Vì sao Tổng thống Mỹ muốn mua Greenland?

Thứ Tư, 21/08/2019, 16:29
Theo hai nguồn tin giấu tên của CNN, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần bày tỏ ý định mua đảo Greenland và đội ngũ luật sư Nhà Trắng đang xem xét khả năng này.


Trước đó, tờ Wall Street Journal cũng dẫn các nguồn tin thông thạo vấn đề cho biết Trump đã nêu phương án mua đảo Greenland trong các cuộc họp và bữa tối, đặt câu hỏi với các trợ lý và lắng nghe nghiêm túc về khả năng và lợi thế của việc sở hữu hòn đảo. 

Trong một bữa ăn tối vào mùa xuân năm ngoái, Tổng thống Donald Trump cho biết ông được khuyên nên xem xét việc mua Greenland vì Đan Mạch gặp khó khăn tài chính khi hỗ trợ hòn đảo này. Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2.166.000 km².

Dù lãnh đạo cơ quan ngoại giao Greenland Ane Lone Bagger đã tuyên bố "hòn đảo không phải để bán", nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về ý định của chính quyền ông Trump, đặc biệt là vì sao ông chủ Nhà Trắng lại có hứng thú với một hòn đảo với 80% diện tích bị băng bao phủ và có dân số chưa đầy 60.000 người?

Đầu tiên, Greenland được cho là rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu. Hầu hết nguồn tài nguyên kể trên đều chưa được khai thác bởi phần lớn diện tích hòn đảo bị băng bao phủ. Tuy nhiên, với tình trạng khí hậu toàn cầu nóng lên, các lớp băng đang tan chảy với tốc độ nhanh chóng. 

Mùa hè vừa qua, các nhà khoa học từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chứng kiến 2 trong những vụ băng tan chảy lớn nhất lịch sử Greenland xảy ra. Hiện tượng băng tan sẽ giúp cho các kế hoạch khai thác tài nguyên thiên nhiên trở nên khả thi hơn.

Lý do thứ hai nằm ở ý nghĩa địa chính trị. Hòn đảo Greenland thuộc sở hữu của Đan Mạch, có tầm quan trọng chiến lược đối với quân đội Mỹ. Chính phủ Đan Mạch tuy từ chối nhượng Greenland cho Mỹ, nhưng cảm thấy cần phải tỏ ra sòng phẳng đáp trả công lao của người Mỹ đã giúp Đan Mạch phá hủy các trạm khí tượng của quân phát xít Đức đặt tại đảo băng này thời Thế chiến. Căn cứ không quân Thule là một minh chứng cho điều này. 

Căn cứ này nằm trên vòng cực Bắc khoảng 1.200 km và được xây dựng năm 1951. Năm 2017, căn cứ Thule đã chi thêm 40.000 USD cho hệ thống radar, một phần là do mối quan ngại về mối đe dọa hạt nhân Nga. Hệ thống radar và trạm thông tin ở Thule tạo thành hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm có phạm vi hàng chục ngàn kilômét và có thể cảnh báo về tên lửa liên lục địa. 

Căn cứ không quân Thule được cho là không thể thiếu đối với quốc phòng của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nước Mỹ muốn tìm lại vị trí của mình tại Bắc Cực trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc.

Lý do cuối cùng xuất phát từ cá nhân ông Trump. Tổng thống Mỹ hiện nay được cho là một người rất quan tâm tới những di sản mình đạt được trong thời gian làm tổng thống. Mua được Greenland sẽ là một gạch đầu dòng lớn trong lý lịch tổng thống của ông.

Thực tế, trong quá khứ, Mỹ từng muốn mua Greenland, theo nhà sử học Đan Mạch Tage Kaarsted. Năm 1946, Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes dưới thời Tổng thống Harry Truman đã đề xuất ý tưởng trên với Ngoại trưởng Đan Mạch tại một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc ở New York. Tuy nhiên, kể từ đó, hai bên không có thêm bất kỳ trao đổi nào liên quan đến vấn đề này. 

100 năm trước đó, Ngoại trưởng Mỹ William Seward, sau thương vụ mua lại Alaska từ người Nga với giá 7,2 triệu USD vào năm 1867, cũng nhắm tới mua Greenland từ người Đan Mạch.

Mỹ cũng từng mua quần đảo Philippines từ Tây Ban Nha vào năm 1898 với giá 20 triệu USD và mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch năm 1917 với giá 25 triệu USD. Thương vụ mua lại đất nổi tiếng nhất của Mỹ diễn ra vào năm 1803 khi chính quyền mua Louisiana từ tay người Pháp. Mỹ đã chi 15 triệu USD vào thời điểm đó cho vùng đất chiếm gần 1/4 lãnh thổ quốc gia hiện tại.

Đan Mạch hiện sở hữu Greenland, nhưng hòn đảo này có chính quyền tự trị riêng. Greenland phụ thuộc hoàn toàn vào Đan Mạch về kinh tế. Chính quyền của xứ tự trị này chỉ lo các vấn đề đối nội, trong khi đối ngoại và an ninh quốc phòng thuộc trách nhiệm của Copenhagen.

Tuy ý tưởng về việc mua Greenland đã bị chính Đan Mạch phản đối, tuy nhiên CNN đã đặt ra câu hỏi: “Nếu thực sự Mỹ mua Greenland thì giá trị của hòn đảo sẽ là bao nhiêu tiền?”. Năm 1946, tài liệu lịch sử ghi nhận rằng Mỹ từng đề xuất với Đan Mạch mua Greenland với giá 100 triệu USD bằng vàng. Tính toán theo tỷ giá hiện tại và lạm phát, con số trên hiện thời tương đương với mức 1,3 tỷ USD.

Nghĩa Nam
.
.
.