Đằng sau những màn khí công điêu luyện của Cảnh sát đặc nhiệm

Thứ Năm, 20/06/2019, 15:53
Nữ Cảnh sát đặc nhiệm (CSÐN) đặt đá tảng trên ống đồng rồi dùng búa tạ đập vỡ, đặt ngói trên cánh tay rồi đập vỡ; nam CSÐN dùng mắt đẩy cong thanh sắt phi 12, dùng cổ uốn cong thanh sắt, mang vật nặng đi chân trần trên thuỷ tinh hay dao kề cổ kéo xe ô-tô nặng hơn 3 tấn… là những hình ảnh khó tin nhưng có thật tại Lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Bộ Tư lệnh CSCÐ, ngày 10-4-2019 vừa qua.


Ðể có những màn biểu diễn khí công điêu luyện ấy là sự khổ luyện, ý chí và niềm đam mê đặc biệt với bộ môn này.

Niềm đam mê hơn 10 năm

Trung tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSÐN số 1 cho biết, Tiểu đoàn là đơn vị đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh CSCÐ nói riêng và Bộ Công an nói chung đưa khí công vào huấn luyện, bắt đầu từ năm 2007.

Ðây cũng là đơn vị đầu tiên ứng dụng khí công vào chương trình huấn luyện ngoại khoá cho cán bộ chiến sỹ (CBCS) trong đơn vị và huấn luyện chính khoá những nội dung khí công cơ bản đối với các lớp huấn luyện 6 tháng, 9 tháng nghiệp vụ CSÐN và một số lớp tập huấn cho Công an các đơn vị, địa phương.

Nữ CSÐN biểu diễn màn cương cốt công.

“Trong giai đoạn hiện nay, tình hình tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi và liều lĩnh, đặc biệt các loại tội phạm hình sự, tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm về ma tuý… sẵn sàng dùng hung khí để chống lại lực lượng thi hành công vụ.

Chính vì vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngoài việc huấn luyện các nội dung về kỹ chiến thuật, võ thuật và nghiệp vụ CSÐN thì khí công là nội dung quan trọng cần được quan tâm, phổ biến rộng rãi trong toàn lực lượng” – Trung tá Chu Văn Quang chia sẻ.

Sau một thời gian áp dụng cho thấy, khí công đã đem lại hiệu quả to lớn về sức khoẻ, bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần dũng cảm, gan dạ, không ngại hiểm nguy, gian khổ cho CBCS. Qua quá trình tập luyện khí công, CBCS Tiểu đoàn CSÐN số 1 đã từng bước nâng cao thể trạng, phát triển toàn diện cả về trí lực, thể lực, thích nghi với môi trường và điều kiện làm việc khắc nghiệt theo đúng tính chất đặc thù của đơn vị.

Thực tế cũng đã minh chứng qua các lần hội thao, diễn tập của đơn vị, sức mạnh, sức chịu đựng phi thường của CBCS tập luyện khí công thể hiện qua các bài tập: Ô-tô 12 chỗ đi qua người, dùng hàm răng nâng vật nặng tương đương trọng lượng cơ thể; đạp chân trên thuỷ tinh; úp bát vào bụng kéo ô-tô, đặt thanh sắt phi 12 vào yết hầu đẩy ô-tô…

Nam CSÐN thực hiện động tác quấn thanh sắt phi 12 quanh cổ.

Khi tôi gặp Ðại uý Ðinh Ðức Thắng, Phó Tiểu đoàn trưởng cũng là lúc anh vừa rời thao trường đổ mồ hôi với những động tác khí công khó nhằn. Anh được mệnh danh là người đặt nền móng cho công tác huấn luyện khí công tại Tiểu đoàn CSÐN số 1 bởi nhiệm vụ đặc biệt cùng niềm đam mê đối với khí công, cũng như đã nghiên cứu, sáng tạo những bài giảng có tính ứng dụng trong luyện tập.

“Khi bắt đầu đưa vào huấn luyện thì hệ thống giáo trình, bài giảng về khí công cũng như đội ngũ CBCS chưa có. Hiện tại, dù đã huấn luyện hơn 10 năm nhưng trong Bộ Tư lệnh CSCÐ cũng như Bộ Công an chưa có một hệ thống giáo trình nào. Ðội ngũ cán bộ huấn luyện chuyên sâu còn hạn chế, kinh nghiệm không nhiều, rồi yêu cầu về thao trường, bãi tập chưa đáp ứng được…”, Ðại uý Thắng kể.

Khắc phục những khó khăn chồng chất ấy, ngay từ buổi ban đầu, Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã chú trọng, quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch và lựa chọn CBCS cử ra các môn phái võ thuật bên ngoài nghiên cứu, hoàn thiện, sau đó trở về ứng dụng huấn luyện cho CBCS. “Luyện tập khí công đòi hỏi cường độ và thời gian bền bỉ, lâu dài.

