Google sẽ vẫn tiên phong trong làng công nghệ số!
- Google cắn răng chi 9 tỷ USD cho Apple để tồn tại trên iOS
- Tổng thống Trump tính cho Google, Facebook "lên thớt" vì thiên vị
- Google thừa nhận tự ý bật tiết kiệm pin trên máy người dùng
Theo các thống kê chính thức, cứ mỗi giây, có 69.623 người sử dụng công cụ tìm kiếm này. Như vậy là mỗi ngày có 6,5 tỷ lượt truy cập. Với khối lượng ấy, doanh thu của Google đương nhiên là một con số khổng lồ. Cần nói thêm là cổng tìm kiếm Google gần như chiếm thế độc quyền. Hơn 90% các đợt truy cập tìm kiếm thông tin đều phải qua Google.
Điều đó cho thấy Google đã len lỏi vào đời sống của mỗi người và hiện diện ở khá nhiều lĩnh vực: Google Maps chỉ đường cho người đi bộ, đi xe; Google còn là một thông dịch viên, là nguồn cung cấp thông tin đọc nhanh cho bạn. Với hệ thống Youtube, Google cung cấp luôn cả hình ảnh, âm thanh cho người sử dụng. Không chỉ là người bạn đồng hành không thể thiếu của hầu hết những ai dùng Internet trên thế giới, Google còn đem lại 4 cuộc cách mạng trong ngành tin học.
Bốn cuộc cách mạng
Để lập ra một chương trình giúp người sử dụng tìm kiếm thông tin, Page và Brin đi từ nguyên tắc: trang nào càng nhiều người xem thì càng "có giá". Page và Brin dùng thuật toán để sắp xếp thứ tự ưu tiên các kết quả tìm kiếm. Phương pháp đó gọi là Pagerank. Nhờ công cụ này, khi gõ cửa Google, người ta ít khi nào thất vọng.
Hai nhà đồng sáng lập Larry Page (trái) và Sergey Brin bên trong garage nơi Google được ra đời. |
Google đã tìm ra một phương pháp mới để sắp xếp lại thứ tự các trang tìm kiếm, đem lại những câu giải đáp cho người hỏi trong thời gian ngắn nhất và một cách hiệu quả nhất. Sức mạnh của công cụ tìm kiếm đó chính là những người sử dụng và số lượt trang được kết nối với nhau về cùng một chủ đề".
Cuộc cách mạng thứ hai Google đã tiến hành là trong lĩnh vực quảng cáo. Marissa Mayer, cựu Phó Chủ tịch Google, giải thích: Ban đầu Google không có không gian dành cho các nhà quảng cáo nhưng một khi đã chen chân vào lĩnh vực này, thì Google đưa ra khái niệm "quảng cáo nhắm chung mục tiêu", tức là khi bạn cần tìm kiếm về một chủ đề gì, bên cạnh các kết quả tìm kiếm sẽ có những trang quảng cáo về mặt hàng hay dịch vụ mà bạn đang cần tìm. Thí dụ như nếu ta sử dụng Google để tìm một hãng sửa xe hơi gần nhà, thì lập tức bạn nhận được các chương trình quảng cáo xe hơi.
Lise Barcellini, nhà báo của đài truyền hình France 24, giải thích rõ hơn về bí quyết của Google trên thị trường quảng cáo: "Toàn bộ mô hình phát triển của Google ngay từ năm 2000 dựa trên một bí quyết. Đó là tạo ra một công cụ và không gian mới cho các nhà quảng cáo mà ở đó mỗi chiến dịch quảng cáo bám sát nhu cầu của đối tượng muốn nhắm tới. Không phải ai cũng nhận được những chương trình quảng cáo giống nhau. Đó là một bước đột phá rất quan trọng, một con đường đã được Google khai mở, dựa trên sở thích hay nhu cầu của người sử dụng Internet".
Sáng kiến theo sát chân người sử dụng, để có những chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất, cho phép Google thu về 95 tỷ USD tiền quảng cáo trong tài khoá 2017, cao gấp 1.400 lần so với năm 2001. Nhưng để hút được tới 95 tỷ USD tiền quảng cáo một năm, Google đã không ngừng "đi tìm những công cụ mới". Đó chính là điều mà giới trong ngành gọi là "cuộc cách mạng thứ ba", do cặp bài trùng Brin và Page tiến hành.
Trả lời một chương trình truyền hình năm 2014, Larry Page giải thích: "Một trong những vai trò của Google là sáng tạo, để tạo ra những công cụ mới, những nhu cầu mới... mà nếu như ban đầu Google không nghĩ ra những công cụ mới đó, thì phải đi tìm những công ty nào có những sáng kiến mới lạ, rồi mua lại những công ty đó. Trong số này phải kể tới số tiền 1,65 tỷ USD để mua lại Youtube hồi năm 2016".
Trong 20 năm Google đã mua lại 226 công ty thuộc lĩnh vực "công nghệ tương lai". Để so sánh thì một cây đại thụ khác là Microsoft được lập ra năm 1972 tới nay mới chỉ mua lại 209 hãng. Apple bị bỏ xa lại phía sau với 97 thương vụ.
