Ghi ở Trung đoàn Cảnh sát cơ động hai lần được phong Anh hùng

Thứ Năm, 29/04/2021, 08:42
"Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật", tôi đến Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - vùng đất Tây Nguyên có Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) bề dày thành tích đóng quân. Cao nguyên đất đỏ bazan vào mùa khô tương đối khắc nghiệt khi nhiệt độ chênh lệch lớn giữa trưa nắng gắt và tối se lạnh. Song cũng chính khí hậu và thổ nhưỡng như vậy đã góp phần rèn giũa, hun đúc nên những chiến sĩ CSCĐ có chất "thép" Anh hùng, góp phần giữ bình yên buôn làng...


1. Đón tôi ở trụ sở Tiểu đoàn CSCĐ số 1, đơn vị tiền thân của Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Tiểu đoàn trưởng cho biết, trước tình hình phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, năm 1978, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thành lập Tiểu đoàn CSCĐ số 1 trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ (nay là Bộ Tư lệnh CSCĐ) với quân số gần 400 CBCS, chủ yếu là người các tỉnh phía Bắc. Ngay sau đó, cuối năm 1984, Tiểu đoàn được điều động tăng cường giúp Công an tỉnh Lâm Đồng chiến đấu, truy quét các đối tượng phản động FULRO và đấu tranh trấn áp các loại tội phạm.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động thăm, động viên CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên.

Hơn 30 năm trôi qua, Thượng tá Nguyễn Duy Sơn, Phó Tiểu đoàn trưởng và Trung tá Nguyễn Kim Thành, cán bộ Tiểu đoàn vẫn không thể quên những kỷ niệm của giai đoạn đặc biệt ấy. Ký ức về những chiến công vang dội của Tiểu đoàn in sâu mãi trong tiềm thức người lính CSCĐ. 

Đến Lâm Đồng, mới đầu còn "lạ nước, lạ cái", vô vàn khó khăn, thiếu thốn, những chàng trai đất Bắc trắng trẻo dần sạm đen khi hàng ngày phát cây, san lấp mặt bằng, đào giao thông hào, đắp hầm dã chiến... rồi bắt tay ngay vào nhiệm vụ; tổ chức hàng trăm đợt truy quét, bắt sống, tiêu diệt nhiều tên đầu sỏ FULRO. Điển hình là tiêu diệt toán 16 tên do tên Thiếu tá A Ma Hoang cầm đầu tại Núi Voi, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, bắt sống 6 tên, thu 23 súng (năm 1981); tiêu diệt và bắt sống toán FULRO do tên Mix cầm đầu tại xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai (năm 1985)... Với những thành tích xuất sắc, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).

Đầu năm 1990, FULRO ngang nhiên xâm nhập buôn làng, lôi kéo, khống chế đồng bào Tây Nguyên cung cấp tin tức, lương thực và bắt thanh niên đưa ra nước ngoài đào tạo chống phá cách mạng. Tổ chức của chúng gồm 600 tên, do tên Thiếu tá Apui, Phó Tư lệnh FULRO cầm đầu, hoạt động rộng khắp Tây Nguyên, câu kết với phản động bên ngoài để nhận tiền tài trợ và chỉ thị hành động. "Bộ Công an thành lập Ban chuyên án F990 huy động lực lượng An ninh Cụm II, Tiểu đoàn CSCĐ số 1 và Công an các tỉnh Tây Nguyên tham gia. Tiểu đoàn chọn những CBCS tinh thông võ thuật và kỹ chiến thuật, phối hợp tổ chức 6 trận đánh ở Gia Lai, Kon Tum, bắt sống 14 tên, trong đó có tên Apui, làm tan rã toàn bộ Bộ Tổng tham mưu của FULRO trên địa bàn", Thượng tá Nguyễn Duy Sơn nhớ lại.

Chuyên án F990 kết thúc cơ bản xóa sổ FULRO nhưng tàn quân vẫn còn, thỉnh thoảng lại nhen nhóm các cuộc nổi dậy khiến sứ mệnh của Tiểu đoàn CSCĐ số 1 kéo dài mãi tận sau này. Đã có 14 CBCS của Tiểu đoàn ngã xuống, gửi thân mình vào lòng đất mẹ trong cuộc chiến chống FULRO và vì bình yên mảnh đất Tây Nguyên. "Anh em vẫn truyền tai nhau câu nói của Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Lưu Thế Hà trước lúc qua đời: "Các đồng chí đừng vì tôi mà nản chí, hãy xông lên tiêu diệt đến tên FULRO cuối cùng...", giọng Trung tá Nguyễn Kim Thành chùng xuống, mắt anh rơm rớm.

