Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành (1-11-1946 - 1-11-2016)

Báo CAND 70 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ Sáu, 14/10/2016, 08:15
Trải qua 70 năm, từ một ấn phẩm non trẻ ban đầu, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Lực lượng Công an, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên, Báo CAND đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc.

Bài 1: Từ Báo Công an mới đến Nội san Rèn luyện (1-11-1946 – 10-1957)


Lời Tòa soạn: Cách đây 70 năm, ngày 1-11-1946, Báo Công an mới - tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay chính thức phát hành số đầu tiên.

Trải qua 70 năm, từ một ấn phẩm non trẻ ban đầu, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Lực lượng Công an, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên, Báo CAND đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946 – 1-11-2016), xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc sơ lược quá trình hình thành, phát triển của Báo CAND qua từng giai đoạn với tâm nguyện nối tiếp truyền thống 70 năm qua để xứng đáng với sự tin yêu của bạn đọc.

Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Lực lượng CAND Việt Nam ra đời cùng với chính quyền cách mạng. Tổ chức bộ máy Công an sau khi ra đời chưa thống nhất thành một lực lượng.

Trình độ chính trị và nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên Công an nói chung còn hạn chế. Thù trong, giặc ngoài câu kết nhau, tìm mọi cách thực hiện âm mưu chống phá nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Chính quyền non trẻ của ta khi đó trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Ở Trung ương có Nha Công an Việt Nam, ở các thành phố có Sở Công an, các tỉnh có Ty Công an.

Báo Công an mới số đầu tiên phát hành 1-11-1946.

Sự kiện này tạo cho Lực lượng CAND Việt Nam sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp mọi hoạt động phản cách mạng của kẻ thù. Công tác tuyên truyền trên mặt trận giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn này là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi Lực lượng Công an Việt Nam phải sớm thành lập một cơ quan ngôn luận công khai để giải quyết.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (1926-2016), Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) là một trong những người sáng lập ra tờ Công an mới.

Sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Công an cứu quốc, thoạt đầu ông và các cộng sự coi việc ra báo như việc của Đoàn chứ không phải của Lực lượng Công an. Khi giấy phép Báo Công an mới đã được Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ cấp, do ông đứng tên (với danh nghĩa Bí thư Đoàn Công an cứu quốc), đồng chí Lê Giản (1913-2003) - Giám đốc Việt Nam Công an vụ lúc bấy giờ - đã hỏi ông về nội dung, về người viết, về việc quản lý v.v...

Sau khi nắm rõ tình hình nhân lực, vật lực, đồng chí Lê Giản kết luận: Với giấy phép đã được cấp, nên để Nha Công an lo việc này. 

Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1-11-1946, tờ Công an mới số 1 chính thức ra mắt bạn đọc, bán rộng rãi trên toàn quốc với tư cách là tờ báo của Lực lượng Công an, đặt dưới sự chỉ đạo, phụ trách của Nha Công an Việt Nam.

Tòa soạn Báo Công an mới đặt tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, là cơ quan của Bộ Công an bây giờ. Công an mới ra 1 tháng 2 số, vào ngày 1 và 15. Số 1 dày 16 trang; từ số 2 tăng lên 20 trang, khuôn khổ 20x25cm, bìa in màu. Số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ.

Số 4 in 5.000 bản nhưng chưa kịp phát hành. Tuy mới ra được 3 số thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ vào đêm 19-12-1946 nhưng Công an mới đã thực hiện xuất sắc vai trò của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng, của Lực lượng Công an trong thời kỳ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Nha Công an Việt Nam và các cơ quan khác của Chính phủ đã phải di chuyển lên Việt Bắc để cùng toàn quân, toàn dân làm cuộc kháng chiến trường kỳ.

Năm 1947, đi đôi với việc di chuyển cơ quan, ổn định nơi đóng cơ quan tại khu căn cứ địa Việt Bắc, Nha Công an Việt Nam phải tập trung thực hiện công tác bảo vệ công cuộc kháng chiến, chống âm mưu địch lập chính phủ bù nhìn, chống phá cách mạng.

