Công an các tỉnh miền Trung cùng dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ
- Hơn 500 CBCS Công an tỉnh Quảng Nam được huy động giúp dân trong mưa lũ
- Tích cực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
- Gần 1.500 căn nhà ở Bình Định ngập trong mưa lũ
Tại xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, đường liên thôn và dân sinh ven biển bị nước lũ làm xói lở, cuốn trôi mặt đường và ngập sâu không đi lại được tại nhiều điểm. Đặc biệt, cầu Đàng Nghẻ và cầu Đàng Đình sau trận mưa lớn chiều và đêm 8-12 đã bị sạt lở, sụt lún và cuốn trôi các phần chân cầu và mặt đường cầu, cắt đứt giao thông qua lại.
Ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho biết, để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân trên địa bàn sớm ổn định cuộc sống trở lại, sáng 10-12, chính quyền và các lực lượng chức năng đã tập trung sửa chữa hai cây cầu trên, đóng tạm cọc gỗ phần trụ cầu, gia cố sườn cầu và ban công hai bên cầu bằng tre, đồng thời bắc ván mặt đường cầu bị hỏng để người dân có thể đi lại.
Cùng với đó là gia cố lại nhà cửa cho người dân bị mưa lũ làm hư hỏng; kiểm tra tài sản, vật tư, thiết bị tại các trường học để đảm bảo cho việc dạy và học sớm trở lại; sửa chữa trạm y tế để cứu chữa người bệnh được kịp thời và tốt nhất. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã tạm ổn.
Các cán bộ CSGT hỗ trợ người dân đẩy xe máy ra khỏi vùng ngập nước. |
Tuy nhiên, chính quyền và các lực lượng chức năng vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khuyến cáo, động viên người dân luôn trong tinh thần chủ động, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra…
Ở xã Ba Lòng, huyện miền núi Đakrông, theo ông Trần Văn Việt, Chủ tịch xã, mưa lớn đã làm ngập lụt cục bộ tại một số điểm trên địa bàn, trong đó cầu tràn Triệu Nguyên đi Hải Phúc, Ba Lòng bị ngập gần 1m. Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) xã đã cử lực lượng ứng trực 24/24h nhằm hạn chế tối đa việc người dân qua lại cầu để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con. Rút kinh nghiệm từ các trận ngập lụt, lũ quét những năm trước, các lực lượng xã cũng đã lên phương án sẵn sàng di dời bất cứ lúc nào các hộ dân được dự báo trong vùng nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét đến những nơi an toàn.
Tại TP Đông Hà, Thượng tá Ngô Kim Phương, Phó trưởng Công an TP, cho hay, ngay trong đêm 8 và sáng 9-12, đơn vị đã huy động 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS), 2 canô phối hợp với Công an các phường Đông Lễ, Đông Lương, phường 1 và 5, huy động 100% quân số sơ tán người dân và tài sản đến nơi an toàn cũng như khắc phục hậu quả mưa lũ...
Ngày 10-12, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục chỉ đạo chính quyền, các lực lượng địa phương trước mắt phải nhanh chóng thiết lập hệ thống bảo vệ, ngăn không để người dân đi vào khu vực nguy hiểm. Cùng với đó là việc lên phương án sửa chữa kịp thời những nơi hư hỏng để bảo đảm an toàn, phục vụ cuộc sống sản xuất, sinh hoạt bình thường trở lại cho người dân. Đối với các hộ dân bị thiệt hại cần phải thống kê rõ ràng để có phương án hỗ trợ kịp thời.
*Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, sáng 10-12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa đo được tại Bình Điền là 255mm, cầu Truồi 248mm, Bạch Mã 453mm và Phong Bình 513mm. Mưa lớn kéo dài từ đêm 9 đến sáng 10-12 khiến nhiều địa bàn thấp trũng tại huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy bị ngập lụt cục bộ. Tuyến QL1A đoạn qua huyện Phú Lộc bị ngập nặng nhiều điểm từ 0,2m đến 0,7m, trong đó đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu nhất.
Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã cử CBCS chốt chặn tại các điểm ngập lụt trên tuyến QL1A để điều tiết giao thông, hướng dẫn, cảnh báo và giúp người dân cùng các phương tiện di chuyển an toàn qua các điểm ngập, tránh các sự cố tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tại QL49B đi các xã Phong Hòa, Phong Bình (huyện Phong Điền) cũng bị ngập cục bộ nhiều điểm từ 0,2m đến 0,5m. Tuyến tỉnh lộ 9 qua tổ dân phố Trạch Tả, thị trấn Phong Điền và nhiều tuyến đường liên xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Điền bị ngập từ 0,5 đến 1m…
Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho hay, đơn vị đã thông báo gửi đến các trường ở vùng thấp trũng chủ động cho học sinh nghỉ học nếu xảy ra ngập lụt. Trong sáng 10-12, các trường tiểu học Lộc Trì, Trường THCS Lộc Hòa, Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc), Trường THPT Trần Văn Kỷ (huyện Phong Điền) bị ngập sâu từ 0,5m đến 1m nên nhà trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn làm sạt lở tại khu vực biển Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. |
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết thêm, hiện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh như hồ Tả Trạch, hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới vẫn đang trong giai đoạn tích nước an toàn, mực nước các hồ đang lên chậm. Tuy nhiên trong những ngày tới, địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to nên Ban đã đề nghị các huyện, thị xã, đặc biệt là vùng miền núi có biện pháp chủ động ứng phó mưa lũ, đặc biệt là 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
* Tại tỉnh Quảng Ngãi, mưa lớn kéo dài khiến đường giao thông nhiều huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Riêng huyện Ba Tơ có 11 điểm bị sạt lở gây ách tắc giao thông hoàn toàn nhiều tuyến, cô lập nhiều xã. Núi lở làm sập và vùi lấp Nhà văn hóa xã Ba Khâm và hư hỏng một số hạng mục của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Ba Trang, xã Ba Trang. Nước thượng nguồn đổ về làm ngập 2 cầu đi qua xã Ba Lế, cô lập hoàn toàn người dân trên địa bàn. UBND xã này đã cử người trực không cho người dân tự ý qua lại, chờ khi nước rút.
