Nhiều giải pháp đột phá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học
- Nghị lực phi thường của tân sinh viên Học viện An ninh nhân dân
- Học viện An ninh Nhân dân giành Quán quân Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc 2017
- Hơn 61,88% học viên Học viện An ninh nhân dân đạt xuất sắc, giỏi, khá
Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, từ một trường huấn luyện Công an, đào tạo nghề, đến nay, Học viện An ninh nhân dân, với tên gọi C500 danh tiếng đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu và là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng Công an, đang phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, tầm nhìn khu vực và thế giới.
Trong tiến trình ấy, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mang tính đột phá, nhất là trong công tác đào tạo sau đại học.
Năm 1993, Học viện An ninh nhân dân được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ và từ năm 1995 được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ. Đến nay, Học viện đã mở được 26 khóa cao học, trong đó có 24 khóa đã tốt nghiệp, với 2.540 học viên đã nhận bằng thạc sĩ; 22 khóa nghiên cứu sinh, trong đó có 237 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng tiến sĩ.
Nhìn lại chặng đường 25 năm đào tạo sau đại học khẳng định rằng, có nhiều yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo, danh tiếng và uy tín của Học viện An ninh nhân dân, nhưng sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy Học viện là nhân tố quyết định.
Thiếu tướng, GS.TS Lê Minh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc chỉ đạo công tác xây dựng chương trình đào tạo sau đại học. |
Ngay khi được giao đào tạo thạc sĩ năm 1993, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, Đảng ủy Nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, chuyên ngành Điều tra tội phạm. Đến năm 1995, Đảng ủy Nhà trường tiếp tục chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự.
Đến nay, Học viện đã xây dựng chương trình và đang tổ chức đào tạo thạc sĩ 3 chuyên ngành: “Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm”, “Trinh sát an ninh” và “Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự”; xây dựng xong chương trình, đề án báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mới 3 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ: “Điều tra hình sự”, “An ninh phi truyền thống” và “Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước”, 3 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ: “Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự” “Điều tra hình sự”, “Trinh sát an ninh” để tiến tới tổ chức đào tạo 4 chuyên ngành ở trình độ tiến sĩ.
Để chuẩn bị đội ngũ, từ Đại hội nhiệm kỳ thứ 17, 18 những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng ủy Học viện đã có chủ trương lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo tiến sĩ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án “Đào tạo cán bộ, giáo viên Học viện An ninh nhân dân đạt trình độ tiến sĩ” với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ.
Thời điểm mới tổ chức đào tạo sau đại học, Học viện chỉ có 9 giảng viên cơ hữu có trình độ phó tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, đến nay, Học viện đã có 6 giáo sư, 25 phó giáo sư, 83 tiến sĩ. Học viện cũng đã thu hút trên 100 nhà khoa học tham gia thỉnh giảng sau đại học, trong đó có 28 giáo sư, phó giáo sư, 72 tiến sĩ.
Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo triển khai “chiến dịch” biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học phục vụ đào tạo sau đại học; gắn công tác nghiên cứu khoa học với công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học.
Đến nay, Học viện đã biên soạn, xuất bản trên 100 chuyên đề cho hệ đào tạo tiến sĩ; 87 giáo trình, tập bài giảng cho đào tạo trình độ thạc sĩ; 80 sách chuyên khảo, hàng trăm tài liệu tham khảo và gần 3.000 luận văn, luận án.
Về cơ bản, tất cả các học phần trong chương trình đào tạo sau đại học đều đã có giáo trình, tập bài giảng hoặc sách chuyên khảo và nhiều tài liệu tham khảo; có sự phân định kiến thức giữa các cấp trình độ đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nhằm đổi mới phương thức tổ chức quản lý, nội dung, phương pháp đào tạo sau đại học, Đảng ủy Học viện đã ban hành Nghị quyết số 30 - NQ/ĐU, ngày 28/2/2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và hàng chục nghị quyết công tác năm học để lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác tổ chức quản lý cũng như nội dung, phương pháp đào tạo; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định đào tạo sau đại học, như: quy định đào tạo trình độ tiến sĩ; quy định về đào tạo trình độ thạc sĩ; quy định về thẩm định luận văn, luận án; quy trình, tiêu chí đánh giá luận văn, luận án,…; đa dạng hóa hình thức kiểm tra, đánh giá; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm chống sao chép luận văn, luận án; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các khâu trong tổ chức đào tạo.
Đảng ủy Học viện đã thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy các khoa, bộ môn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với hệ sau đại học, tích cực sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học cũng là vấn đề được Đảng ủy Học viện quan tâm. Đến nay, Học viện đã xây dựng được hệ thống phòng học chuyên dùng với các trang thiết bị dạy học hiện đại, phòng hội thảo, phòng bảo vệ luận văn, luận án, thư viện, thư viện điện tử dành riêng cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập của giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo Tạp chí Khoa học và Giáo dục an ninh xây dựng các chuyên mục, dành các số chuyên đề, xuất bản tạp chí bằng tiếng Anh để giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh công bố các kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật.
Đảng ủy Học viện cũng đã có nhiều biện pháp tích cực để mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học. Một mặt, duy trì quan hệ hợp tác đào tạo cán bộ cho Bộ An ninh Lào, giúp đỡ Học viện An ninh quốc gia Lào xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo sau đại học.
Mặt khác, từng bước nối lại quan hệ hợp tác với Học viện An ninh Liên bang Nga (FSB), tích cực thiết lập quan hệ với đối tác khác trong khuôn khổ hiệp hội các cơ sở đào tạo cảnh sát quốc tế… nhằm mở ra hướng mới, tạo ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác đào tạo sau đại học cũng như sự phát triển của Học viện.