Vấn đề nhập cư và bài toán chống tham nhũng trong nội bộ cảnh sát Nga

Thứ Bảy, 22/07/2017, 09:44
Nhập cư không chỉ là vấn đề đau đầu với nước Nga mà cũng là bài toán khó giải trong cảnh sát Nga bởi chính vấn nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát liên quan đến những vấn đề nhập cư…


Chỉ đứng sau Mỹ, Nga là nước tiếp nhận số người nhập cư lớn thứ hai trên thế giới. Hiện nay, ở Nga có hơn 10 triệu người nhập cư hợp pháp và hơn 3 triệu người nhập cư bất hợp pháp.Nhập cư không chỉ là vấn đề đau đầu với nước Nga mà cũng là bài toán khó giải trong cảnh sát Nga bởi chính vấn nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát liên quan đến những vấn đề  nhập cư…

Dân nhập cư bất hợp pháp vào Nga chủ yếu từ các nước Uzbekistan, Tajikistan, Ukraine, Moldova, Morrocco, Ai Cập, Syria, Azerbaijan, Uzbekistan và một số nước châu Á, châu Phi.

Phần lớn những người nhập cư này nếu không bị bán vào các động mại dâm, buộc làm các công việc phạm pháp thì phải làm việc trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp nặng, bị bóc lột sức lao động và bị chủ trả đồng lương rất rẻ mạt. Ở Moscow, 2/3 số dân nhập cư bất hợp pháp ở đây chỉ được trả lương từ 300 - 600 USD/tháng để tồn tại ở một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới.

Không chỉ dân nhập cư nước ngoài vào Nga là vấn đề, mà dân "nhập cư" từ các nước cộng hòa thuộc Nga như Dagestan, Ingushetia và Chechnya cũng đáng bàn. Tại sao họ cũng là công dân Nga, có hộ chiếu Nga mà lại bị gọi là "dân nhập cư"?

Vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan công quyền khi cấp phép lao động cho những người có gốc gác từ các nước cộng hòa thuộc Nga vẫn luôn xem xét và đặt ra rào cản nhằm hạn chế tình trạng họ đổ xô đến các đô thị, trung tâm kinh tế của Nga để sinh sống, kiếm việc làm.

Những người nhập cư trái phép vào Nga trước giờ bị trục xuất.

Mặc dù là công dân Nga nhưng nếu sống ở thành phố mà không được đăng ký cư trú đúng pháp luật cũng sẽ bị từ chối cấp phép làm việc, không được hưởng các chế độ phúc lợi ở đây về y tế, giáo dục, mở tài khoản ngân hàng, không được cấp giấy phép lái xe…

Vì vậy, dân nhập cư ngoài Nga và trong Nga đều phải tìm đủ mọi cách để được hợp pháp hóa cư trú hoặc được đăng ký. Và một trong những cửa ải khó khăn nhất mà họ phải vượt qua đó là cảnh sát, bởi cảnh sát Nga có quyền năng rất lớn, đóng vai trò quyết định trong vấn đề này. Người nhập cư phải hối lộ cảnh sát để tránh bị bắt trong các chiến dịch truy quét, tránh bị phạt hoặc bị tịch thu tài sản.

Đối với những người nhập cư bất hợp pháp đang làm việc cho các ông chủ nằm trong các đường dây tội phạm có tổ chức thì các đường dây này đứng ra lo lót với cảnh sát để được tiếp tục bóc lột người lao động.

Khi bị cảnh sát bắt và ghi vào hồ sơ thì mọi con đường để xin cấp phép cư trú và lao động cũng sẽ bị đóng lại. Thông thường một người nhập cư bất hợp pháp muốn vượt qua ải cảnh sát để được cấp phép lao động phải hối lộ khoảng 600 - 750 USD.

Không ít trường hợp, cảnh sát một số địa phương ở Nga phát hiện các địa điểm tập trung rất nhiều người nhập cư hoặc di cư bất hợp pháp và tiến hành chiến dịch kiểm tra. 

