Chiến hạm USS Indianapolis và sự tàn bạo của cá mập

Thứ Ba, 12/03/2019, 10:48
0 giờ 30 phút ngày 30-8-1945, chiến hạm USS Indianapolis thuộc Hải quân Mỹ với thủy thủ đoàn gồm 1.195 người đã bị tàu ngầm Type I-58 của phát xít Nhật do thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto chỉ huy, bắn trúng 2 trái ngư lôi.

Hậu quả là hơn 200 ngưới chết tại chỗ, 900 người nhảy xuống biển - trong đó chỉ có 300 người lên được xuồng cứu sinh và được cứu thoát, gần 100 người chết vì suy kiệt và những vết thương. Số còn lại chết vì bị cá mập ăn thịt. Cho đến nay, bi kịch tàu USS Indianapolis vẫn được các nhà sử học xem là một trong những vụ thảm sát tự nhiên lớn nhất lịch sử, gây ra bởi loài động vật hoang dã nổi tiếng tàn bạo…

Vài phút trước thảm kịch

Được khởi công vào ngày 31-3-1930 bởi Hãng đóng tàu New York Shipbuilding, Indiapolis hạ thủy ngày 7-11-1931. Sau chuyến hải hành vượt Đại Tây Dương nhằm đánh giá tính năng hoạt động, chiếc Indianapolis chính thức trở thành soái hạm, chuyên đưa đón tổng thống Mỹ trong các chuyến thăm viếng nước ngoài.

Chiến hạm USS Indianapolis trước ngày bị bắn chìm.

Có chiều dài 186m, rộng 20,14m với 4 động cơ tua-bin hơi nước, USS Indianapolis đạt vận tốc tối đa 37,2km/giờ. Điều hành hoạt động của tàu gồm 1.269 sĩ quan, thủy thủ. Được trang bị 9 pháo hạm 203mm, 8 đại bác 127mm, 44 súng phòng không 25mm và 37mm cùng 2 ống phóng bom chìm chống tàu ngầm, USS Indianapolis được coi là một trong những chiến hạm mạnh nhất của Hải quân Mỹ thời điểm đó.

Năm 1939, Thế chiến II bùng nổ nhưng Indianapolis vẫn giữ vai trò soái hạm. Phải mãi đến năm 1942, nó mới chính thức tham chiến tại mặt trận nam Thái Bình Dương. Từ đó cho tới tháng 6-1945, Iadianapolis có mặt trong nhiều trận đánh quan trọng, giúp quân đội Mỹ chiếm được nhiều hòn đảo chiến lược ở Thái Bình Dương như quần đảo Philippines, đảo Rabaul, quần đảo New Guinea, đảo san hô Tawara, đảo Okinawa, quần đảo Mariana, Saipan, Marsahll...

Ngày 16-7-1945, sau khi đại tu tại Hải quân công xưởng Mare Island, chiến hạm USS Indianapolis lên đường đến đảo Tinian với một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và tối mật: Trong hầm tàu là một lượng chất phóng xạ Uranium-325 đã được làm giàu để lắp vào quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, mật danh là “Little Boy”.

Ngày 6-8, quả bom Little Boy được người Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, khiến 90.000 người chết ngay lập tức, 20.000 người khác chết trong vài hôm sau. Đến ngày 28-8, chiếc USS Indianapolis tiến về phía đảo Leyte, Philippines để gia nhập Lực lượng đặc nhiệm 95, lúc ấy đang ở Okinawa. Không một ai trên tàu nghĩ rằng đó là chuyến đi cuối cùng bởi lẽ từ khi tham chiến cho đến lúc ấy, Indianapolos nổi tiếng là “chiến hạm không thể đánh đắm”.

0 giờ 10 phút ngày 30-8, qua kính tiềm vọng, thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto, chỉ huy chiếc tàu ngầm Type I-58 thuộc Hải quân Đế quốc Nhật nhìn thấy chiếc USS Indianapolis nhưng Hashimoto lại tưởng lầm nó là chiếc thiết giáp hạm New Mexico. Vì thế, ngay lập tức Hashimoto ra lệnh phóng lần lượt 2 trái thủy lôi. Trái thứ nhất trúng vào đuôi USS Indianapolis gây nên một đám cháy dữ dội. Trung sĩ McLynn, một trong những người sống sót kể lại: “Một chớp sáng rực rỡ lóe lên rồi ngay sau đó là một tiếng nổ kinh hoàng. 5 hoặc 6 thủy thủ đứng bên khẩu súng phòng không bị sức nổ hất tung. Tất cả họ đều chết. Nhiều người khác từ trong hầm máy điên cuồng tìm đường thoát chạy, thân hình cháy như bó đuốc. Từ sàn tàu họ lao xuống biển rồi chìm nghỉm…”.