FULRO cơ bản được kiểm soát thì các đối tượng phản động lại tìm cách kích động bà con tổ chức biểu tình, gây rối ANTT, đòi thành lập "Nhà nước Đề ga độc lập", điển hình là vụ biểu tình, bạo loạn tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai năm 2001; các cuộc biểu tình tại huyện Đắk Đoa, Chư Sê, Ayun Pa (Gia Lai) năm 2004; vụ gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ tại thị xã An Khê, Gia Lai năm 2009... và nhiều vụ việc phức tạp khác. Tiểu đoàn CSCĐ số 1 tiếp tục tăng cường cho Công an các tỉnh giải quyết ổn thỏa, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai, năm 2003.

2. Rời "làng thượng" Pleiku xinh đẹp, tôi sang Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nơi đóng quân của trụ sở chính Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên và Tiểu đoàn CSCĐ số 2. Trung tá Diêm Công Toàn, Phó Trung đoàn trưởng phụ trách Trung đoàn người gốc Bắc Giang, về đơn vị năm 1999 và gắn bó cho tới nay. Ở anh ngoài vẻ rắn rỏi của CSCĐ còn có nét chất phác của đồng bào ở Tây Nguyên. "Hiện Trung đoàn gồm 9 đầu mối, trong đó có 4 Ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu Cần, Huấn luyện; 1 Đội Đặc nhiệm, 1 Bệnh xá và 3 Tiểu đoàn CSCĐ. Ngoài hai Tiểu đoàn tại Gia Lai, Đắk Lắk, Tiểu đoàn CSCĐ số 3 đóng quân tại Lâm Đồng", anh thông tin.

CBCS Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên luyện tập nơi thao trường.

Xác định nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị là tổ chức luyện tập, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, các cuộc biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, Ban chỉ huy Trung đoàn chỉ đạo CBCS "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", đã ra quân là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thật khó để phản ánh hết thành tích của Trung đoàn trong một vài trang báo. 

Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã lập nhiều chiến công xuất sắc, giải quyết ổn thỏa các vụ việc phức tạp tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên, như vụ biểu tình, bạo loạn tại Gia Lai (2010); truy bắt các đối tượng FULRO lợi dụng tà đạo gây mất ổn định chính trị (2012); tăng cường cho Công an Bình Dương và Đồng Nai giải quyết ổn định ANTT (2014); tăng cường cho Công an Bình Thuận, Lâm Đồng bảo đảm ANTT, phòng, chống biểu tình, bạo loạn (2018)... Tháng 7-2019, Trung đoàn tăng cường CBCS tham gia giải quyết vụ kích động, gây rối ANTT và lấn chiếm hơn 200ha đất của nông trường cao su tại Ia Chim (Kon Tum). Tính từ tháng 7 đến hết tháng 9/2019, hơn 14.000 lượt CBCS của Trung đoàn tham gia chiến đấu và ứng trực tại Ia Chim, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trung đoàn cũng ghi dấu ấn trong phối hợp đấu tranh, khám phá nhiều chuyên án đặc biệt nguy hiểm. Cũng vào năm 2019, đơn vị tăng cường CBCS hỗ trợ Cục CSĐT tội phạm về ma túy phá chuyên án sản xuất ma túy tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum; phối hợp các lực lượng khống chế, bắt giữ 11 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng người Trung Quốc; thu giữ khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất phục vụ sản xuất ma túy, hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp cùng nhiều máy móc.

Ghi nhận thành tích xuất sắc, Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba (2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2016); được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (2012). Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (2001 - 2021), Trung đoàn đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. 

"Phát huy truyền thống hai lần Anh hùng, chúng tôi quyết tâm xây dựng Trung đoàn "Trung thành với Đảng, đoàn kết kỷ cương, dũng cảm kiên cường, chính quy tinh nhuệ", xứng đáng với sự tin yêu của Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ và bà con các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên", Trung tá Diêm Công Toàn khẳng định.

Quỳnh Vinh
.
.