Đi đôi với công tác bảo vệ, đấu tranh chống địch thì công tác huấn luyện nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ công an là một yêu cầu cấp bách.

Nha Công an Việt Nam đã phát động phong trào thi đua lập công phá tề, trừ gian. Tiếp đó, sang đầu năm 1948, Nha Công an Việt Nam phát động phong trào "Luyện cán bộ, lập chiến công".

Phong trào này mang đầy đủ hai nội dung vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu và công tác, đã thôi thúc Nha Công an Việt Nam xúc tiến việc ra tờ báo nội bộ để phục vụ huấn luyện, giáo dục cán bộ, chiến sĩ Công an và động viên khí thế lập công trên mọi lĩnh vực hoạt động của Lực lượng Công an.

Bằng sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách trong hoàn cảnh kháng chiến, Nha Công an Việt Nam đã tiếp tục công việc xuất bản báo,  trước mắt là xuất bản Nội san Rèn luyện. Số 1 Rèn luyện ra đời trong hoàn cảnh thật nghèo nàn về cơ sở vật chất, kỹ thuật.

“Vốn liếng” của Rèn luyện lúc đó chỉ là trí tuệ, là nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nghề của nhóm cán bộ được đồng chí Lê Giản chọn lọc, tập hợp giao nhiệm vụ làm báo theo chế độ bán chuyên trách. Trong nhóm này có non nửa số cán bộ từng làm Báo Công an mới.

Chỉ sau vài tuần tích cực tổ chức, đúng ngày 21-2-1948 - ngày kỷ niệm lần thứ 2 thành lập Việt Nam Công an vụ, Nội san Rèn luyện với dáng dấp khiêm tốn đã ra số đầu tiên tại căn cứ địa Việt Bắc.

Bốn tháng đầu (từ số 1 đến số 4 - ra mỗi tháng 1 số), Rèn luyện phải nhân bản bằng máy chữ không có dấu tiếng Việt. Đánh máy xong phải đánh dấu bằng bút viết tay và kẻ tít, vẽ tranh mỗi lần được 1 “táp” 5 tờ.

Tên báo được viết bằng thuốc đỏ của y tế. Thực hiện việc đánh máy là hai nhân viên của Nha Công an. Trình bày báo, vẽ minh họa là các đồng chí Trần Tuất và Ngọc Hòa.

Tuy là tờ báo của Lực lượng Công an, nhưng vì nhân bản bằng máy chữ nên số lượng phát hành của Rèn luyện còn hạn chế (4 số đầu mỗi số chỉ vài chục bản), phạm vi phát hành rất hẹp.

Để khắc phục, Nha Công an Việt Nam (lúc này đã đổi tên thành Nha Công an Trung ương; tên gọi Việt Nam Công an vụ cũng không còn được sử dụng) đã gửi công văn cho những nơi nhận Nội san Rèn luyện, chỉ đạo việc tổ chức đọc và bảo quản nội san một cách khoa học, sao cho việc truyền tay nhau đọc được nhiều hơn.

Khi chuẩn bị lập bộ phận in đá để in Rèn luyện, Nha Công an đã điều 2 nhân viên Công an viết đá cho tờ báo Tiến của Ty Công an Bắc Giang (trong đó có đồng chí Trần Tuấn Anh, một trong những cán bộ nòng cốt của Báo CAND sau này) lên bổ sung cho Nhà in Rèn luyện.

Từ số 5 (21-6-1948), Nha Công an đã xuất bản Rèn luyện bằng cách in đá, chấm dứt thời kỳ nhân bản bằng máy chữ.  Số lượng in nhờ đó đã nâng lên 200 rồi 500 bản mỗi kỳ. Rèn luyện đã phát hành đến khắp các Khu, Sở, Ty Công an, vào đến cả Sở Công an Nam Bộ.

