Tổng thống Mỹ đạt thỏa thuận ngân sách với Quốc hội

Thứ Tư, 24/07/2019, 08:35
Ngày 22-7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa của lưỡng viện Quốc hội đã đạt được thỏa thuận ngân sách về nâng mức trần nợ công và chi tiêu liên bang trong hai tài khóa tiếp theo. Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xác nhận thông tin này.

Nếu như được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ cho phép chính phủ liên bang vay thêm tiền và tránh được viễn cảnh vỡ nợ trong những tháng tới, đồng thời nâng ngân sách về quốc phòng và các vấn đề trong nước.

Cụ thể, thỏa thuận trên sẽ nâng mức chi tiêu trần trong tài khóa 2020 và 2021, kéo dài mức trần nợ công đến cuối tháng 7-2021, gần 9 tháng sau cuộc bầu cử năm 2020. Nếu như dự luật này không được thông qua, Bộ Tài chính Mỹ sẽ bị vượt mức trần nợ công vào ngày 9-9 tới.

Các nguồn tin từ Quốc hội cho biết chi tiêu cho các chương trình sẽ tăng lên 1,37 nghìn tỷ USD tài khóa tiếp theo, cao hơn so với mức 1,32 nghìn tỷ USD hiện nay, trong đó 738 tỷ USD là số tiền tối đa được chi cho quốc phòng. Các hoạt động không liên quan đến quốc phòng sẽ bị giới hạn ở mức 632 tỷ USD, tăng 605 tỷ USD so với năm nay.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Getty Images.

Trong tài khóa 2021, chi tiêu liên bang sẽ tăng chậm hơn lên 1,375 nghìn tỷ USD. Thỏa thuận trên đã đối mặt với sự phản đối từ các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối bảo thủ, vốn không đồng tình với việc tăng thêm hàng trăm tỷ USD cho chi tiêu và làm tăng nợ công Mỹ. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Dân chủ coi đây là chiến thắng cho việc đảm bảo ngân sách đối với những vấn đề ưu tiên trong nước.

Thỏa thuận mà người đứng đầu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đạt được chỉ không đầy 2 tuần sau cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ rằng Chính phủ nước này có thể cạn ngân sách hoạt động vào đầu tháng 9 tới nếu Quốc hội không cho phép vay thêm tiền.

Kể từ tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tái phân bổ ngân sách hoạt động cho chính phủ sau khi chạm ngưỡng 22 nghìn tỷ USD giới hạn nợ công do Quốc hội đặt ra. Các quan chức bộ này cảnh báo rằng, nếu không tăng mức giới hạn vay nợ, Mỹ có thể lần đầu tiên bị vỡ nợ, do đó họ đang hối thúc Quốc hội hành động trước khi nghỉ Hè cuối tháng này.

Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nêu rõ: "Dựa vào những dự báo mới nhất, có một kịch bản mà trong đó, chúng ta sẽ cạn ngân sách vào đầu tháng Chín, trước khi Quốc hội nhóm họp”.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng khoảng 140 tỷ USD trong giai đoạn tháng 10-2018 đến tháng 6-2019 lên mức 747,1 tỷ USD trong bối cảnh nguồn thu ngân sách và chi tiêu đều ghi nhận mức cao kỷ lục. Bộ Tài chính Mỹ hôm 11-7 cho biết mức thâm hụt tính đến tháng 6-2019 của tài khóa 2019 đã tăng 23,1% so với cùng kỳ tài khóa trước đó, trong đó nguồn thu ngân sách tăng khoảng 2,7% lên 2.610 tỷ USD, còn chi tiêu tăng 6,6% lên 3.360 tỷ USD.

Tính trong tháng 6, thâm hụt ngân sách ở mức 8,5 tỷ USD, giảm mạnh so với mức thâm hụt 74,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự đoán thâm hụt ngân sách cho cả tài khóa 2018-2019 (kết thúc ngày 30-9-2019) sẽ lên tới 1.000 tỷ USD, tăng so với mức thâm hụt ngân sách 779 tỷ USD của tài khóa trước.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) không quá bi quan cho năm nay khi dự báo mức thâm hụt ngân sách 897 tỷ USD, tăng 15,1% so với mức 779 tỉ USD của năm ngoái, song CBO cảnh báo thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2020 và sẽ duy trì trên mốc 1.000 tỷ USD/năm cho đến năm 2029.

Thâm hụt ngân sách tăng phản ánh một loại yếu tố trong đó có kế hoạch cắt giảm thuế 1.500 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy hồi cuối năm 2017 và hàng tỷ USD chi tiêu bổ sung được Quốc hội thông qua hồi đầu năm 2018.

Bộ Tài chính Mỹ từng nói rằng, Chính phủ Mỹ chỉ còn đủ tiền hoạt động tới hết mùa Thu. Tuy nhiên, tốc độ thâm hụt đang nhanh hơn dự kiến. Trong một thông tin có liên quan, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tháng Sáu của Mỹ, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 0,3%, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 1-2018, sau bốn tháng liên tiếp tăng 0,1%. Còn CPI tổng hợp trong tháng Sáu tăng 0,1%, nhờ giá lương thực và xăng rẻ, tương đương với mức tăng của tháng Năm.

Cũng trong ngày 11-7, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 13.000 đơn xuống mức được điều chỉnh theo mùa là 209.000 đơn trong tuần kết thúc ngày 6-7, mức thấp nhất kể từ tháng Tư.

Thị trường lao động vẫn “khỏe mạnh” bất chấp những rủi ro gia tăng. Tuy nhiên, lạm phát tăng và thị trường lao động “khỏe mạnh” đã làm dịu đi đồn đoán trên các thị trường tài chính rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này từ mức 2,25-2,5% hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.