Nhưng chỉ sau vài chục phút kể từ khi có một đối tượng đầu nậu ra làm việc riêng với cảnh sát là cảnh sát lại rút quân ngay mà không có xử lý hay bắt giữ nào, như thể nơi đây hoàn toàn không có vấn đề gì.

Không ít cảnh sát Nga đã trực tiếp dính líu đến hoạt động nhập cư bất hợp pháp hoặc thậm chí bảo kê cho các đường dây tổ chức nhập cư bất hợp pháp để nhận những khoản lợi nhuận kếch xù.

Cảnh sát Nga bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp.

Các đường dây tội phạm dưới sự bao che của cảnh sát đã lập nên một số trại trung chuyển hoặc tập trung người nhập cư tại một số địa điểm trên đất Nga trước khi đưa họ đến các công trường, công xưởng làm việc hoặc trực tiếp lao động bất hợp pháp tại các khu vực này.

Trước sự phản ứng của công chúng và ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, Chính phủ và lãnh đạo lực lượng cảnh sát Nga đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt.

Nhiều cảnh sát nhận hối lộ của người nhập cư bất hợp pháp đã bị điều tra và đưa ra xét xử công khai với nhiều mức án nặng. Một số lãnh đạo đơn vị hoặc sỹ quan có biểu hiện tiêu cực bị sa thải hoặc điều chuyển sang đơn vị, địa phương khác.

Cảnh sát cũng tổ chức nhiều chiến dịch được bí mật đến phút chót, truy quét, bắt giữ và kiên quyết trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, đồng thời đập tan các đường dây buôn người, tổ chức nhập cư bất hợp pháp.

Trong một số chiến dịch, lãnh đạo cảnh sát ra chỉ thị tiến hành cho một đơn vị cảnh sát khác hoặc sử dụng cảnh sát của địa phương khác mà không thông báo, không sử dụng lực lượng là các cảnh sát "quen mặt" chuyên làm nhiệm vụ chống nhập cư bất hợp pháp ở địa phương đó nhằm hạn chế lộ lọt thông tin và đề phòng bảo kê.

Công tác luân chuyển cán bộ định kỳ cũng được áp dụng để hạn chế các mối nguy tiêu cực. Đồng thời, cảnh sát Nga cũng xem xét và điều chỉnh các quy định nội bộ, quy trình công tác trong nội bộ để hạn chế tình trạng tha hóa của cán bộ cảnh sát.

Bên cạnh đó, cảnh sát cũng phối hợp với các cơ quan hữu trách để rà soát, chỉnh sửa các văn bản pháp quy để quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề liên quan đến nhập cư, cấp phép lao động, xuất nhập cảnh… nhằm kịp thời bịt kín các sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng tội phạm và cán bộ thực thi công quyền có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội hoặc trục lợi cá nhân.

Cảnh sát Nga cũng phối hợp với INTERPOL, EUROPOL, ASEANAPOL… và cảnh sát các nước để tăng cường công tác phòng chống nhập cư bất hợp pháp, triệt phá tận gốc các đường dây tổ chức di cư bất hợp pháp tới Nga.

Nhờ những nỗ lực và sự mạnh tay của Chính phủ và lãnh đạo Cảnh sát Nga, tình trạng tiêu cực trong nội bộ cảnh sát liên quan đến nhập cư bất hợp pháp đã được kiềm chế và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, do nguồn lợi bất chính dễ kiếm và rất cao, số người nhập cư bất hợp pháp vào Nga vẫn rất đông… nên việc lành mạnh hóa lực lượng cảnh sát trong công tác chống nhập cư bất hợp pháp gặp không ít khó khăn và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, có thể tái phát bất cứ lúc nào. Do vậy, đây vẫn là bài toán nan giải, đòi hỏi nỗ lực cao, quyết liệt và kiên trì, lâu dài của lực lượng Cảnh sát Nga trong thời gian tới.  
Hoàng Thị Nhân
.
.
.