Viết tiếp bài “Nghịch lý thiếu 27.000 giáo viên, nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp”:

Quyết liệt quy hoạch lại đội ngũ giáo viên, tránh lãng phí nhân lực sư phạm

Chủ Nhật, 08/09/2013, 15:20
Do địa hình một số vùng cao phức tạp, địa bàn phân tán cách xa nhau, nhiều chi trường ở xa trung tâm, số lớp mỏng nên việc bố trí giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Nếu bố trí theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 35/2006/TTLB-GD&ĐT-BNV thì sẽ không có GV dạy đủ các môn; nếu bố trí GV dạy đủ các môn thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ GV dạy đủ số tiết theo quy định.
>> Nghịch lý thiếu 27.000 giáo viên, nhưng sinh viên sư phạm vẫn thất nghiệp

Như Báo CAND số ra ngày 3/9 đã có bài phản ánh về tình trạng thừa – thiếu giáo viên (GV) cục bộ, rải rác ở các địa phương trên toàn quốc. Thực trạng này đã được nhắc đến nhiều như một lời cảnh báo sâu sắc tới các nhà hoạch định chính sách giáo dục và nhân lực ngành giáo dục, trong đó nguyên nhân mấu chốt vẫn là đào tạo tràn lan, đào tạo của hệ thống trường sư phạm chưa thực sự gắn với nhu cầu sử dụng.

Giải pháp nào cân bằng lại sự thừa – thiếu cục bộ GV? PV Báo CAND đã tìm hiểu thực trạng cùng những kiến nghị, đề xuất ở một số tỉnh có tính đặc thù, cũng đang phải đối diện với thực trạng này.

Nghịch lý giáo viên dạy đủ môn thì không đảm bảo tỉ lệ giáo viên dạy đủ số tiết

Như số báo trước chúng tôi đã đề cập đến tỉnh Hòa Bình đang phải “liệu cơm gắp mắm” để khắc phục thiếu GV bằng cách luân chuyển GV có thời hạn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay, ở đây xảy ra tình trạng GV thừa thiếu cục bộ giữa các huyện và đặc biệt là việc luân chuyển đội ngũ tại những vùng khó về vùng thuận lợi sau thời hạn phục vụ (nam là 5 năm, nữ là 3 năm).

Do địa hình một số vùng cao phức tạp, địa bàn phân tán cách xa nhau, nhiều chi trường ở xa trung tâm, số lớp mỏng nên việc bố trí giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Nếu bố trí theo tỷ lệ quy định tại Thông tư số 35/2006/TTLB-GD&ĐT-BNV thì sẽ không có GV dạy đủ các môn; nếu bố trí GV dạy đủ các môn thì sẽ không đảm bảo tỷ lệ GV dạy đủ số tiết theo quy định.

Một địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc là Lai Châu. Tỉnh này hiện có 417 trường, 1.096 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và 9.813 GV. Các bậc học tiểu học, THCS, THPT thì cơ bản đủ GV, nhưng bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện còn thiếu 297 GV, gây khó khăn lớn cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học cũng như thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục mầm non đúng độ tuổi. Các trường thiếu giáo viên chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Tỉnh này lại có nhiều trường, điểm trường mầm non ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nên không thu hút được lực lượng GV đến từ miền xuôi lên công tác, GV miền xuôi công tác ở các trường này không yên tâm công tác lâu dài, đa số xin chuyển vùng sau khi công tác được 2 – 3 năm. Mặt khác, người địa phương đi học sư phạm ngành giáo dục mầm non ít nên nguồn tuyển hằng năm ít.

Còn tại Bắc Kạn, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Văn Hương thì đội ngũ nhà giáo được bổ sung hằng năm, số lượng GV cơ bản đủ nhưng vẫn còn thiếu một số GV bộ môn đặc thù như tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật mà không còn biên chế để tuyển GV. Bên cạnh đó, do đặc thù miền núi, nhiều trường có quy mô nhỏ, các môn âm nhạc, mỹ thuật không đủ số tiết quy định để tuyển 1 GV nên GV phải dạy liên trường.

