Chuyện làm căn cước công dân ở vùng đất khó Krong

Thứ Năm, 17/11/2022, 07:22

Xã Krong, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai được xem là vùng đất khó của huyện Kbang. Người dân còn nghèo, quanh năm sinh sống tại các nhà rẫy trong rừng sâu hoặc trên sườn núi cao. Thế nhưng khi được tuyên truyền về những lợi ích của việc làm căn cước công dân, dù đang vào mùa gặt, bà con vẫn tranh thủ thời gian về UBND xã để làm thẻ căn cước.

Tại đây, cán bộ Công an luôn túc trực để tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục cho bà con nhanh chóng, kịp thời.

Những công dân về từ nhà đầm

Sau hơn 2 giờ di chuyển từ nhà rẫy (còn gọi là nhà đầm) đến UBND xã làm căn cước công dân, mồ hôi còn chưa ráo, ông Đinh Byưn (62 tuổi, làng Tung Gút, xã Krong) lại dở khóc, dở cười khi biết mình đã bị… khai tử.

Chuyện là cách đây gần 10 năm, trong nhà có người mất, ông Byưn nhờ đứa cháu cầm sổ hộ khẩu đi báo cho cán bộ, không biết thế nào lại khai nhầm sang tên ông. Lo lắng không làm được căn cước công dân, nhưng khi được cán bộ Công an xã ân cần hướng dẫn thực hiện thủ tục, ông Byưn thở phào nhẹ nhõm. Ông vui vẻ nói: “Cán bộ nói là cứ vô chụp hình, lăn tay làm căn cước thôi, cái sai trong sổ hộ khẩu sửa được, cứ yên tâm. Mình mừng lắm, có căn cước là trên giấy tờ được sống lại rồi”.

lam-cccd-(1).jpg -0
Công an xã Krong thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân.

Còn ông Đinh Bying (60 tuổi, làng Tung Gút) bị mất hộ khẩu nên những lần trước không đi làm căn cước công dân. Đợt này, thấy hầu hết bà con trong nhà đầm rủ nhau đến UBND xã, ông Bying cũng đánh liều đi theo.

“Công an xã nói là trong máy tính có sẵn tên mình rồi, chỉ cần in ra rồi làm thủ tục cấp căn cước thôi. Cán bộ còn dặn là phải giữ kỹ để sau này đem đi làm bảo hiểm, giấy tờ xe, đi vay vốn ngân hàng… thay cho sổ hộ khẩu. Trước giờ mình chủ yếu là ở nhà đầm lo mùa vụ nên không quan tâm đến giấy tờ. Được cán bộ giải thích, mình hiểu rồi, căn cước công dân quan trọng lắm!”- ông Bying phấn khởi.

Những trường hợp như ông Byưn, ông Bying không hiếm gặp. Thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” của Bộ Công an về triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, cấp định danh điện tử và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, từ ngày 4-10-2022 đến nay, Công an huyện Kbang thu nhận 2.337 hồ sơ cấp căn cước công dân. Đồng thời qua rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, Công an huyện Kbang xóa đăng ký thường trú 587 trường hợp đã qua đời hoặc trùng dữ liệu, trong đó Công an xã Krong xóa 121 trường hợp.

Đẩy mạnh tuyên truyền làm căn cước công dân

Sáng nay, Đinh Thị Dach (18 tuổi) mặc chiếc áo sơ mi đẹp nhất, cùng các bạn nữ khác đi bộ hơn 4 giờ từ nhà đầm đến UBND xã làm căn cước công dân. Dach kể: “Em ở làng Tung Gút nhưng từ nhỏ đã vào ở nhà đầm cách đây xa lắm, đường thì khó đi. Hai vợ chồng em ở đó quanh năm để trồng lúa và hoa màu, đi bắt cá suối, bắt thỏ, chuột đồng làm thức ăn hằng ngày… Vừa rồi, em được nghe tuyên truyền về làm căn cước công dân, em rủ mấy chị em cùng đi, nhân tiện về làng thăm mẹ”.

Cũng như Dach, người Bahnar ở xã Krong thường sinh sống trong các nhà đầm. Đó là nơi quy tụ từ 10 đến 20 nóc nhà ở thung lũng hoặc lưng chừng núi, cách xa làng từ 10 đến 30km. Vì đường sá cách trở, bà con thường ở nhà đầm quanh năm, chỉ về làng khi có lễ cúng, việc cưới, việc tang hay hội họp. Do đó, việc tuyên truyền bà con trong đầm đi làm căn cước công dân gặp nhiều khó khăn.

Để bảo đảm 100% công dân đủ 14 tuổi trở lên trên địa bàn xã được cấp căn cước công dân, Công an xã Krong đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch huy động hệ thống chính trị các thôn, làng cùng lực lượng Công an vận động người dân  làm căn cước.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đinh Văn Ble, Phó Chủ tịch UBND xã Krong cho biết: “Xã Krong diện tích rộng, có 10 làng với hơn 1.500 hộ, 5.658 nhân khẩu, khoảng 80% dân số là người Bahnar. Bà con đang trong thời gian thu hoạch lúa đông xuân nên chủ yếu ở lại đầm, hầu hết không sử dụng điện thoại di động. Chúng tôi huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tuyên truyền bằng các hình thức như: qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền trực tiếp để bà con ở làng gọi người thân lên Công an xã hoặc vào tận các nhà đầm để thông báo bà con về làm căn cước công dân”.

Chỉ trong buổi sáng 9/11/2022, có khoảng 80 người dân đến UBND xã Krong làm căn cước. Giữa trưa, vẫn có từng nhóm người đến từ các nhà đầm. Ngoài lực lượng Công an xã (5 cán bộ, chiến sĩ), Công an huyện Kbang tăng cường 4 cán bộ thay phiên túc trực cả ngày để giải quyết hồ sơ cho nhân dân nhanh chóng, kịp thời.

Có mặt ở UBND xã để theo dõi, chỉ đạo trực tiếp việc cấp căn cước công dân, Thượng tá Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng Công an huyện Kbang cho biết: Thời gian này, Công an huyện tiếp tục huy động tối đa lực lượng quyết liệt thực hiện cao điểm “90 ngày đêm” của Bộ Công an. Ngoài tham mưu cho UBND xã các kế hoạch làm căn cước công dân tập trung, Công an các xã còn vào tận nhà dân để làm thủ tục cho người già yếu, bệnh tật hoặc tập hợp nhân dân thành từng nhóm nhỏ, thuê xe chở lên UBND xã làm căn cước công dân rồi chở về. Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện còn vận động doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để tặng quà cho người dân. Đơn cử như trong buổi cấp căn cước công dân ở xã Krong hôm nay, bà con đến làm thủ tục đều được hỗ trợ gạo, tổng trị giá các suất quà khoảng 20 triệu đồng.

Với những nỗ lực đó, cùng sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi tin rằng đơn vị sẽ hoàn thành tốt chỉ tiêu Bộ Công an giao trong đợt cao điểm “90 ngày đêm” triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, cấp định danh điện tử và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ”.

Thuý Trinh
.
.