Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá

Chuyển đổi số phục vụ du lịch và phát triển kinh tế

Thứ Ba, 24/05/2022, 08:07

Du lịch Việt Nam đã dần khởi sắc trở lại sau hơn 2 năm ngành công nghiệp không khói đóng băng do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Bên cạnh việc thu hút khách du lịch nội địa thì từ chính sách mở cửa của Chính phủ, nhiều khách du lịch quốc tế đã ưu tiên chọn Việt Nam là điểm đến bởi sự mến khách, an toàn, thân thiện. Và hơn thế nữa, từ sự chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ số đã hỗ trợ cho du khách rất nhiều khi họ xuất, nhập cảnh hay trong quá trình lưu trú.

Cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh - một trong những người kết nối đầu tiên với khách du lịch đã luôn nỗ lực vượt khó, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm nâng cấp dịch vụ đến cấp độ 3, 4, mang lại những tiện ích tốt nhất, cũng như sự hài lòng cho du khách.

Những trải nghiệm thú vị trên “môi trường số”

Sau hành trình bay kéo dài hơn 20h, trở lại quê hương, chị Nguyễn Thảo, 46 tuổi, hiện định cư tại bang Georgia, Mỹ, đã thảnh thơi ngồi thưởng thức ly cafe thơm phức ngay trong quán cafe trên phố Đinh Lễ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Chị Nguyễn Thảo, chia sẻ: “Ngay khi xuống máy bay, do chuẩn bị giấy xét nghiệm, khai báo y tế đầy đủ theo quy định, tôi chỉ cần scan mã QR code đã khai báo y tế và nhanh chóng xếp hàng chờ làm thủ tục đóng dấu nhập cảnh. Anh cán bộ làm thủ tục nhập cảnh còn khá trẻ, dù làm việc vào lúc đêm khuya, đông khách chờ nhưng vẫn niềm nở, nhẹ nhàng yêu cầu tôi đưa hộ chiếu, tháo khẩu trang che mặt để kiểm tra. Trong lúc làm thủ tục, anh còn hỏi han thêm. Những lời thăm hỏi ân cần, cùng với việc scan hộ chiếu, đóng dấu nhập cảnh nhanh gọn khiến tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm, ấm lòng, vơi đi mệt nhọc sau chặng bay dài ”.

Trao đổi với PV, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đánh giá: “Những tiện ích của Đề án 06 mang lại rất lớn, hệ thống dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3, cấp độ 4 đang phát huy vô cùng hữu ích trongviệc khai báo lưu trú, gia hạn tạm trú cho du khách quốc tế cũng như phục vụ cho công tác quản lý, phát triển kinh tế, xã hội của Hoàn Kiếm nói riêng. Cùng với lực lượng Công an cả nước nỗ lực bảo đảm ANTT, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho du khách, Công an quận cũng là lực lượng cơ sở nòng cốt trong triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn theo chỉ đạo trực tiếp của Công an TP Hà Nội và Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của quận Hoàn Kiếm”.

Dù là thứ Bảy, ngày nghỉ, mưa như trút nước nhưng chúng tôi vẫn có mặt tại trụ sở Công an phườngTràng Tiền để ghi nhận không khí những ngày đầu thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử tại cơ sở. Trung tá Hà Quyết Thắng, Trưởng Công an phường Tràng Tiền cùng tổ công tác Cảnh sát khu vực đang nỗ lực phục vụ người dân trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ công tiện ích như đăng ký tạm trú, lưu trú, thường trú, xác nhận căn cước công dân (CCCD) và chứng minh nhân dân (CMND)… và đặc biệt là phục vụ công tác đăng ký lưu trú, gia hạn visa cho du khách nước ngoài.

Vui vẻ đón tiếp chúng tôi trong nỗi hân hoan khi lượng khách quốc tế đăng ký lưu trú tại khách sạn ngày càng nhiều, chị Nguyễn Đan Giao, Phó Phòng chăm sóc khách hàng của khách sạn Metropole Hà Nội cho biết: “Quá trình đón khách trong và ngoài nước, việc khai báo lưu trú, tạm trú, gia hạn visa… được các nhân viên của khách sạn thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia rất nhanh chóng, thuận tiện, không phải mang tờ khai ra Công an phường như ngày trước, tiết kiệm thời gian, công sức rất nhiều. Đặc biệt, hệ thống khai báo lưu trú, gia hạn lưu trú, visa được Bộ Công an và Cục Quản lý xuất nhập cảnh cùng với Công an các cấp triển khai trên nền tảng dịch vụ công quốc gia đã giúp cho việc khai báo lưu trú, tạm trú, gia hạn visa này được thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, chính xác hơn”.

Ông Frederic Boulay (SN 1979, quốc tịch Canada) cùng vợ và các con sau nhiều lựa chọn đã quyết định chọn Hà Nội là điểm đến bởi sự thông thoáng trong quá trình nhập cảnh, cũng như hứa hẹn những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu chính sách mở cửa ở Việt Nam trong điều kiện bình thường mới. Quá trình đến khách sạn lưu trú, ông Frederic Boulay thật sự ấn tượng trước sự đón tiếp và đặc biệt là thủ tục khai báo trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia vô cùng thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức, để cả gia đình ông có thật nhiều thời gian tận hưởng trọn vẹn chuyến nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

anh 4.1.jpg -0
Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh cần mẫn “số hóa” dữ liệu để phục vụ du khách, người dân.

