Giúp người dân tiếp cận công nghệ số

Thứ Sáu, 22/04/2022, 07:54

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có văn bản hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ra quyết định thành lập tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ). Trong đó, mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 1 tổ CNSCĐ nhằm giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, thuận tiện.

Sau khi thành lập các tổ CNSCĐ, thành viên của tổ sẽ được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân. Tổ CNSCĐ nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố. Ví dụ như việc mở gian hàng số, cài đặt ứng dụng Hue-S, sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC-COVID ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai, đăng ký khai sinh.

moi truong so.jpg -0
Tổ công nghệ số cộng đồng góp phần thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế quy định, tổ CNSCĐ phải tạo kế hoạch trên mạng lưới tại Hue-S và tạo nhóm Zalo gồm tất cả các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên. Tổ CNSCĐ sẽ cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên qua mạng lưới tổ CNSCĐ trên Hue-S và nhóm Zalo kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai việc sử dụng nền tảng số, công nghệ số để chính quyền các cấp nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc…

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ CNSCĐ sẽ là tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng, việc thành lập tổ CNSCĐ tại mỗi thôn, tổ dân phố sẽ giúp người dân tiếp cận công nghệ thuận tiện hơn. Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, huyện Phong Điền đang đẩy mạnh kết nối nông sản của bà con nông dân qua sàn thương mại điện tử.

Hiện, cán bộ, hội viên của 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện được chia sẻ những nội dung về thương mại điện tử và áp dụng kinh doanh trên sàn kinh tế hợp tác. Các mô hình hợp tác kinh doanh phổ biến trên sàn thương mại điện tử; bán hàng trên sàn kinh tế hợp tác, các cách thức sản phẩm được hỗ trợ trong sàn; hệ thống giảm giá, khuyến mãi; khả năng tiếp thị và quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Đồng thời, được hướng dẫn xây dựng cửa hàng số cho hộ sản xuất nông nghiệp liên kết, trao đổi, mua bán nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra trên các sàn thương mại điện tử; phát triển người mua thông qua sàn thương mại điện tử; định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn nhận biết lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số, nâng cao ý thức về chất lượng và bán sản phẩm trên không gian mạng.

“Phong Điền là huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và có thế mạnh, vì vậy việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, giúp nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp và các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ mở rộng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước”, ông Hồ Đôn chia sẻ…

Mới đây, tại hội thảo “Chia sẻ kết quả khảo sát về ý kiến người dân đối với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thừa Thiên-Huế”, bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và tham gia Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc khẳng định, công tác cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến là một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, công tác giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có những tiến bộ đáng kể, góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính khi UBND tỉnh hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình chuẩn hóa các dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Nhiều TTHC sẵn sàng đáp ứng, được người dân lựa chọn nhiều như: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật; hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ phí chăm sóc, nuôi dưỡng...

Hải Lan
.
.