Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá

Doanh nghiệp, người dân chung tay chuyển đổi số (Bài cuối)

Thứ Tư, 25/05/2022, 07:47

Quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ được chuyển tải đầy đủ trong Đề án 06, luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, thụ hưởng tất cả những tiện ích mà đề án này mang lại.

Bộ Công an hiện đang quyết liệt, nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số thành công, xây dựng một xã hội số, công dân số, Chính phủ số…

Người dân háo hức, vui mừng thụ hưởng “công dân số”

Tối 13/4, theo chân Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Công an TP Hà Nội, chúng tôi có mặt tại trụ sở nhà văn hóa của tổ dân phố số 16, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, ghi nhận không khí làm việc của CBCS. Đây là một trong những địa chỉ đầu tiên được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an TP Hà Nội chọn làm thí điểm cấp tài khoản định danh điện tử.

Sau bữa cơm tối, bác Nguyễn Văn Thành hồ hởi mang căn cước công dân (CCCD) đến nhà văn hóa gặp Thiếu úy Nguyễn Tuấn Anh, CSKV để làm thủ tục xác nhận CMND và CCCD gắn chip đồng thời cấp tài khoản định danh điện tử, tích hợp giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế vào CCCD.

Không chỉ có bác Thành, đến đây, chúng tôi còn được gặp nhiều người dân khác. Và chỉ sau vài phút đăng nhập trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, em Đoàn Cẩm Nhung, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã hoàn thành xong phần kê khai đăng ký tạm trú. “Em cứ nghĩ phải mất cả buổi tối mới làm xong thủ tục đăng ký tạm trú, không ngờ rằng lại nhanh và thuận tiện đến vậy. Cảm ơn các đồng chí Công an rất nhiều” - em Đoàn Cẩm Nhung phấn khởi chia sẻ với chúng tôi.

Hà Nội được chọn là một trong 5 thành phố lớn thực hiện thí điểm đi đầu về chuyển đổi số. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chuyển đổi số TP Hà Nội mới đây, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đối với Thủ đô, đây còn là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực đối với các cấp, ngành địa phương.

“Đích tới của chuyển đổi số phải hướng tới kết quả cụ thể, thực chất, người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm. Việc chuyển đổi số phải đảm bảo đồng bộ, nhất quán” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án 06, lực lượng Công an cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đang nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thấy được tầm quan trọng, lợi ích được thụ hưởng khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Những chuyển động rõ nét này của các cấp, các ngành trong quá trình chuyển đổi số đều hướng tới trung tâm là người dân và doanh nghiệp.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP đã tổ chức thông báo mã số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn TP, triển khai thu nhận hơn 5.691.513 hồ sơ CCCD có gắn chíp điện tử và làm sạch 3 cấp đối với hơn 7,9 triệu dữ liệu dân cư của công dân trên địa bàn, đồng thời cập nhật thông tin hơn 453.403 trường hợp hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và hơn 11.332.865 thông tin tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư…

Đại tá Vũ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên chia sẻ với PV về quá trình triển khai Đề án 06 ở tỉnh miền núi, biên giới. Tính đến thời điểm này, Công an tỉnh Điện Biên đang triển khai mạnh mẽ việc hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện cư trú trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai cấp định danh điện tử cho công dân tập trung vào các đối tượng ưu tiên trước hết là các cháu học sinh chuẩn bị thi THPT quốc gia, chuẩn bị thi vào lớp 10, các đối tượng chính sách, CBCS lực lượng Công an, cán bộ các sở, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 06... sau đó, triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân toàn tỉnh. Sau 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay Công an tỉnh Điện Biên đã cấp được 8.220 định danh điện tử cho công dân.

“Rào cản lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua là thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm việc, xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, vai trò của từng cá nhân được giao nhiệm vụ triển khai, thực hiện Đề án 06; đồng thời phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, thói quen chuyển từ thực hiện các thủ tục hành chính truyền thống, thủ công sang áp dụng thực hiện trên môi trường điện tử, môi trường số”- Đại tá Vũ Tiến Dũng đánh giá.

