Hội tụ ở ngôi nhà Báo CAND
- Niềm tin yêu với những người làm Báo CAND
- Báo CAND - 70 năm chặng đường lịch sử vẻ vang
- Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành
Bảy thập kỷ - quãng thời gian như một chớp mắt trong vũ trụ nhưng với lịch sử của một đất nước, một đời người thì không hề ngắn ngủi. Tròn 70 năm Báo CAND phát hành số đầu, đã có biết bao thay đổi với đất nước và tờ báo của lực lượng CAND. Qua năm tháng, nhiều thế hệ người làm báo tiếp nối nhau hội tụ về ngôi nhà chung Báo CAND, góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trên lĩnh vực thông tin, văn hóa, tư tưởng… Ngẫm lại, chúng tôi đều thấy một chữ “duyên” với nghề và với tờ Báo CAND.
Ngày tôi còn công tác ở Công an tỉnh Long An (1993 – 1997), đời sống báo chí của đất nước chưa sôi động. Nhật báo chỉ có vài tờ như Nhân dân, Quân đội nhân dân… Báo Công an TP Hồ Chí Minh tuần 2 kì. Còn Báo CAND tuần ra 1 kì, sau thêm số Chủ nhật và Đặc san tháng. Cho đến một hôm, xuất hiện Tạp chí Văn hóa-Văn nghệ Công an và đúng dịp 19-8-1996, ra mắt tờ “An ninh Thế giới”... Yêu mến các ấn phẩm của báo chí CAND, tôi cũng tập tọe viết báo.
Một số nhà văn, nhà báo dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần II tại TP Nha Trang, Khánh Hòa năm 1999. Từ phải qua: nhà văn Như Bình, tác giả, nhà văn Lê Nguyên Ngữ, nhà thơ Phan Quế và một cán bộ Công an tỉnh Khánh Hòa. |
Tôi vẫn nhớ cảm giác vui vui khi lần đầu tiên được thấy tên mình in trên Báo CAND, ở mục “Hộp thư bạn đọc”. Ngày ấy, tin bài không được đăng, các báo đều hồi âm ở mục này và cuối mục nhấn một câu đầy khích lệ: “Tòa soạn trân trọng cảm ơn và mong các bạn tiếp tục cộng tác”.
Rồi vài tuần sau, tôi đã sung sướng và hạnh phúc vô ngần khi lần đầu tiên được đăng bài trên Báo CAND trong số ra cuối tháng 10-1994. Hơn 20 năm đã qua, tôi vẫn giữ được tờ báo này và nhớ tít bài: “Công an tỉnh Long An tích cực phòng, chống lũ lụt”…
Đến khi truyện ngắn đầu tiên “Bình minh dâng” được đăng trên Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an số Xuân năm 1996 thì tôi ngất ngây sướng âm ỉ đến mấy ngày.
Sau đó mấy tuần, một hôm tôi đang mã điện mật chuyển một báo cáo về Bộ thì anh Hoàng Văn Thắng, Phó phòng Tham mưu Tổng hợp Công an tỉnh Long An điện thoại: “Chú Bảy à - anh em thường gọi vui tôi như vậy theo lối Nam Bộ - sang phòng anh, có hai anh ở Báo CAND cần gặp”.
Ối giời, tim đập rộn ràng, tôi luýnh quýnh chạy sang phòng anh Thắng và gặp anh Hà Thế Cương và Võ Việt Dũng, phóng viên Báo CAND thường trú tại TP Hồ Chí Minh. Hai anh rất thân tình, khen tôi đã tích cực cộng tác.
Anh Cương bảo: “Hôm rồi anh gặp anh Nguyễn Như Phong (thời điểm đó là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an - P.V). Như Phong nhờ anh nếu đi công tác Long An thì tìm gặp xem Trần Duy Hiển là ai và bảo nó tích cực viết bài cộng tác”…
Với tôi, cuộc gặp này là một sự kiện lớn, là phần thưởng và sự khích lệ để tôi nỗ lực hơn trong nghề viết. Lại nữa, hồi đó tôi thiếu úy, lương đâu khoảng 200.000 đồng mỗi tháng; nhưng khi ra Bưu điện Tân An nhận nhuận bút truyện ngắn đầu tiên trong đời, tôi bị “choáng” vì được Tòa soạn trả tới 350.000 đồng!
