Venezuela: "Xã hội đen" khốn đốn vì khủng hoảng

Thứ Hai, 01/04/2019, 16:09
Cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị-xã hội đang diễn ra tại Venezuela đã mang đến một hệ quả đáng ngạc nhiên, đó là tỷ lệ tội phạm giảm. Lý do: Các băng nhóm xã hội đen hiện khó làm ăn hơn, bởi “người đã bớt và tiền thì không có”, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ).

Từ khu ổ chuột trên đỉnh đồi nhìn xuống thủ đô đang suy tàn, Luis Martínez than tiếc rằng những vụ cướp có vũ trang và bắt cóc tống tiền “béo bở” một thời của anh ta đã không còn như trước. Những viên đạn quá tốn kém, tương tự với các phụ tùng của chiếc xe mà anh ta dùng để chạy trốn. Rất ít nạn nhân mang theo đô la Mỹ trong người vào những ngày này, còn tiền bolivar địa phương thì gần như vô giá trị. Đơn giản là xung quanh giờ đây có ít tiền hơn để trộm cắp.

“Trở thành một ‘malandro’ không còn được như trước đây”, thanh niên Martínez, 26 tuổi, đã sử dụng một từ địa phương để nói về những kẻ “xã hội đen”. Nhấm nháp rượu rum rẻ tiền dưới ánh đèn đường với một đồng đảng, Martínez rút ra một khẩu súng bán tự động Glock và cho thấy chỉ có 5 viên đạn. "Tôi phải tiết kiệm những thứ này. Hiện giờ nó rất khó kiếm".

Martínez cho biết, mục tiêu mà anh ta thường nhắm tới là những người đi làm và những người thích tiệc tùng vào ban đêm. Nhưng cuộc di cư của 3,4 triệu người Venezuela chạy trốn khỏi thảm họa kinh tế đồng nghĩa với việc các nạn nhân tiềm năng của những kẻ “malandro” đã ít hơn.

Martínez là minh chứng cho “sản phẩm phụ” đáng ngạc nhiên và nổi bật của cuộc khủng hoảng Venezuela: Tội phạm bạo lực ở một trong những quốc gia được gọi là “nguy hiểm nhất thế giới” đã giảm. Các nhà tội phạm học nói rằng, một số kẻ ngoài vòng pháp luật đang suy nghĩ lại về nghề làm ăn của họ giữa bối cảnh kinh tế đất nước giảm hơn một nửa kể từ năm 2013, và các vụ giết hại các “nghi can tội phạm” của lực lượng an ninh nhà nước.

Chính quyền Venezuela từ lâu đã giấu kín dữ liệu tội phạm, lấy cớ rằng những người phản đối đảng Xã hội cầm quyền sử dụng nó để bôi nhọ chính quyền. Nhiều nạn nhân không báo cáo tội phạm vì họ không tin cảnh sát. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại tội phạm đều giảm. Đợt mất điện toàn quốc ở Venezuela vào trung tuần tháng 3, trong bối cảnh bế tắc chính trị, đã tạo điều kiện thúc đẩy tình trạng cướp bóc và hỗn loạn mới ở nước này.

Nhưng các tổ chức theo dõi tội phạm đã ghi nhận sự suy giảm đáng chú ý về bạo lực đô thị. Sau khi tăng vọt mỗi năm kể từ năm 2004, những vụ giết người đã giảm 19% trong 2 năm qua, theo tổ chức quan sát phi lợi nhuận về bạo lực Venezuela (OVV). Số vụ bắt cóc được báo cáo cho Cảnh sát điều tra Venezuela đã giảm 1/3 trong cùng kỳ xuống còn 308 vào năm 2018, theo lời ông Javier Mayorca, một chuyên gia tư vấn an ninh của Venezuela.

Một số “malandro” Venezuela đã gia nhập vào cuộc di cư. Vào tháng 8-2018, Cảnh sát Peru đã kết án 5 thành viên của một tập đoàn tội phạm khét tiếng ở Venezuela được gọi là Aragua Train với 9 tháng tù về tội buôn bán ma túy, cướp và tấn công bằng vũ khí. 

Theo Giám đốc An ninh Javier Gorriño quận El Hatillo, Caracas, các nhà chức trách ghi nhận chỉ có 2 vụ bắt cóc kể từ đầu năm 2018 với số tiền chuộc là 400 đô la - so với trước đó họ bắt giữ lên tới 2 vụ bắt cóc mỗi ngày với những khoản yêu cầu tiền chuộc lên tới hàng chục ngàn đô la mà các băng đảng chuyên nghiệp đòi hỏi. “Cuộc khủng hoảng đã tấn công tất cả chúng ta, thậm chí cả các malandro”, ông Gorriño nói.

Nhưng không phải tất cả các tội phạm đều suy giảm. Hành vi phạm tội phản ánh sự tuyệt vọng kinh tế đang gia tăng. Tại quận Sucre của Caracas, nơi có các căn hộ cao cấp đến Petare, trộm xe và trộm vặt tăng hơn gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước.

"Trước đây, những kẻ tội phạm ưu tiên hàng đầu là hàng xa xỉ, như hàng Nike, điện thoại thông minh hay thời trang hàng hiệu, còn nay bọn trộm chủ yếu kiếm thức ăn", theo Roberto Briceño-León, Giám đốc của Observatory on Violence. Ông nói rằng có một sự gia tăng trong các cuộc xâm lược tại nhà để đột kích tủ lạnh. "Trong ngành nhân chủng học, chúng tôi gọi đây là việc tìm kiếm protein", ông Briceño-León nói. "Đây là một điều hoàn toàn mới ở Venezuela".

Đồng Văn
.
.
.