Ứng dụng công nghệ số vào giáo dục học tập suốt đời

Chủ Nhật, 20/06/2021, 08:32
Ngày 18/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

Sau 8 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” mạng lưới cơ sở giáo dục, trong đó nòng cốt là cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) được phát triển và mở rộng. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở GDTX, trong đó có 71 trung tâm GDTX cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đáng chú ý, số lượng cơ sở GDTX  tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ. Điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá. Trong 8 năm qua có 8,4 triệu học viên đã tham gia các lớp học của những trung tâm này; riêng học viên học ngoại ngữ là 7,1 triệu người. Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã đóng góp quan trọng vào kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

Theo đó, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 34/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong 8 năm qua, các địa phương đã tổ chức xóa mù chữ cho trên 300 nghìn người trong độ tuổi 15-60…

Ghi nhận những kết quả đạt được của Đề án sau 8 năm triển khai, song nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số vướng mắc, tồn tại và hạn chế như nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng đều. Các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân.

Các ý kiến cũng đề nghị Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động học tập suốt đời. Đẩy mạnh sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở GDTX để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác xóa mù chữ, giáo dục kỹ năng sống cho người lớn trong cộng đồng; tăng cường các hoạt động của các cơ sở GDTX trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin, phổ cập tiếng Anh, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các trường đại học nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu số, học liệu điện tử, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở GDTX.

Hùng Quân
.
.
.