Quả ngư lôi thứ 2 nổ ngay hông tàu, cạnh khoang chứa nhiên liệu giết thêm một số sĩ quan, thủy thủ. Nước biển theo lỗ thủng nhanh chóng tràn vào đã khiến hơn 100 người lúc ấy đang ngủ trong những cabin chật hẹp không kịp thoát ra. Tất cả đều chết đuối. Trung úy Halminton, sĩ quan phòng truyền tin nói: “Theo lệnh thuyền trưởng, tôi phát tín hiệu cấp cứu cho các tàu thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 95 nhưng không hề có ai đáp lại. Sau này chúng tôi mới biết mặc dù đã nhận được tín hiệu, nhưng Lực lượng Đặc nhiệm 95 lại cho rằng Hải quân Nhật dò được tần số vô tuyến của USS Indianapolis rồi họ dùng tần số này phát đi tín hiệu cấp cứu để giăng bẫy Hải quân Mỹ…”.

Một số sĩ quan thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 95 cho biết nếu được lệnh, chỉ mất khoảng 2 tiếng là những chiếc khinh tốc đỉnh sẽ có mặt tại vùng biển nơi tàu Indianapolis bị trúng thủy lôi, và số phận của 900 sĩ quan, thủy thủ còn sống sót sẽ không bị bỏ mặc

Nỗi kinh hoàng từ những con cá mập

0 giờ 22 phút kể từ khi chiếc USS Indianapolis trúng 2 quả ngư lôi, nước tràn vào khiến nó nghiêng về một bên rồi chìm dần. Trung sĩ thủy thủ Edgar Harrell kể: “Qua loa phóng thanh, tôi nghe tiếng thuyền trưởng là Chuẩn Đô đốc Charles B. McVay III nói lớn: “Bỏ tàu! Tôi ra lệnh bỏ tàu”.

Type I-58, chiếc tàu ngầm đã đánh chìm chiến hạm Indianapolis.

Không chút chậm trễ, khoảng 300 sĩ quan, thủy thủ lúc ấy đang ở trên boong vội vã hạ thủy những chiếc xuồng cứu sinh, trong đó có Edgar Harrell. 15 phút sau, chiếc USS Indianapolis biến mất, để lại trên mặt biển một đám cháy càng lúc càng lan rộng. Ngoài những người đã chết, hơn 600 người còn lại ở các tầng dưới boong tàu không kịp lên xuồng, chỉ biết đặt sự sống vào những chiếc áo phao.

Theo lời của thủy thủ McDuncan thì họ cố gắng bơi sát nhau, người khỏe mạnh dìu người bị thương. McDuncan kể tiếp: “Đột nhiên tôi nghe thấy nhiều tiếng quẫy nước và tiếng người la hét. Dưới ánh sáng lập lòe của những chiếc đèn tín hiệu cấp cứu gắn trên áo phao, tôi không thể nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đó là tiếng kêu của những người bị thương, đang cố gắng vùng vẫy chống lại những con sóng lớn”.

Đến sáng, một cảnh tượng kinh khủng xuất hiện trước mắt Duncan, dưới làn nước xanh thẫm, hàng trăm con cá mập trắng lao vào cắn xé những người đắm tàu, trong tay không một vũ khí tự vệ. Cả một vùng nước rộng lớn đỏ ngầu máu. Theo Duncan, có vẻ như tất cả những con cá mập trắng ở đại dương đều tập trung về đây để dự bữa tiệc thịt người. Ông nói: “Tôi bơi chung với một nhóm khoảng 80 thủy thủ, cố gắng tránh xa bầy cá mập nhưng thỉnh thoảng trong số chúng tôi lại có người biến mất rồi sau đó, họ đột ngột nổi lên nhưng một nửa thân hình của họ, từ bụng trở xuống không còn nữa”.

Ngày thứ ba kể từ khi chiếc USS Indianapolis chìm, nhóm của Duncan chỉ còn lại 17 người. “Khát nước, mất nước và tuyệt vọng, nhiều thủy thủ uống nước biển để cố làm giảm cơn khát nhưng điều đó khiến họ suy kiệt nhanh hơn và chết nhanh hơn”. Trong lúc bơi, họ nhìn thấy một chiếc bè cao su nhỏ, có lẽ rơi ra từ một con tàu nào đó. Bám vào bè, họ quyết định đi về phía Phlippines với hy vọng sẽ được cứu.

Duncan kể: “Xế chiều, chúng tôi thấy một chiếc thùng gỗ trôi bập bềnh trên sóng. Lúc mở nó ra, bên trong toàn là khoai tây thối rữa. Dùng răng, chúng tôi cắn bỏ phần đã thối rồi chia nhau ăn”. Thủy thủ Eugene Morgan cho biết cùng bơi với ông là một nhóm 14 người. Họ buộc chặt những chiếc áo phao lại với nhau để khỏi bị sóng tách ra: “Đột nhiên, một con cá mập lao lên khỏi mặt nước. Tôi thấy rõ cái miệng của nó há lớn với hàm răng sắc nhọn. Nó uốn cong thân hình, nhắm vào một thủy thủ bơi ở vị trí thứ ba hay thứ tư gì đó. Chỉ trong tích tắc, nó lôi luôn cả nhóm này xuống. Mặt nước vỡ tung khi những con cá mập khác xông đến. Khi lũ ác thú đã no nê, nhìn lại, chúng tôi mất 10 người”.