Thi thoảng, tôi từ Long An về TP Hồ Chí Minh, đến thăm Cơ quan đại diện Báo CAND tại số 6 Phạm Ngọc Thạch và nhân thể lĩnh nhuận bút. Lần đầu bước chân vào cổng tòa soạn, là một căn biệt thự cũ gần hồ Con Rùa, tim tôi đập thình thịch, rộn ràng như đến cuộc hẹn đầu tiên với người yêu.
Tôi đã nhận được sự khích lệ nhiệt tình và trước nhất của chị Tuyết Nga, khi đó làm thủ quỹ, trực tiếp chi trả nhuận bút. Các nhà báo Hà Thế Cương, Phương Nam, Trần Kim Thẩm, Xuân Xe, Công Trường, Võ Việt Dũng đều tay bắt mặt mừng động viên tôi.
Những khi tôi không lên tòa soạn được, các anh chị thường gửi nhuận bút cho tôi qua đường bưu điện; trong thư chuyển tiền, bao giờ tôi cũng nhận được vài dòng cảm ơn và sự khích lệ… Sau này, tôi cũng nhiều lần được gặp gỡ, giúp các anh lấy tư liệu tại một số đơn vị của Công an tỉnh Long An.
Khoảng giữa tháng 2 năm 1997, một hôm tôi bất ngờ nhận được công văn từ Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, mời dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I. Người kí công văn là Đại tá Phạm Văn Dần, quyền Tổng cục trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (sau này là Thiếu tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND, nay là Tổng cục Chính trị CAND).
Tôi mừng quýnh khoe với Thiếu tá Nguyễn Đức Vinh, người chỉ huy trực tiếp. Anh vui vẻ khích lệ tôi: “Chú lên báo cáo anh Thành Út (khi đó là Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Long An – P.V). Đây là cơ hội tốt đấy!”.
Sự kiện đó đúng là một bước ngoặt quan trọng với cuộc đời tôi. Từ Long An, tôi đi tàu lửa ra Hà Nội. Trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an và An ninh Thế giới gồm mấy căn phòng nho nhỏ ở tầng 1, tòa nhà 92 Nguyễn Du – Hà Nội (thuộc trụ sở Tổng cục Chính trị CAND). Người đầu tiên tôi gặp là anh Nguyễn Như Phong. Anh cười rổn rảng và lời anh khiến tôi nhớ mãi: “Trần Duy Hiển đây à. Trẻ măng thế này mà tao cứ tưởng già lắm rồi!”.
Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I diễn ra trong tháng 3-1997, sau thời gian đi thực tế khoảng mươi ngày tại Công an một số đơn vị, địa phương, các cây viết tập trung tại Nhà khách Hải Yến – Bộ Công an (Đồ Sơn – Hải Phòng) hoàn thành tác phẩm trong khoảng một tuần.
“Giám thị” trại là nhà thơ Phan Quế, trực tiếp lo việc ăn nghỉ, đốc thúc anh em hoàn thiện tác phẩm và thẩm định sơ bộ. Có lẽ đó là một trong những trại sáng tác vui vẻ nhất xưa nay. Đến đâu chúng tôi cũng được lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ đón tiếp trọng thị, thân tình; được thấu hiểu những vất vả, hi sinh thầm lặng của anh em, kể cả những trớ trêu, ngang trái của cuộc đời mà họ không dễ gì nói ra…
Nhờ trại sáng tác này mà một anh chàng tò te vào nghề viết như tôi được gặp những tên tuổi trên văn đàn đương thời như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Vương Trọng, Lê Lựu, Triệu Bôn, Tô Ngọc Hiến… Tôi cũng được giao lưu, học hỏi từ những cây viết trẻ của lực lượng Công an khi đó như Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Tuấn, Trần Thanh Hà, Nguyễn Hồng Lam…
Đến mùa thu năm 1999, Bộ Công an mở tiếp Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần II tại thành phố biển Nha Trang. Tại đây, tôi được gặp lại những gương mặt quen thuộc và những cây viết trẻ là nhà văn Như Bình, các nhà báo Đoàn Xuân Tuyến, Phan Đình Minh…
Sau khi dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng lần I, tôi trở lại Công an tỉnh Long An và niềm vui như nhân lên bội phần khi những bút ký, truyện ngắn - được thai nghén, khích lệ từ trại sáng tác - lần lượt được đăng. Tuy không được giải khi tổng kết nhưng tôi đã trưởng thành về nhiều mặt và thêm yêu và tự tin với nghề viết.
