Tàu sân bay Trung Quốc khốn đốn vì căng thẳng thương mại

Thứ Ba, 11/12/2018, 15:37
Dự án tàu sân bay mới nhất của Trung Quốc đã chậm lại khi căng thẳng với Mỹ và cải cách quân sự đã tác động tiêu cực lên ngân sách của chương trình, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin quân sự cho biết.


Thông tin được tiết lộ chỉ một ngày sau khi Bắc Kinh xác nhận họ đang đóng tàu sân bay nội địa thứ hai, và là tàu sân bay thứ ba của nước này.

Tân Hoa xã cho biết hôm 25-11 rằng công việc đang được tiến hành trên "tàu sân bay thế hệ mới" của Trung Quốc, Type 002. Chiếc tàu trước đó, Type 001A, là tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước, được ra mắt vào tháng 4-2017. Các chuyên gia quân sự hy vọng nó sẽ được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc trước ngày 1-10 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, thuộc lớp Kuznetsov, được đưa vào hoạt động từ năm 2012 sau khi được mua từ Ukraine và được tái trang bị tại Trung Quốc. Báo cáo Tân Hoa Xã là xác nhận đầu tiên trên phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc về việc xây dựng Type 002, một tiết lộ có nghĩa là sóng tàu đã sẵn sàng được lắp đặt, theo một nguồn tin gần với quân đội Trung Quốc.

Tàu sân bay mới nhất sẽ được trang bị hệ thống phóng máy bay tiên tiến nhất thế giới, một hệ thống điện từ được gọi là EMAL, cùng loại được sử dụng trên siêu hàng không mẫu hạm Mỹ USS Gerald Ford. EMAL ít hao mòn trên máy bay và cho phép nhiều máy bay được triển khai trong một thời gian ngắn hơn.

Được biết công việc trên Type 002 đã bị chậm lại do cắt giảm ngân sách và chi phí gia tăng liên quan đến J-15, máy bay phản lực chiến đấu trên tàu sân bay. "Trung Quốc cho đến nay vẫn thất bại trong việc phát triển một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay tiên tiến và mạnh mẽ hơn để phù hợp với tàu sân bay Type 002", một nguồn tin hải quân cho biết.

Một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang phát triển một máy bay chiến đấu mới dựa trên tàu sân bay để thay thế cho chiếc J-15 hay bị trục trặc và hỏng máy. Tất cả những chiếc J-15 phải nằm đất trong 3 tháng sau một vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2016, một số dữ liệu liên quan đến hệ thống điều khiển bay đã trục trặc. 

"Một vấn đề khác làm chậm công trình của Type 002 là tuổi thọ ngắn của động cơ J-15, mặc dù máy bay giờ đây được trang bị động cơ WS-10H Taihang tiên tiến và mạnh mẽ hơn", một người tham gia các dự án tàu sân bay cho biết.

 Công nghệ tuabin mới đã kéo dài tuổi thọ của động cơ WS-10 từ 800 giờ bay lên 1.500, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong số hơn 4.000 giờ bay mà động cơ F414 của General Electric - được sử dụng trên máy bay F-18 Super Hornets trên tàu sân bay Mỹ. WS-10H mạnh mẽ và tiên tiến, nhưng tuổi thọ của nó ngắn hơn nhiều so với công nghệ của Mỹ, có nghĩa là Trung Quốc cần nhiều động cơ hơn để hỗ trợ hoạt động của các chiếc J-15. Điều đó dẫn đến tốn kém bởi vì mỗi động cơ WS-10 tốn hàng triệu nhân dân tệ.

Trung Quốc có kế hoạch có bốn nhóm tàu sân bay phục vụ vào năm 2030, nhưng những kế hoạch này có thể thay đổi khi ngân sách co lại và một số phòng ban đã bị cắt do hậu quả của cuộc cải tổ quân sự chưa từng thấy. Các yếu tố chính trị và kinh tế khác cũng đã được cân nhắc trong chương trình. 

"Một nhà đóng tàu đã được dự kiến xây dựng một tàu sân bay Type 002, thứ tư của nước này, nhưng gần đây nó đã bị trì hoãn... bởi cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ", ông nói. "Bắc Kinh không muốn làm phiền Washington thêm nữa - nền kinh tế đã chậm lại kể từ khi hai nước bắt đầu tranh chấp thương mại".

Hơn nữa, Trung Quốc cũng nhận thức rõ rằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa Hải quân Giải phóng nhân dân và Hải quân Mỹ, lực lượng có 11 nhóm chiến đấu tàu sân bay, mà 8 trong số đó có thể sẵn sàng chiến đấu cùng một lúc.

Đông Văn
.
.
.