Bước đột phá thứ tư của Google là vị thế (gần như) độc quyền: 85% điện thoại di động lưu hành trên hành tinh sử dụng hệ Android của Google. Google chiếm 90% thị trường "tìm kiếm thông tin".
Để có được thế áp đảo đó, tập đoàn có trụ sở ở Mountain View, California (Mỹ) dựa trên hai nguyên tắc: Một là cải thiện các dịch vụ cung cấp sao cho hiệu quả nhất, để người sử dụng "quên luôn" những đối thủ của Google. Hai là đầu tư vào những lĩnh vực còn "rất phiêu lưu" mà điển hình là phòng thí nghiệm Google X hay những sản phẩm còn đang trong quá trình thử nghiệm, như xe hơi không người lái...
Nhà báo của đài France 24 Lise Barcellini trình bày: "Năm 2004, tức chỉ sáu năm sau khi được hình thành, Google đã tham gia sàn chứng khoán và gây nhiều tiếng vang trong số các tập đoàn có chỉ số Nasdaq ở Mỹ. Giờ đây trên thị trường này, Google đứng hàng thứ ba, chỉ thua Apple và Amazon.
Nói chính xác hơn là Google Alphabet đứng thứ ba trong số các tập đoàn tham gia chỉ số Nasdaq, bởi vì từ năm 2015, các nhà sáng lập Google đã tìm cho Google một công ty mẹ, mang tên là Alphabet. Trong đại gia đình này, Google chỉ là một con gà đẻ trứng vàng, đem tiền về nuôi tất cả các thành viên khác. Cũng cần biết rằng, Google Alphabet tựa như một con bạch tuộc, đã vươn vòi đến rất nhiều các lĩnh vực kinh tế, từ các dụng cụ kết nối đến y tế và kể cả những hoạt động mang tính phiêu lưu nhất".
Google trong 20 năm nữa?
Với mô hình phát triển hoàn toàn mới lạ đó, kể từ khi vào cuộc, Google đã “hạ gục” khá nhiều tên tuổi trong thế giới mạng. Chỉ riêng dịch vụ thư điện tử Gmail đã lấn át hết tất cả những đối thủ như Hotmail, Caramail và cả Yahoo...
Năm 1997, Internet Explorer thống lĩnh thị trường phần mềm. Vào thời điểm 2002-2013, khi kiểm soát gần 95% thị phần, Internet Explorer không thể nào nghĩ rằng sẽ bị khai tử vì Google vào năm 2015. Ngoài Internet Explorer, Kelkoo của châu Âu chuyên về các dịch vụ mua bán trên mạng từ năm 2002 đã bị Google Shopping dồn vào chân tường, để rồi giờ đây người sử dụng internet không còn mấy ai biết tới Kelkoo.
Thêm một dự án của châu Âu để cạnh tranh Google bị chết yểu là Quaero. Đây là một chương tình hợp tác giữa Pháp và Đức, được khởi động năm 2005. Quaero có tham vọng trở thành một cổng vào tìm kiếm để phục vụ đại chúng và các doanh nghiệp. Nhưng đến năm 2013 sau khi đã chi ra 198 triệu euro thì Berlin và Paris đồng ý dừng lại vì các chi phí này là vô ích.
Bên cạnh những thành công rực rỡ đó, Google cũng đã trải qua nhiều thất bại. Nhiều dự án tốn kém nhưng không đem lại những kết quả mong đợi. Mạng xã hội Google+ không thể đọ sức với những Facebook hay Twitter. Google đã chậm chân, để Facebook "nẫng tay trên" những công cụ quý giá như Instagram hay Whatsapp. Thế gần như độc quyền của Google liên tục bị công kích. Châu Âu đã hai lần phạt nặng Google "bóp ngạt" các đối thủ, gây trở ngại cho cạnh tranh. Google cũng bị tai tiếng trốn thuế, như vụ chuyển 16 tỷ USD sang các thiên đường thuế khoá bị phanh phui hồi năm 2016.
Song câu hỏi quan trọng có lẽ là sau hai thập niên không ngừng cải tiến và làm đổi mới toàn cảnh trong ngôi làng công nghệ số, trong 20 năm nữa Google và công ty mẹ Alphabet sẽ ra sao? Vào lúc hội chợ xe hơi Paris 2018 vừa mở ra, với một vị trí quan trọng dành cho xe ô tô không người lái, thì nhiều nhà quan sát quả quyết rằng với Waymo, Google sẽ tiên phong trong lĩnh vực này.
Thêm vào đó, với tất cả những thiết bị kết nối được trang bị trong nhà, nơi công sở… Google sẽ càng len lỏi sâu hơn vào đời sống của mỗi chúng ta. Google càng nâng cao các chức năng để giảm bớt gánh nặng cho mỗi con người trong cuộc sống hàng ngày, thì càng nắm giữ nhiều dữ liệu và thông tin về người sử dụng. Hiềm nỗi, những dữ liệu ấy được cất giấu trong một không gian ảo mà không ai biết rõ chúng được bảo mật tới mức độ nào, được khai thác tới đâu.