Phú Yên hoàn thành tháo gỡ "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06

Thứ Bảy, 13/07/2024, 07:05

Một năm qua, tỉnh Phú Yên đã huy động nhiều nguồn lực triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ "điểm nghẽn" khi thực hiện Đề án 06. Bằng nhiều nỗ lực tích cực của các sở, ngành có liên quan, đến đầu tháng 7/2024, nhiệm vụ cuối cùng trong 3 nhiệm vụ tồn tại cần tháo gỡ cũng đã hoàn thành.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, nhận diện rõ 5 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết (bao gồm pháp lý; hạ tầng công nghệ thông tin; dữ liệu; an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực), phục vụ tốt công tác cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp.

cc2.jpg -0
Cán bộ Công an tỉnh Phú Yên tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

Đến nay Phú Yên đã công bố danh mục 1.547 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính  của tỉnh; điều chỉnh 3 quyết định với 47 thủ tục liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; HĐND tỉnh Phú Yên ban hành 5 Nghị quyết quy định mức thu và quản lý lệ phí đối với 5 lĩnh vực, trong đó có miễn giảm 50% lệ phí khi người dân giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công trực tuyến... Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06. Hệ thống này đã kết nối, sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư, đáp ứng số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở DLQG về dân cư ở Phú Yên đã được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 32,2%, xếp 39/63 tỉnh, thành phố, hơn 28 triệu hồ sơ đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 42,38%. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC ở Phú Yên đạt 76,5 điểm, thuộc nhóm khá và được xếp vị thứ 13/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hoạt động kết nối, chia sẻ giữa cơ sở DLQG về dân cư phục vụ giải quyết các TTHC và dịch vụ công đã được hoàn thành từ giữa tháng 3/2023, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, đã có 29.960 lượt kết nối đến hệ thống cơ sở DLQG về dân cư, khai thác sử dụng 20 thông tin trên hệ thống phục vụ giải quyết các TTHC và dịch vụ công, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu do tỉnh triển khai, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay đã kết nối và vận hành hơn 18 hệ thống và cơ sở DLQG từng bước được đưa vào khai thác.

Theo Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, trong hoạt động tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đến giữa tháng 6/2023, Công an tỉnh Phú Yên đã cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân có đủ điều kiện, rút ngắn hơn 40 ngày so với chỉ tiêu, đồng thời thu nhận 536.284 tài khoản định danh mức 1,2 và kích hoạt 324.741 tài khoản.

Hiện, Công an tỉnh Phú Yên vẫn đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thu nhận, hướng dẫn người dân, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNeID, đồng thời phối hợp các sở, ngành, địa phương làm sạch dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống". Ngoài ra, đã xác thực 801.615 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở DLQG về bảo hiểm với cơ sở DLQG về dân cư, 99,02%; đến cuối năm 2023 đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh, thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mở tài khoản 52.656 cho đối tượng, đạt 87,22%.

Bên cạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; trong thời gian qua tỉnh Phú Yên tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, báo cáo nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có trình độ công nghệ thông tin để phục vụ Đề án 06. Mặt khác đã phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ cho 2.079 cán bộ, công chức, viên chức theo mô hình đào tạo trực tuyến MOOC để triển khai Đề án 06.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Phú Yên cho biết, sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai thực hiện Đề án 06, tỉnh Phú Yên còn 3 nhiệm vụ chậm muộn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Phú Yên và những nỗ lực tích cực của các sở, ngành liên quan, sau 1 tháng đã tập trung khắc phục 3 nhiệm vụ tồn tại, trong đó nhiệm vụ cuối cùng là đã đưa vào sử dụng phiên bản 2.0 kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng DVCQG phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7 vừa qua.

"Dù đã hoàn thành nhưng Sở TT&TT vẫn phối hợp với Viettel Phú Yên - đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến kiểm tra, rà soát hiệu quả vận hành phiên bản 2.0 để kịp thời hỗ trợ các địa phương kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng DVCQG phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công đảm bảo chất lượng, hiệu quả", bà Đào Phạm Hoàng Quyên cho biết thêm.

Đưa tiện ích của Đề án 06 đi vào cuộc sống

Sau 6 tháng triển khai thực hiện thí điểm mô hình số 20 của Đề án 06 "Đảm bảo điều kiện công dân số" trên địa bàn xã An Bình (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ ngày tham gia mô hình này, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ ở xã An Bình đánh giá rất cao phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Như Lan nhận xét: "Việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng rất tiện, nhanh chóng". Trung tá Dương Thị Thúy Quyên, Phó trưởng Công an huyện Cao Lãnh cho biết: "Công an huyện đã phối hợp với lãnh đạo UBND xã An Bình tham mưu lãnh đạo UBND huyện, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 huyện chỉ đạo các ngành tham gia phối hợp để cùng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện tiêu chí công dân số. Công an huyện đã thành lập tổ công tác để đến xã An Bình tuyên truyền, vận động người dân và tổ chức thu nhận cấp CCCD, tài khoản định danh điện tử mức 2. Đây là tiền đề để các ngành có liên quan vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tạo tài khoản ngân hàng và chữ ký số giúp mang lại giá trị thiết thực cho người dân.

Xã An Bình có công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là 9.177 nhân khẩu. Công an huyện Cao Lãnh đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân đạt tỷ lệ 98%. Hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đã được phê duyệt 6.674 hồ sơ, gần 5.500 tài khoản đã được kích hoạt. Đảng ủy, UBND xã An Bình đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các mặt công tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa nguồn nhân lực, phương tiện tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ Đề án 06 xã An Bình đã làm tốt công tác vận động sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, công chức và người dân trong cài đặt các ứng dụng số cũng như thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. VNPT huyện Cao Lãnh tạo lập 217 trường hợp chữ ký số, 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã đều có tài khoản ngân hàng, 134/188 cơ sở kinh doanh có mã QR thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Quân đội, chi nhánh huyện Cao Lãnh đã làm thủ tục cấp thẻ bảo trợ xã hội cho 338 trường hợp…

Quá trình thực hiện, Tổ Đề án 06 xã An Bình còn gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là chữ ký số cần gắn với nhu cầu của người dân và phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nhiều cơ quan, đơn vị. Bà Trương Huyền Trang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: "Địa phương đã khảo sát thực trạng, xây dựng lộ trình, xác định đối tượng cần tập trung trước, đưa ra các giai đoạn phù hợp để thực hiện mô hình "Đảm bảo điều kiện công dân số". Kết quả bước đầu của mô hình là cơ sở, tiền đề để xây dựng chuyển đổi số toàn diện, góp phần hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế số, xã hội số và Chính phủ điện tử". (Thanh Thảo)

Hữu Toàn
.
.