Syria vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí hóa học

Thứ Tư, 31/05/2017, 10:44
Hãng tin BBC hôm 4-5 vừa qua đưa tin, chính quyền Syria vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí hóa học, vi phạm thỏa thuận loại bỏ vũ khí hóa học mà Tổng thống Bashar Hafez al-Assad đã ký năm 2013.


Ba điểm đen

Theo tài liệu tình báo phương Tây cung cấp cho Hãng tin BBC, vũ khí sinh hóa được sản xuất tại 3 địa điểm gần Damascus và Hama. Cả hai chính phủ đồng minh với chính quyền Syria là Iran và Nga đều biết vấn đề này. 

Các cường quốc phương Tây cáo buộc cách nay một tháng, ngày 4-4, một máy bay chiến đấu của Chính phủ Syria đã thả bom chứa chất độc cực mạnh có tên gọi sarin xuống một thị trấn phe đối lập kiểm soát làm chết khoảng 90 người. Để đáp lại hành động này tại Khan Sheikhoun, Mỹ đã bắn tên lửa vào một căn cứ không quân của chính quyền Syria.

Theo Đài BBC, vũ khí hóa học của Syria được sản xuất tại 3 nơi, gồm: Masyaf ở tỉnh Hama; Dummar và Barzeh, ngay bên ngoài Damascus. Tất cả 3 nơi này đều là chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu và học tập khoa học (SSRC), một cơ quan của chính phủ.

Mặc dù đang bị giám sát bởi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW), Syria bị hồ sơ cáo buộc vẫn đang tiếp tục bảo quản và sản xuất vũ khí hóa học tại các khu vực khép kín. Theo đó, cả 2 cơ sở sản xuất tại Masyaf và Barzeh chuyên về lắp đặt vũ khí hóa học trên các tên lửa tầm xa và pháo binh.

Trong tài liệu mới nhất của OPCW về chương trình làm việc để loại bỏ vũ khí hóa học tại Syria cũng đề cập đến 2 cơ sở tại Barzeh và Dummar. Tổ chức này cho biết, thanh tra đã đến lấy mẫu tại 2 cơ sở này từ ngày 26-2 đến ngày 5-3 vừa qua và đang chờ kết quả phân tích.

Cố tình khai thiếu?

Chính quyền Mỹ đã áp đặt chính sách chế tài kinh tế trên 271 nhân viên của SSRC 3 tuần sau sự việc tại Khan Sheikhoun, với cáo buộc cơ quan này đang tập trung phát triển và lắp đặt vũ khi hóa học chứ không phải là viện nghiên cứu dân sự thông thường của chính quyền Assad.

Một nguồn cho biết, chính quyền Assad có thể chỉ khai báo một số nhà máy cho OPCW, và như vậy thanh tra vũ khí cũng chỉ đến những nhà máy này. Tin tình báo còn cáo buộc Syria khai báo sai về hoạt động của một trong những nhà máy là nghiên cứu khả năng tự vệ, nhưng thực tế là đang phát triển khả năng tấn công.

Tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria.

Thiếu tướng Basam Hassan, là thành viên chủ chốt được cho phép để sử dụng vũ khí hóa học, đã có tên trong danh sách chế tài của Mỹ năm 2014 khi là đại diện của Tổng thống Assad tại SSRC.

Trong một tuyên bố gửi cho BBC, OPCW đã yêu cầu nhà cầm quyền Syria phải khai báo các phần liên quan của SSRC vì đây là nghĩa vụ của họ theo Hiệp ước về vũ khí hóa học (CWC), một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học.

Theo OPCW, mặc dù nhà cầm quyền đã khai báo nhưng vẫn chưa đủ. Chưa có gì để khẳng định khai báo của chính quyền Syria là đầy đủ và chính xác. Các quốc gia ký vào Hiệp ước CWC sẽ sớm nhận được báo cáo thanh tra gần đây.

Syria bị buộc phải từ bỏ kho vũ khí hóa học theo một thỏa thuận được đưa ra bởi Mỹ và Nga năm 2013, khi ông Assad ký Hiệp ước CWC. Thỏa thuận này được đưa ra sau một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học giết chết hàng trăm người ở khu vực phe đối lập nắm giữ trong khu vực nông nghiệp Ghouta quanh Damascus.

Liên Hiệp Quốc cho rằng, chất độc sarin đã được sử dụng lúc đó cũng giống như hóa chất mà OPCW, Chính phủ Pháp và những bên khác nói đã được sử dụng ở Khan Sheikhoun. Theo nhóm quan sát nhân quyền, có ít nhất 87 người bị thiệt mạng ở Khan Sheikhoun.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch đưa ra một báo cáo hôm 1-5 vừa qua cáo buộc Khan Sheikhoun là một phần của việc sử dụng vũ khí hóa học rộng răi của lực lượng Chính phủ Syria, trong đó có 3 vụ tấn công khác liên quan đến chất đọc thần kinh kể từ tháng 12-2016.

Tổng thống Mỹ Donal Trump trích dẫn những bức ảnh trẻ em đang đau đớn như là một trong những lý do để ông quyết định đảo ngược các chính sách trước đó đối với Syria và tấn công bằng tên lửa hành trình. Những tên lửa đã tấn công một căn cứ không quân ở Shayrat, nơi Mỹ nói đã phóng đi vũ khí hóa học.

Thông tin tình báo về các địa điểm sản xuất vũ khí hóa học cũng đã được chia sẻ với BBC với điều kiện cơ quan này không được nêu tên. Không có thông tin chi tiết về việc chứng cứ cáo buộc này được thu thập như thế nào.

Chỉ là “bịa đặt”?

Tổng thống Assad bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Ông khẳng định các cáo buộc hôm 4-4 là hoàn toàn bịa đặt. Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin AFP, ông Assad nói toàn bộ kho vũ khí hóa học đã bị phá bỏ theo như các điều khoản trong thỏa thuận năm 2013.

“Không hề có lệnh tấn công, chúng tôi không có vũ khí hóa học, chúng tôi đã bỏ kho vũ khí này cách đây vài năm rồi. Mà ngay cả khi có chúng tôi cũng sẽ không sử dụng. Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong lịch sử của chúng tôi”, ông Assad nói.

Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Nga thì chất độc hóa học chết người ở Khan Sheikhoun được phát tán từ một kho vũ khí hóa học bị trúng đạn của phe chính phủ. Khu vực này đã bị kiểm soát bởi các nhóm bao gồm cả Hayat Tahrit al-Sham, nhóm này trước kia có quan hệ với Al-Qaeda.

Cả Nga và Iran đều kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện và không thiên vị những gì đã xảy ra ở Khan Sheikhoun, và khẳng định rằng chỉ có những nhóm phiến quân và Hồi giáo ở Syria mới có vũ khí hóa học.

Hùng Huỳnh
.
.
.