Tăng cường các cấp độ “số hóa” phục vụ phát triển kinh tế

Trụ sở của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an nằm nép mình khiêm tốn trên con phố Trần Phú của Thủ đô Hà Nội. Xương sống trong chuyển đổi số của Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải kể tới Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh. Nhiệm vụ của đơn vị nhằm tổ chức nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý xuất nhập cảnh; xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống Cơ sở dữ liệu xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và các hệ thống thông tin xuất nhập cảnh liên quan đến người nước ngoài.

Trung tá Nguyễn Thị Xuân Huệ, Trưởng Phòng Ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý hồ sơ xuất nhập cảnh cùng với các đồng chí chỉ huy và CBCS đơn vị trong suốt những ngày qua luôn cần mẫn, tận tụy và sáng tạo để “số hóa” dữ liệu phục vụ cho nhiệm vụ chuyển đổi số trên lĩnh vực xuất nhập cảnh. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm hứng, Trung tá Huệ cho biết, những năm qua, chính sách, pháp luật về xuất nhập cảnh của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, đổi mới toàn diện theo hướng thuận lợi, thông thoáng cho người nước ngoài, du khách nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động tại Việt Nam, đã tạo nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thời gian qua, từ thực tiễn công tác quản lý người nước ngoài cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới, đặt ra những thách thức, khó khăn không nhỏ, đòi hỏi lực lượng Công an nói chung, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh toàn quốc phải thay đổi, cải cách cách thức quản lý người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ trong việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng vẫn chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những vi phạm pháp luật có liên quan đến yếu tố nước ngoài”.

Theo Trung tâm Công nghệ Thông tin, Tổng cục Du lịch, trong những năm qua, du lịch được xem là một ngành công nghiệp xanh đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm đóng băng hoạt động du lịch trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Du lịch và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019. Năm 2021, Việt Nam đón được 157,3 nghìn lượt khách quốc tế (chủ yếu là chuyên gia, khách công vụ), giảm 95,9% so với năm 2020.

Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc, hoạt động sôi động dần trở lại, nhất là khi Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022. Quý 1 năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91 nghìn lượt, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Đối với thị trường khách du lịch nội địa, năm 2020, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Năm 2021, khách du lịch nội địa đạt khoảng 40 triệu lượt. Năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương khoảng 19 tỷ USD. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020. Hiện, ngành du lịch cũng tập trung thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá cũng như đảm bảo du lịch an toàn. Đáng chú ý, những thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh được Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đổi mới trên cơ sở thực hiện Đề án 06 thuận tiện, nhanh chóng, an toàn… đã góp phần quan trọng trong việc “kéo”, tănglượng du khách quốc tế đang trở lại Việt Nam gia tăng từng ngày.

Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: “Trong quý I/2022, số lượng người làm các thủ tục xuất nhập cảnh tăng so với cùng kỳ năm 2021. Các quốc gia có đông công dân nhập cảnh là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Tính đến tháng 4/2022, đơn vị đã triển khai thực hiện 4 thủ tục, gồm: Khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam qua trang thông tin điện tử thực hiện tại Công an cấp tỉnh; kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh; cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh; cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức thực hiện tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Hiện 7 thủ tục chưa thực hiện được do chưa được tích hợp trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Đối với 26 thủ tục còn lại, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đồng ý sẽ triển khai thực hiện trong tháng 6/2022…”.

Đại tá Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an: Lĩnh vực xuất nhập cảnh được xem như là một trong những kênh quan trọng đầu tiên giúp giao lưu, kết nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Chuyển đổi số liên quan đến xuất nhập cảnh trong Đề án 06 luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo sát sao, mà trực tiếp là đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 và đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an,Tổ phó Thường trực Tổ công tác.

anh 4.3.jpg -0
Đại tá Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

Với tinh thần trách nhiệm rất cao, nhằm triển khai mạnh mẽ Đề án 06 đi vào cuộc sống, lãnh đạo, chỉ huy, CBCS Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và lực lượng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an các đơn vị, địa phương đã làm việc tăng ca, làm ngày, làm đêm, không kể thứ Bảy, Chủ nhật, sáng tạo, nỗ lực, vượt khó, đưa ra nhiều giải pháp đột phá để từng bước hoàn thiện, nâng cấp dịch vụ. Tất cả nhằm đem đến sự tiện ích, hài lòng nhất cho người dân, doanh nghiệp, cũng như du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi đến với Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu: Là một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn nhưng Công an tỉnh Lai Châu cũng chuyển mình mạnh mẽ nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an.

Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo các phòng chức năng, Công an các huyện, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt Đề án 06; trong đó có ứng dụng dịch vụ công trực tuyến qua tài khoản định danh điện tử trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh và tiến hành đăng ký tài khoản khai báo tạm trú cho người nước ngoài để quản lý và khai thác thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh của người nước ngoài; đồng thời, chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ sở lưu trú có người nước ngoài đến lưu trú để lập tài khoản khai báo.

giam doc cong an lai chau.jpg -0
Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Tính đến ngày 30/4, trên địa bàn toàn tỉnh có 265 tài khoản khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử (trong đó đơn vị trực thuộc 120 tài khoản; cơ sở lưu trú 145 tài khoản).Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã được người dân, du khách ủng hộ và đánh giá cao.

Mặt khác, cùng với việc giải quyết các thủ tục hành chính, Ban Giám đốc Công an tỉnh, đặc biệt là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh rất chú trọng đến thái độ và tinh thần trách nhiệm, lễ tiết tác phong làm việc của CBCS, nhất là đối với các bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.Mọi khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân đều được lực lượng Công an hướng dẫn giải đáp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Anh Hiếu – Hoàng Phong (còn nữa)
.
.