Bài cuối: Doanh nghiệp, người dân chung tay chuyển đổi số -0
Cán bộ Cảnh sát khu vực Công an phường Dịch Vọng Hậu (Hà Nội) hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký tạm trú trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

 Phát triển “doanh nghiệp số” trên nền tảng Đề án 06

Cộng đồng doanh nghiệp và người dân chính là hai đối tượng được thụ hưởng đầu tiên và xuyên suốt của Đề án 06. Chia sẻ với PV về những tiện ích, thuận lợi, kết quả khi ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trên nền tảng Đề án 06, ông Lê Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) không khỏi vui mừng đánh giá: Đề án 06 sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhân lực, đồng thời xây dựng kết nối thông tin định danh dân cư, đảm bảo được tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch, giảm thiểu các rủi ro của doanh nghiệp như: Rửa tiền, gian lận thương mại… Doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn từ những nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an trong việc xây dựng dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD gắp chip và giờ là Đề án 06 đang được triển khai.

Trong thời gian qua, VNPAY đã cùng tham gia nghiên cứu, tư vấn và đề xuất với Bộ Công an các mô hình, giải pháp để ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, góp phần phục vụ cuộc sống người dân, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, cũng như tăng tính tiện lợi, bảo mật cho các dịch vụ. VNPAY đã triển khai đăng ký làm căn cước công dân có gắn chip cho 100% cán bộ nhân viên. Ngoài ra, VNPAY đã xây dựng sản phẩm eKYC, nhận dạng khuôn mặt cũng như đọc dữ liệu từ giấy tờ tùy thân để phục vụ việc xác thực định danh điện tử của người dân.

Cũng theo ông Lê Tánh, để tối ưu hóa những hoạt động tiện ích trong dịch vụ công mà Đề án 06 mang lại, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và VNPAY nói riêng sẽ cần phải phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành trong việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các dịch vụ để tiết kiệm được nguồn lực.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo VNPAY, trao đổi với PV, ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định: Đề án 06 có ý nghĩa rất quan trọng. Việc triển khai đề án sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho xã hội, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, CCCD và các dữ liệu khác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Kiên Cường, đối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Đề án 06 sẽ giúp cho Tổng Công ty tối ưu hóa khai thác dữ liệu dân cư và CCCD để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử các khách hàng, trong đó có PostID và ví điện tử PostPay. Khi được cho phép, hệ thống của Bưu điện Việt Nam sẽ liên kết sang cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD nhằm kiểm tra đối chiếu thông tin khách hàng cung cấp, đảm bảo chính xác và tiết kiệm thời gian nhập thông tin khách hàng.

Hiện, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương để tiếp nhận yêu cầu trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích của người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Cũng theo đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đơn vị cũng đang thực hiện dịch vụ định danh, xác thực điện tử PostID nên có kinh nghiệm và thuận lợi khi kết nối, tích hợp với hệ thống của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để kiểm tra đối chiếu thông tin, khai thác dữ liệu phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ của Tổng Công ty và cung cấp các dịch vụ về định danh, xác thực điện tử khi được cấp phép.

Trên nền tảng dịch vụ công và nhất là dữ liệu Quốc gia về dân cư, Đề án 06, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đang xem xét trang bị thiết bị đọc thẻ chíp trên CCCD và tích hợp thiết bị đọc thẻ chíp với các ứng dụng tại các bưu cục, điểm cung cấp dịch vụ của Việt Nam Post. Tiếp đó, chỉnh sửa, nâng cấp các ứng dụng, bổ sung chức năng đọc thông tin từ thẻ chip CCCD và từ ứng dụng VNEID, phục vụ nhận biết khách hàng và tự động điền thông tin (fill form) khi cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư trong Đề án 06, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Dữ liệu dân cư và căn cước công dân kết hợp cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD với dữ liệu địa chỉ số và bản đồ số để phục vụ cho việc quản lý của các cơ quan hành chính các cấp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Tất cả những nền tảng kinh doanh số của Bưu điện Việt Nam sẽ vô cùng phát triển khi thụ hưởng những tiện ích từ Đề án 06”- ông Nguyễn Kiên Cường tin tưởng và kỳ vọng.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06 Bộ Công an: “Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc”

Bộ Công an đang triển khai cấp định danh điện tử cho công dân trên phạm vi toàn quốc, trước mắt ưu tiên cấp cho những người làm CCCD, nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên, những người được hưởng chính sách an sinh xã hội... để xác thực phục vụ ngay các kỳ thi sắp tới và việc triển khai các gói an sinh xã hội của Chính phủ. Việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các giao dịch điện tử. Tinh thần chính của Đề án 06 là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm. Vì vậy, Bộ Công an sẽ trước sau như một, bám sát tinh thần này, triển khai thực hiện quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoàng Phong
.
.