Nhưng có một nghịch lý cũng đang tồn tại ở địa phương này là GV đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, thậm chí số thừa còn rất lớn nhưng chất lượng giáo sinh sau khi ra trường còn hạn chế, đặc biệt năng lực dạy học và năng lực giáo dục còn có khoảng cách khá xa so với yêu cầu dạy học.

Tại Điện Biên, tính đến thời điểm hiện tại, số GV thiếu chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học, xuất phát từ một số nguyên nhân như: toàn ngành chưa được giao bổ sung biên chế sự nghiệp năm học 2012 – 2013 nhưng chưa kịp thời bổ sung biên chế trong năm học do quy mô học sinh phát triển, tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp (đặc biệt là cấp học mầm non) tăng đáng kể; tình trạng biến động GV vẫn thường xuyên xảy ra…

Một giờ học của trẻ em xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên. (Ảnh: Hoa Oanh Vũ)

Phải có chính sách hỗ trợ thích hợp mới thu hút GV về vùng khó khăn

Trong rất nhiều kiến nghị thì kiến nghị về một chế độ chính sách thỏa đáng đã được các địa phương coi là giải pháp đột phá để khắc phục được tình trạng thiếu GV. Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho hay, ở tỉnh này, căn cứ vào thời gian công tác, đối tượng được cử đi học, GV được cử đi học từ thời gian đủ 3 tháng trở lên sẽ được hỗ trợ 70% học phí, hỗ trợ bằng tiền mặt đối với học viên sau khi cử đi học thạc sỹ, tiến sỹ trở lại công tác.

Địa phương này kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích động viên GV nhận công tác và ổn định lâu dài tại vùng khó. Bằng các nguồn ngân sách nhà nước và ngân sách từ chương trình, dự án, tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học, các điều kiện về giao thông, thông tin liên lạc nhằm cải thiện điều kiện sống, công tác của GV.

Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng đã đưa ra khuyến nghị đối với Bộ GD&ĐT xem xét có quy định riêng về định mức tiết dạy cho GV các môn ít giờ trong chương trình giáo dục như âm nhạc, mỹ thuật phải dạy liên trường hoặc có chính sách hỗ trợ GV dạy liên trường; có chính sách thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm.

Đối với các cơ sở đào tạo GV, Sở GD&ĐT Bắc Kạn đề xuất, đào tạo sinh viên sư phạm đạt được các năng lực theo chuẩn nghề nghiệp GV, trong đó cần chú trọng đào tạo về năng lực dạy học, năng lực giáo dục phù hợp với chương trình giáo dục mầm non, phổ thông hiện hành.

Về phía Sở GD & ĐT tỉnh Hòa Bình đề xuất Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 35 về hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để tăng chỉ tiêu định mức biên chế GV và kiến nghị sửa đổi Thông tư 59 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp các trường chuyên biệt công lập.

Theo PGS.TS Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng ĐH Vinh thì hiện tượng thừa thiếu GV tồn tại dai dẳng là do chúng ta chưa chủ động trong việc quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm thiếu chặt chẽ; quy mô đào tạo tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Các trường sư phạm truyền thống chưa thể hiện được thế mạnh và tiềm năng của mình so với các cơ sở đào tạo giáo viên khác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Do đó, giải pháp tận gốc là phải xây dựng, quy hoạch đội ngũ giáo viên các cấp (trên phạm vi cả nước và từng địa phương) làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, khắc phục triệt để sự lãng phí nguồn nhân lực sư phạm như hiện nay. Đồng thời, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm theo hướng giảm bớt các trường/khoa sư phạm; hình thành một số trung tâm đào tạo giáo viên lớn của cả nước.

Theo PGS.TS Phạm Minh Hùng, cấp thiết cần phải có thêm các chính sách thu hút học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm. Việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm hiện nay đã không còn sức thu hút nữa, ngay cả đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, cũng cần xem xét lại chính sách này…

Thu Phương
.
.
.