Còn ở huyện Minh Long có 5 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất đá, các hộ dân bị nạn đã được Công an huyện cùng chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn. Hàng loạt tuyến đường giao thông bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp mưa lớn nhiều ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở núi, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các huyện miền núi, đặc biệt là lực lượng Công an, đã cử tổ công tác đi khảo sát tất cả các tuyến đường liên huyện, đường về thôn; phối hợp với địa phương phát dọn cây đổ ngã trên đường, cắm biến báo cấm qua lại những nơi nguy hiểm, để đảm bảo tính mạng và tài sản người dân…
Vùng đồng bằng, sáng 10-12, ông Nguyễn Xuân Tâm (51 tuổi, ở thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông, Bình Sơn) dùng thuyền thúng trên sông Trà Bồng để di chuyển đến khu vực nuôi tôm thuộc thôn Cà Ninh, xã Bình Đông và đã bị nước lũ cuốn trôi, mất tích. Hiện Công an huyện Bình Sơn và chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm thi thể ông Tâm…
Trao đổi với PV Báo CAND trưa 10-12, ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, mưa lớn trên diện rộng kéo dài trong hai ngày qua khiến cho mực nước một số dòng sông ở địa phương dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều vùng quê.
Đến 10h sáng cùng ngày, mực nước lũ tràn qua mặt QL19 qua địa phận phường Nhơn Hòa và xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn đã rút xuống, để lại hiện trường sạt lở 50m taluy QL19 ở phía trước KCN Nhơn Hòa và bồi lấp hơn 500m2 ruộng lúa gần đó. Tỉnh lộ 366, huyện lộ 22 ở huyện Tuy Phước bị chia cắt nhiều đoạn. Trên tuyến đường sắt xuyên Việt qua Bình Định có 3 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông. Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình đã huy động hơn 100 công nhân cùng phương tiện cơ giới đến hiện trường để khắc phục.
Trong số 1.480 căn nhà bị ngập nước, có 3 căn nhà bị nước lũ cuốn sập, 425m đê kè sạt lở, hư hỏng, 6.422ha lúa mới gieo sạ bị ngập nước, tập trung chủ yếu ở hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát. Một số tuyến giao thông Bùi Thị Xuân, Trần Quanng Diệu (phường Nhơn Bình và phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) cũng bị ngập nước… Hơn 20.000 học sinh ở thị xã An Nhơn, huyện Hoài Nhơn tạm thời nghỉ học trong ngày 10-12.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, khi mưa lũ tràn ngập qua các tuyến giao thông, nhiều tổ tuần tra đã được tăng cường đến hiện trường cắm biển báo hiệu nguy hiểm ở những lý trình cần ngăn chặn và hướng dẫn giao thông tại những nơi xe ôtô có thể vận hành, không để xảy ra sự cố tai nạn do phương tiện giao thông vượt lũ lụt ở những tuyến giao thông trọng điểm. Không ít người dân cảm phục khi chứng kiến hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ CSGT hỗ trợ người dân đẩy xe máy, ôtô ra khỏi vùng ngập nước để tránh hiểm họa và ách tắc giao thông.
Ngoài biển khơi, trong lúc đang hành nghề đánh bắt hải sản tại vị trí 16012N - 108012E, tàu cá BĐ 97837-TS do ông Phạm Văn Ngàn (ngụ xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng bất ngờ vấp phải sự cố thủng vỏ, nước tràn vào khoang nhấn chìm tàu, nên 8 ngư dân phải di tản sang thuyền thúng. Rất may là hơn 1h sau đó, tàu cá BĐ 96814-TS do ông La Xoa (trú ở Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng kịp thời cứu nạn, đưa 8 ngư dân đồng hương vào cảng Đà Nẵng.
Trong một diễn biến có liên quan, Văn phòng Văn phòng thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cùng Bộ Ngoại giao liên hệ cơ quan chức năng phía Trung Quốc tạo điều kiện hỗ trợ 3 tàu cá BĐ 96282 -TS, BĐ 98002-TS và BĐ 97963 –TS cùng 33 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn vào đảo Hải Nam – Trung Quốc trú ẩn tạm thời để tránh thiên tai trên biển.