Ngày đó, nhiều đơn vị và cán bộ, chiến sĩ công an còn lúng túng trong việc lập chương trình và theo dõi kết quả thi đua. Rèn luyện đã in nhiều bài hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm xây dựng chương trình thi đua, chấm điểm thi đua, nhân điển hình thi đua, giúp các đơn vị, địa phương thực hiện phong trào đạt kết quả tốt.

Tháng 1-1950, Nha Công an Trung ương tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5. Hội nghị đã thông qua đề án xây dựng CAND Việt Nam và chương trình công tác phục vụ giai đoạn mới của cuộc kháng chiến - giai đoạn chuẩn bị tổng phản công.

Sau hội nghị này, bộ máy tổ chức của Rèn luyện được tăng cường. Nha Công an đã thành lập Bộ Biên tập Rèn luyện gồm 19 người, trong đó có một số cán bộ lãnh đạo ở Nha Công an, một vài Khu, Sở Công an và một số cán bộ có trình độ năng lực làm báo.

Nha Công an Trung ương bấy giờ trực thuộc Bộ Nội vụ nên đứng đầu Bộ Biên tập Nội san Rèn luyện là đồng chí Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Chủ nhiệm Báo là đồng chí Lê Giản. Đồng chí Đào Văn Bảo làm chủ bút.

Trợ bút là các đồng chí: Hoàng Mai, Khúc Huề, Nguyễn Hữu Mỹ. Đồng chí Mạc Kính Huyền (tức Vũ Đức Nghiêm) nguyên Trưởng ty Công an Bắc Ninh về Nha Công an làm cán bộ nghiên cứu kiêm Thư ký tòa soạn. Sau đó 4 tháng, đồng chí Mai Khôi từ Cục Tình báo Bộ Quốc phòng chuyển sang Nha Công an làm Thư ký tòa soạn thay đồng chí Mạc Kính Huyền.

Tháng 2-1951, đúng ngày Rèn luyện tròn 3 năm, Rèn luyện đã bắt đầu được in bằng máy in typô. Số lượng in đã nâng lên 1.200 rồi 1.500 bản mỗi kỳ. Rèn luyện đã đến tay cán bộ, chiến sĩ Công an ở các đồn, trạm.

Thời gian này, Bộ Nội vụ đã ra quyết định công nhận Nội san Rèn luyện là "Cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, huấn luyện, giáo dục cán bộ và hướng dẫn công tác Công an, là tờ báo chính thức của Lực lượng Công an".

Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an. Đến tháng 8-1953, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Bộ trưởng. Về mặt tổ chức, Rèn luyện đã được cải tổ lại sau khi Bộ tiến hành xong đợt giản chính nội bộ, cải tiến tổ chức. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp lãnh đạo Nội san Rèn luyện.

Giúp việc cho đồng chí Bộ trưởng về quản lý công tác xuất bản nội san là các đồng chí: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Minh Tiến, Viễn Chi. Đồng chí  Hoàng Mai trực tiếp phụ trách các công việc của Ban Biên tập và tòa soạn.

Năm 1954, sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, một số cây bút của Rèn luyện, trong đó có đồng chí Lê Tri Kỷ đã lên đường đi bảo vệ chiến dịch, đồng thời viết bài gửi về cho Nội san Rèn luyện.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Rèn luyện đã kịp thời chuyển hướng tuyên truyền, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an trong giai đoạn mới của Cách mạng.

Nội dung Rèn luyện tập trung vào vấn đề tiếp quản vùng mới giải phóng, duy trì trật tự xã hội, trừng trị bọn phá hoại hòa bình, bảo vệ công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh.

Khi về tiếp quản Thủ đô, đích thân đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã sang Nhà máy in Tiến Bộ xin về chiếc máy in Tứ Khai còn mới nguyên, chạy điện để in Rèn luyện và các tài liệu mật của Bộ.

Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bộ trưởng đối với các ấn phẩm báo chí của Lực lượng Công an. Nhờ đó, Nội san Rèn luyện cũng được in đẹp hơn, số lượng tăng và phần trình bày đã có nhiều tiến bộ hơn trước. (Còn tiếp)

Báo CAND
.
.