Xây dựng kế hoạch phục vụ hiệu quả việc xét chức danh GS, PGS ngành Khoa học An ninh
Chiều 7-4, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã phối hợp với Học viện An ninh nhân dân (ANND) tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng và Tổng biên tập các Tạp chí trong Công an nhân dân (CAND) và Nhà xuất bản CAND về danh mục, mức điểm các Tạp chí khoa học An ninh được đề nghị công nhận Tạp chí khoa học uy tín trong nước.
- Chúc mừng các tân Giáo sư và Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh
- Trao quyết định bổ nhiệm chức danh cho 15 Giáo sư và Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh
Buổi làm việc được tổ chức nhằm xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phục vụ hiệu quả việc xét chức danh GS, PGS ngành Khoa học An ninh. Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo buổi họp.
Theo quy định hiện hành, ứng viên GS, PGS phải có bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, sách xuất bản sau ngày 15/10/2018 phải có mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách ISBN. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật, Hội đồng giáo sư ngành Khoa học an ninh đã phối hợp với Cục Đào tạo, Bộ Công an báo cáo lãnh đạo Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn đặc thù đối với ngành Khoa học An ninh.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành làm việc với lãnh đạo các đơn vị chức năng và Tổng biên tập các Tạp chí trong CAND |
Tại buổi họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về danh mục, mức điểm các tạp chí khoa học ngành Khoa học An ninh đề nghị được công nhận Tạp chí khoa học uy tín trong nước đối với 8 tạp chí: Tạp chí CAND, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Khoa học và giáo dục an ninh; Tạp chí Khoa học và Huấn luyện tình báo, Tạp chí An ninh nhân dân, Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát, tạp chí Khoa học Giáo dục Kỹ thuật - Hậu cần và sách phục vụ đào tạo có mã số chuẩn quốc tế ISBN.
Phát biểu kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí Thứ trưởng cũng đồng ý với việc xem xét đưa 8 Tạp chí trên vào lĩnh vực đặc thù. Tuy nhiên, Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh phải có luận cứ rành mạch, rõ ràng để trình lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với hệ thống tạp chí trong CAND, các đồng chí Tổng Biên tập phải tập trung đánh giá, rà soát các tiêu chí đối với một tạp chí uy tín so với tiêu chuẩn quốc tế, mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng của các tạp chí trong CAND…
Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đã chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị chức năng, Ban Giám đốc các Học viện, các cán bộ giảng viên Bộ môn Khọc xã hội nhân văn về kết quả tổ chức Hội thảo khoa học: “Khắc phục trở ngại tâm lý trong công tác và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ CAND” và đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn và tâm lý học CAND của Học viện Chính trị CAND.
Tại buổi làm việc, đại diện Học viện Chính trị CAND đã trình bày cụ thể các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn đề xuất thành lập cơ sở nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý CAND.
Bên cạnh việc tổ chức Hội thảo “Khắc phục trở ngại tâm lý trong công tác và chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ”, hiện nay, Học viện Chính trị CAND cũng đang tập trung nghiên cứu tài liệu các nước và gợi ý của các chuyên gia tâm lý học. Trên cơ sở đó, có cái nhìn sát thực, chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ, phương hướng phát triển của cơ sở nghiên cứu trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã trao đổi, thảo luận và thống nhất sự cần thiết thành lập một bộ phận chuyên nghiên cứu về lĩnh cực Khoa học xã hội nhân văn và tâm lý học bởi những nghiên cứu về Khoa học xã hội nhân văn trong CAND và Tâm lý người cán bộ, chiến sỹ hiện còn nhiều khoảng trống.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đánh giá cao đề xuất xây dựng cơ sở nghiên cứu về Khoa học xã hội nhân văn và Tâm lý học CAND của Học viện Chính trị CAND. Để có thêm cơ sở, luận cứ khoa học, thực tiễn, đồng chí Thứ trưởng yêu cầu bổ sung một số nội dung như xây dựng đề cương trên cơ sở nghiên cứu thêm hoạt động của mô hình này tại một số các quốc gia phát triển trên thế giới; Chỉ rõ mục tiêu của sản phẩm; bổ sung thêm các điều kiện đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu; đồng thời có tổ chức khảo sát tại công an các đơn vị địa phương…