Thực hiện Đề án 06 ở Bình Dương: Nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ cao

Thứ Sáu, 24/03/2023, 10:12

Sáng 24/3, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Sau một năm triển khai thực hiện Đề án 06 , toàn tỉnh Bình Dương đã triển khai 1290/1290 dịch vụ công trực tuyến; số lượng tài khoản được tạo trên cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công tỉnh là 139.525 tài khoản; tổng số hồ sơ nộp trực tuyến là 587.155 hồ sơ.

Đã triển khai 23/25 dịch vụ công (Công an 11/11; các sở, ban, ngành 12/14), còn 2 dịch vụ đang triển khai cấu hình kết nối ứng dụng và hoàn thiện các chức năng để đưa vào hoạt động là liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí và liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi..

Đề án 06 Bình Dương -0
Công an Bình Dương đến tận nhà thu nhận dữ liệu cấp CCCD cho người tàn tật.

Tổng nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên đủ điều kiện để cấp CCCD là 1.972.053 người (thường trú: 1.008.083; tạm trú: 963.970), trong đó, số nhân khẩu đã được cấp CCCD là 1.919.976 người, đạt 97,36%. Công an tỉnh hiện đang xây dựng kế hoạch cao điểm để triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ cấp thẻ CCCD cho 100% công dân thường trú trên địa bàn tỉnh và hoàn thành 6 nội dung làm sạch dữ liệu dân cư. Dự kiến đến ngày 30/4/2023 sẽ hoàn thành. Thu nhận hồ sơ định danh điện tử mức 2 đạt 61,23% so với chỉ tiêu được giao với 615.826/1.005.735 tài khoản, tổng số hồ sơ định danh điện tử được phê duyệt là 556.290 hồ sơ, tổng tài khoản đã kích hoạt là 172.986/1.005.735, đạt 17,2%, cao nhất trong 7 tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh và đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng tài khoản kích hoạt thành công.

Đặc biệt, để đẩy mạnh các hoạt động trong tháng Thanh niên năm 2023, trong ngày 15/3/2023, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Dương tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp cao điểm 15 ngày kích hoạt 103.000 tài khoản định danh điện tử mức 2 trong tháng 3/2023.

Có 1.639.481 thẻ BHYT đã được tích hợp/xác thực với CCCD/ĐDCN; 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với 609.096/741.396 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 82,16%; 5.165/6.405 cơ sở cho thuê lưu trú và các cơ sở y tế thực hiện thông báo lưu trú, đạt 80,64%; 7/19 cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe triển khai liên thông, cung cấp giấy khám sức khỏe lái xe điện tử lên cổng dịch vụ công Quốc gia; 410/410 cơ sở giáo dục địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Đề án 06 Bình Dương -0
Công an Bình Dương thu nhận dữ liệu cấp CCCD cho các bệnh nhân tại bệnh viện.

Bình Dương cũng đã khắc phục xong các lỗ hổng bảo mật và được Cục cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) cấp tài khoản để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một trong 20 tỉnh trong toàn quốc được kết nối vào năm 2022. Từ ngày 7/12/2022, hệ thống đã kết nối thành công và đi vào hoạt động chính thức.

Bên cạnh đó, Bình Dương còn thực hiện vượt kế hoạch việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng CSDLQGvDC; xác thực cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, chi trả chính sách không dùng tiền mặt cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xác thực làm sạch dữ liệu 36.793 trường hợp, đã có 25.460 trường hợp được mở tài khoản ngân hàng, 24.344 trường hợp đã được cấp thẻ ATM; triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến tại 3 địa bàn TP Dĩ An, TP Thuận An và Thủ Dầu Một…

Theo đánh giá của Cục cảnh sát QLHC về TTXH  (Bộ Công an), với kết quả đạt được, nhiều chỉ tiêu trong các nhiệm vụ theo Đề án 06 mà Bình Dương đã thực hiện đạt tỷ lệ khá cao, đứng đầu cả nước. Hiện Bình Dương đã thực hiện được 15/34 nhiệm vụ theo Đề án 06; còn 18/34 nhiệm vụ chưa triển khai do đang trong quá trình kết nối, triển khai thí điểm và chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương.

Tuy nhiên, tại hội nghị cũng cho biết, do việc triển khai thực hiện Đề án 06 chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là việc bố trí máy tính, đường truyền, tạo các điểm truy cập miễn phí còn thiếu, không đồng đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề án.

Thiếu nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin (hướng dẫn công dân tại bộ phận 1 cửa), chưa trang bị đầy đủ máy tính đảm bảo an ninh, an toàn thông tin tại bộ phận một cửa UBND các cấp; chưa trang bị máy quét mã QR Code, máy đọc chip trên thẻ CCCD phục vụ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Tính năng của ứng dụng định danh điện tử VNeID hiện tại đã được triển khai rộng rãi để người dân sử dụng. Tuy nhiên, ứng dụng chưa có nhiều tiện ích, thông tin giấy phép lái xe, đăng ký xe… còn chậm hiển thị, thời gian chuyển vùng hồ sơ đến phần mềm tiếp nhận còn chậm, kéo dài thời gian, dẫn đến giải quyết và trả kết quả cho công dân không đảm bảo thời gian theo quy định. Chưa có chính sách hỗ trợ, chế độ đặc thù cho lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện Đề án 06…

P.Tuyền
.
.