnh.

Đăng Minh - Đức Thắng (ghi)
.
.
.