Xét nguyện vọng và năng lực của tôi, cuối năm 1997, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND quyết định điều động tôi từ Công an tỉnh Long An về công tác tại Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND, một tờ tạp chí chuyên ngành trực thuộc Tổng cục. Từ đây, tôi cộng tác thường xuyên và hiệu quả hơn với Báo CAND, An ninh Thế giới và Văn hóa – Văn nghệ Công an.
Ngày đầu về Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND, tôi có chuyến công tác tại Công an tỉnh Nam Định nhân tổng kết 50 năm CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (1948 – 1998). Tối hôm ấy trong bữa cơm tại nhà khách Công an tỉnh Nam Định, ngẫu nhiên tôi ngồi cùng bàn với một loạt các nhà báo.
Sau màn chào hỏi giao lưu, tôi mới biết người ngồi bên cạnh mình là anh Phạm Văn Miên (khi đó là Thư kí tòa soạn, hiện là Thiếu tướng, Tổng Biên tập Báo CAND). Anh bảo tôi: “Anh biết chú rồi, hồi trước ở Công an tỉnh Long An. Chịu khó cộng tác, viết cho bên anh nhá!”…
Trụ sở Tạp chí Xây dựng lực lượng CAND khi đó ở tầng 2, tòa nhà 92 Nguyễn Du. Tôi thường xuyên sang Báo CAND (66 Thợ Nhuộm) nhờ anh Đặng Văn Lân (khi đó là Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn, hiện là Phó Tổng Biên tập) trình bày maket mỗi số tạp chí.
Anh Lân, đôi bàn tay rộng và rất dày với những ngón tay “khủng” nhưng mềm mại, khéo léo. Ngày ấy còn phải in ra bản can, mỗi khi sửa chữ nào, anh Lân đặt bản can lên chiếc bàn gỗ, thoăn thoắt dùng dao xén giấy cắt rồi dán vào chữ cần thay… Đến năm 2008, thì tôi chính thức là người của Báo CAND, sau 14 năm là cộng tác viên của Báo.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu, tôi ghi lại vài kỉ niệm ngày đầu đến với Báo CAND. Trong số những cộng tác viên năm xưa của báo và những thành viên từng dự Trại sáng tác văn học Cây bút vàng, nhiều người đã hội tụ về Báo CAND.
Chúng tôi người ở miền Bắc (nhà báo Nguyễn Tuấn, Báo An ninh Thủ đô), người ở miền Trung (nhà văn Như Bình, Đài PTTH Hà Tĩnh) và người ở miền Nam (tôi, Công an tỉnh Long An) thì nay gặp nhau hằng ngày và cùng góp sức mình vào các ấn phẩm của Báo CAND… Nhà báo Đoàn Xuân Tuyến, sau khi nghỉ hưu ở Báo Công an TP Hồ Chí Minh cũng về làm “tỉnh táo viên” cho Chuyên đề An ninh Thế giới.
Ngôi nhà Báo CAND cũng là nơi hội tụ những anh em yêu nghề báo từ Công an các địa phương như anh Trần Duy Bỉnh (Công an tỉnh Hưng Yên), Trần Thanh Phong (Công an tỉnh Hà Nam), Vũ Mạnh Hà (Công an tỉnh Điện Biên), Nguyễn Thế Hùng (Tạp chí Văn nghệ Quân đội)... Ngẫm lại, mọi việc đều có tiền duyên nên chúng tôi đã hợp lại với ngôi nhà chung Báo CAND hôm nay.
Tòa soạn tấp nập người ra vô, đông vui và ấm áp. Anh Như Phong giới thiệu mọi người đang có mặt ở tòa soạn, đều là những gương mặt lạ với tôi nhưng cái tên thì đã rất quen thuộc qua các trang viết… Lát sau, nhà văn Hữu Ước xuất hiện. Anh bước phăm phăm vào phòng và nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lẹm rồi gật đầu đáp lại lời chào của tôi. Anh Hữu Ước ngày đó còn rất trẻ, mái tóc hầu như chưa điểm sợi bạc. |