Do đó phải tìm được những người có năng khiếu, có đam mê, có thể trạng, thể lực phù hợp. Chúng tôi thành lập câu lạc bộ tập luyện ngoại khoá với ý chí vượt lên khó khăn một cách cao nhất”, anh tâm sự.

Và môn võ thuật được ứng dụng huấn luyện rộng rãi

Cũng theo Ðại uý Ðinh Ðức Thắng, trong khí công có hai cấp độ: Khí công cơ sở và khí công nâng cao. Tất cả CBCS của cả 3 Tiểu đoàn CSÐN thuộc Bộ Tư lệnh CSCÐ đều luyện tập khí công. Sau đó sẽ lựa chọn các cá nhân phù hợp với từng bài tập để huấn luyện chuyên biệt, nâng cao (khí công công phu).

Chia sẻ về gian khổ trong tập luyện khí công, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSÐN số 1 cho hay, đó là gian khổ từ việc chọn thời gian, địa điểm tập luyện. Có thể vào sáng sớm, cuối buổi trưa hoặc ban đêm để cơ thể thích nghi với mọi điều kiện thời tiết, với môi trường có nóng, lạnh, đêm tối. Và luyện tập với cường độ cao, gần như quá sức, vượt qua sự chịu đựng của cơ thể để đạt được mục tiêu, yêu cầu bài tập.

Ðặc biệt đối với những bài tập khí công cao cấp như: Thạch đầu công (công phá gạch đá trên đầu), dùng mắt đẩy cong thanh sắt… là bài tập kết hợp tổng hoà các yếu tố giữa nội công và ngoại công, vượt qua giới hạn sức chịu đựng của con người.

Nữ CSÐN biểu diễn màn ngự thiết công.

Ấn tượng nhất trong anh là những lần tuyển chọn, tập luyện cho nữ CSÐN bởi bộ môn luyện tập cường độ cao như khí công thì đối với nam đã khó rồi, đối với nữ còn đặc biệt khó khăn hơn nữa.

“Qua những lần biểu diễn thì ai nhìn cũng sợ, không bạn nữ nào dám xung phong tập luyện vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thẩm mỹ. Rồi khi đã tham gia tập với những động tác chống đẩy, luyện cơ lưng, cơ bụng… có nữ chiến sỹ bị đau nhức rã rời đã thút thít khóc, xin thôi không tập luyện nữa. Ðược lãnh đạo các cấp động viên, khuyến khích, giải thích cặn kẽ và sau đó quen dần bài tập thì họ đã sẵn sàng tham gia”, anh cho hay.

Hiện nữ CSÐN tại Tiểu đoàn đã thực hiện được nhiều bài tập với độ khó tăng dần như: Xe máy chở 3 người đi qua người; ngự thiết công (dùng yết hầu đẩy cong cây thương sắc nhọn chịu sức công phá); cương cốt công (treo mình trên cao đập đá trên bụng); đặt đá lên 2 ống chân dùng búa đập vỡ…

Nếu chỉ nhìn ngắm khuôn mặt trắng trẻo, xinh xắn thì ít ai nghĩ Thượng uý Nguyễn Thị Lê Giang, Trung đội nữ CSÐN, Tiểu đoàn CSÐN số 1 lại có thể thực hiện các động tác khí công nâng cao. Giang đã tập khí công 8 năm, kể từ khi bước chân vào lực lượng CSÐN.

“Hằng ngày chúng tôi được luyện tập thường xuyên, đặc biệt trước các dịp diễn tập thì càng tăng cường. Chẳng hạn, buổi tập nào cũng đều phải đặt những tảng đá 60-70kg lên ống đồng. Ðối với màn cương cốt công ngày nào cũng phải nằm phơi mình giữa nắng tập hít thở, hai thì, ba thì để rèn sức chịu đựng của vùng cơ bụng, cơ lưng, yết hầu…”, cô tâm sự.

Nữ CSÐN cho biết, quá trình luyện tập không thể tránh khỏi xây xát nhưng cô cùng đồng đội luôn cố gắng tập luyện thành thục để hoàn thành bài tập mà giảm thiểu được mức sát thương cao nhất.

Chứng kiến quá trình luyện tập không tránh khỏi có lúc xảy ra chấn thương, tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của CBCS. Tuy nhiên, sau khi được xem những màn biểu diễn khí công thuần thục, an toàn thì tôi rất yên tâm, tin tưởng. Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh CSCĐ nhận thấy cần phải tiếp tục quan tâm, động viên, tạo điều kiện để CBCS luyện tập, nâng cao thể lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, chiến đấu. Trước mắt, Bộ Tư lệnh đang xây dựng đề tài nghiên cứu ứng dụng huấn luyện khí công trong toàn lực lượng CSCĐ” (Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ).
Quỳnh Vinh
.
.