11 giờ trưa ngày thứ năm kể từ khi chiếc Indianapolis chìm, trung úy Wilbur Gwinn, phi công Hải quân Mỹ trong một chuyến bay tuần tra thường lệ đã nhìn thấy một vệt dầu loang trên biển. Lúc đầu ông nghĩ nó thải ra từ một chiếc tàu nào đó nhưng khi cho chiếc V-1 Ventura xuống cách mặt biển 100m, trước mắt Gwinm là nhiều nhóm người trong những chiếc áo phao, trôi dật dờ trên sóng nước.

Váng dầu phủ đầy mặt những người sống sót.

Thoạt dầu, Gwinn nghĩ rằng họ đã chết vì xung quanh họ có rất nhiều những con cá mập lượn lờ nhưng rồi ông thấy họ vẫy tay, la hét một cách điên cuồng. Cho máy bay xuống thấp hơn nữa, Gwinm nhận ra họ là Hải quân Mỹ qua những bộ quần áo họ mặc. Lập tức, Gwinn gọi về căn cứ, thông báo những gì ông đã nhìn thấy.

Vài phút sau, trung úy phi công Adrian Marks được lệnh xuất phát với chiếc thủy phi cơ Catalina. Marks kể: “Lúc máy bay hạ cánh xuống mặt biển, nhiều người không còn đủ sức để bơi đến. Cơ phó và 2 nhân viên phi hành đoàn phải leo xuống phao, kéo từng người lên. Theo ước lượng của tôi, trên mặt biển phải đến vài trăm người nhưng vì sức chở của máy bay có hạn nên chúng tôi chỉ vớt được 56 người”.

George Horvath, lính chữa cháy trên chiến hạm Indianapolis và cũng là người đầu tiên được kéo lên chiếc máy bay Catalina kể: “Tôi kiệt sức đến mức tay chân không thể cử động, Vì vậy, tôi phó mặc sinh mạng tôi cho nhóm cứu nạn. Khi chiếc máy bay lướt dần đến chỗ tôi thì cũng là lúc một con cá mập quẫy đuôi vòng lại. Tôi kêu lên: “Chúa ơi, không phải là lúc này”. Thiếu úy Peter Warren, cơ phó của chiếc Catalina cho biết: “Tóc tai, mặt mũi của tất cả những người được chúng tôi kéo lên máy bay đều nhuộm một màu đen do váng dầu, chỉ duy nhất hàm răng của họ là còn trắng. Có người khi đã lên máy bay rồi mà vẫn mê sảng. Họ liên tục la hét: “Cá mập, cá mập!”. Hẳn là những gì họ đã trải qua rất kinh hoàng”.

Mất gần 1 tiếng nữa, tàu khu trục USS Cecil Doyle xuất hiện. Tổng số sĩ quan, thủy thủ được cứu sống là 317 người, có cả thuyền trưởng Charles Butler McVay III. Theo ước tính, trong số 600 người chết, khoảng 500 người chết vì cá mập, số còn lại chết do mất nước và suy kiệt. Những người được cứu sống mất từ 5 đến 10kg thể trọng.

Năm 1946, thuyền trưởng, Charles Butler McVay III bị đưa ra xét xử trước tòa án quân sự vì “không chỉ đạo cho tàu tránh 2 quả ngư lôi cũng như không tổ chức cấp cứu hiệu quả khi phải bỏ tàu” nhưng ông được tha bổng. Năm 1968, Charles Butler McVay III tự sát.

Với Hashimoto, chỉ huy chiếc tàu ngầm Type I-58, sau khi Đế quốc Nhật đầu hàng, ngày 5-12-1945 Hashimoto được đưa từ Tokyo đến San Francisco để ra tòa với vai trò nhân chứng trong vụ đánh chìm chiến hạm Indianapolis. Ông bị giam đến năm 1946 thì được tha.

Tháng 7-2001, Hải quân Mỹ khởi động việc tìm kiếm xác tàu USS Indianapolis nhưng mãi đến ngày 19-8-2017, họ mới phát hiện nó nằm ở độ sâu 5.500m dưới đáy biển phía bắc Philippines nên việc trục vớt xem ra bất khả thi vì quá tốn kém. Robert Kraft, Giám đốc điều hành việc tìm kiếm cho biết USS Indianapolis sẽ mãi mãi nằm đó như một ngôi mộ của các sĩ quan, thủy thủ đã hi sinh theo tàu…

Vũ Cao (theo History – USS Indianapolis Disaster)

.
.
.