Iran: Tăng tốc phát triển công nghệ sau khi thoát lệnh cấm vận

Thứ Sáu, 16/10/2015, 10:00
Quay trở lại Iran sau khi Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc, các doanh nghiệp phương Tây có lẽ sẽ cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển năng động của thế hệ mới các công ty khởi nghiệp trực tuyến ở quốc gia đã trải qua nhiều năm hứng chịu những lệnh trừng phạt của quốc tế.

Với dân số 78 triệu người và tỷ lệ tiếp cận Internet vào khoảng 55%, người dân Iran đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công nghệ và người ta đang nhìn thấy nhiều sự thay đổi đang diễn ra một cách chóng mặt ở đất nước từng bị bao vây kinh tế này.

Nếu ông chủ Amazon Jeff Bezos đến Iran vào lúc này, chắc hẳn ông sẽ bắt gặp nhiều thứ có vẻ quen thuộc. Digikala là công ty Iran hoạt động theo kiểu Amazon cung cấp những sản phẩm điện tử kỹ thuật số miễn phí cho người dùng trực tuyến. Được thành lập bởi hai anh em Hamid và Saeed Mohammadi, Digikala nằm trong số 10 trang web được truy cập nhiều nhất ở Iran - với 900 nhân viên và khoảng 850.000 người truy cập mỗi ngày.

Hamid phát biểu: "Cách đây 8 năm, các camera kỹ thuật số rất được ưa chuộng tại Iran. Anh em chúng tôi muốn mua một máy song không tìm thấy một trang web nào về sản phẩm loại này. Chúng tôi nghĩ tại sao không lập ra một trang web để mọi người có thể tham khảo và mua sản phẩm số". Trải nghiệm ban đầu này dẫn đến sự ra đời của công ty liên kết với một nhánh bán lẻ trực tuyến có trang bình luận tương tự trang tin công nghệ CNet của Mỹ.

Hamid nói tiếp: "Chúng tôi có studio riêng. Khách hàng dùng thử sản phẩm, chụp hình và viết bình luận về Digikala TV của chúng tôi". Digikala thật sự hưởng lợi nhờ vào "sự trống trải của sân chơi" do lệnh trừng phạt của phương Tây - theo nhận định của giáo sư Nader Habibi Đại học Brandeis (Mỹ). Năm 2104, World Startup Report - tổ chức của Mỹ giám sát các doanh nghiệp trực tuyến mới – đánh giá Digikala có giá trị 150 triệu USD. Hiện nay, con số đó là 500 triệu USD.

Trang web Digikala.

Bất chấp lệnh trừng phạt phương Tây gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế Iran, Digikala vẫn có nườm nượp khách hàng sẵn lòng tiêu số tiền lớn để mua sắm các sản phẩm số như là smartphone hàng cao cấp. Đối với Hamid, điều này không có gì mâu thuẫn: "Iran nằm trong số những quốc gia có dân số trẻ nhất, có học vấn cao nhất trong khu vực. Đối với họ, công nghệ không là thứ xa xỉ mà đó là viên gạch xây dựng cuộc đời họ. Do đó, họ sẵn sàng mua sản phẩm số bất chấp điều kiện kinh tế khó khăn".

Digikala chỉ là một trong nhiều công ty trực tuyến làm ăn phát đạt ở Iran hưởng lợi từ lượng người dùng Internet tăng vọt trong 2 năm qua ở nước này. Một trang web khác phổ biến không kém là Café Bazzar - cửa hàng ứng dụng Android trị giá 20 triệu USD, theo World Startup Report năm 2014 và hiện chia sẻ 85% thị trường trong nước - phục vụ người dùng Iran khi Google không có mặt do lệnh trừng phạt. Danh sách những sản phẩm bán chạy nhất của trang web bao gồm game phổ biến toàn cầu Clash of Clans và phát triển ở địa phương như The Bike.

Takhfifan là bản sao của Groupon - nhà cung cấp dịch vụ, bán lẻ và nhà hàng của Mỹ - được đánh giá là thành công nhất của Iran. Mô phỏng theo nhà bán lẻ sách trực tuyến Kindle, Iran có trang web Fidibo chào bán những tác phẩm bán chạy nhất - như sách của Stephen Hawking, cuốn tiểu sử của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và tự truyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Kế đến là trang web công ty nấu ăn Maman Paz (nghĩa là "Thức ăn do mẹ nấu") của nữ doanh nhân Mama Manijeh, một địa chỉ cung cấp suất ăn nấu tại nhà đáng tin cậy phục vụ cho giới văn phòng ở Iran. Sự xuất hiện của các trang web như thế này là minh chứng cho thấy hiện nay nhiều người Iran sống giữa 2 thế giới song song - thế giới hiện đại (với những sản phẩm số và game) và thế giới bảo thủ (với những vụ hành hình công khai và những khẩu hiệu chống đối người phương Tây).

Digikala, công ty internet lớn nhất ở Iran.

Nhà xã hội học Hossein Ghazian, cựu cố vấn cho Tổng thống thứ 5 của Iran Mohammad Khatami, cho rằng hiện nay người dân Iran không còn bị nền văn hóa bảo thủ trong nước chi phối quá nhiều như trước đây nữa. Theo Trung tâm Quốc gia Phát triển Internet của Iran, tỷ lệ người dùng Internet hiện nay đã đến tăng 73% và biến Iran trở thành một trong những nơi có số lượng người dùng lớn nhất khu vực Trung Đông.

Theo đánh giá của Fawas Gerges, giáo sư Trường Kinh tế London (Anh), giới trẻ Iran hiện nay đặc biệt quan tâm kết nối Internet và thuộc số người trong khu vực ít có xu hướng chống phương Tây. Hiện nay, nhiều chính khách bảo thủ cũng quay sang sử dụng mạng xã hội để truyền bá thông điệp của họ cho giới trẻ Iran.

Twitter và Facebook hiện vẫn còn bị chặn ở Iran, song điều đó không có nghĩa những nhân cấp cấp cao - trong đó có cả lãnh đạo tối cao Ayatollah Khamenei - không sử dụng hai trang mạng xã hội này.

An An (tổng hợp)
.
.
.