Sửa đổi cơ chế, chính sách để thu hút đội ngũ giáo viên thỉnh giảng

Thứ Năm, 18/04/2019, 16:45
Ngày 18-4, tại Hà Nội, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Thông tư số 49/2012/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong CAND. Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo đã chủ trì Hội nghị.


Cách đây 8 năm, ngày 10-10-2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 44 quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục. 

Dựa trên cơ sở của Thông tư 44, ngày 6-8-2012, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 49 quy định chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo trong CAND.

Đây được xem là chủ trương đúng đắn, kịp thời điều chỉnh, khắc phục những bất cập về việc sử dụng, bố trí cán bộ làm giáo viên kiêm nhiệm trước đây. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết hoạt động giáo dục đào tạo với thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND. 
Thiếu tướng Bùi Minh Giám phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Theo báo cáo của các Học viện, trường CAND và công an các đơn vị, địa phương, sau 7 năm thực hiện Thông tư 49, tính đến tháng 11-2018, các trường CAND có tổng số 612 giáo viên thỉnh giảng (GVTG), trong đó có 50 giáo sư, phó giáo sư, 101 tiến sĩ; có 258 người thuộc biên chế các trường CAND và 354 người thuộc công an các đơn vị, địa phương. 

Trong công an các địa phương có tổng số 935 GVTG, trong đó có 1 PGS, 2 TS, 855 cán bộ thuộc biên chế công an địa phương, 80 cán bộ không thuộc biên chế. 

Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo và các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đội ngũ GVTG không chỉ góp phần khắc phục được tình trạng mất cân đối, quá tải khối lượng giảng dạy của giáo viên cơ hữu mà còn giúp bổ sung kiến thức thực tế trong công tác, gắn kết giữa thực tiễn với lý luận giảng dạy. 

Đặc biệt, đội ngũ GVTG cũng đã tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, chấm khóa luận, đề án tốt nghiệp, luận văn, luận án hàng năm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu, đảm bảo sát thực và có tính ứng dụng cao vào hoạt động giảng dạy của nhà trường.

Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu đến từ các Học viện, trường CAND và công an các đơn vị địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Thông tư 49. 

Trên cơ sở đó, nhiều ý kiến kiến nghị cần điều chỉnh Thông tư này theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, nhất là những nội dung liên quan đến thẩm quyền của Tổng cục Chính trị CAND trước đây; thẩm quyền và trách nhiệm của Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an các đơn vị, địa phương; tiêu chuẩn bổ nhiệm. 

Đặc biệt, đề xuất với các đơn vị chức năng liên quan nghiên cứu, sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút GVTG, trong đó cần quan tâm tới tính đặc thù, chế độ đãi ngộ phù hợp với từng chức danh lãnh đạo, học hàm và có sự phân định giữa các hệ bậc khác nhau... 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo cho biết: Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng, trong đó có Cục Đào tạo sẽ nghiên cứu sửa quy định tại Thông tư 49 theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, tạo thuận lợi nhất để đội ngũ GVTG yên tâm công tác và cống hiến.

Huyền Thanh
.
.