Những vụ giải cứu con tin "nổi cộm"

Thứ Năm, 06/07/2017, 15:56
Những con tin phương Tây bị bắt cóc tại nhiều nơi trên thế giới được chính phủ của họ giải cứu theo nhiều phương pháp khác nhau.

Bộ Ngoại giao Thụy Điển vừa thông báo, ông Johan Gustafsson, 42 tuổi, người bị Al-Qaeda bắt cóc ở Mali từ năm 2011 vừa được phóng thích.

Thông tin kể trên được Ngoại trưởng Thụy Điển thông báo hôm 26-6, sau khi ông Margot Wallstrom nói chuyện với ông Johan Gustafsson qua điện thoại.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Margot Wallstrom không cho biết chi tiết vụ phóng tích ông Johan Gustafsson đã được thương lượng như thế nào. Bởi ông Johan Gustafsson bị bắt cóc ở Timbuktu, miền bắc Mali từ tháng 11-2011 cùng với ông Stephen McGowan, người Nam Phi, và ông Sjaak Rijke, người Đức (có tài liệu nói là người Hà Lan).

Hơn 2 năm trước (tháng 4-2015), ông Sjaak Rijke được lực lượng đặc nhiệm Pháp giải cứu và số phận của ông Stephen McGowan hiện ra sao không ai biết. Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng từ chối bình luận về số phận của ông Stephen McGowan.

Theo giới truyền thông, tổ chức Al-Qaeda ở Maghreb (AQIM) tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc 3 người kể trên - tiến hành vụ bắt cóc từ sân thượng khách sạn nơi họ đang ở.

Theo giới truyền thông, sau một tuần bị nhóm Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) Colombia bắt, ngày 24-6, hai phóng viên Derk Johannes Bolt và Eugenio Ernest Marie Follender đã được phóng thích trong tình trạng sức khỏe tốt.

 
Các tay súng của nhóm phiến quân ELN tại Colombia.

Hai phóng viên người Hà Lan bị ELN bắt hôm 17-6 khi đang thực hiện chương trình truyền hình thực tế để tìm mẹ đẻ của 1 cô gái Colombia được một gia đình người Hà Lan nhận làm con nuôi.

Sau khi được thả, ông Derk Johannes Bolt khẳng định, được ELN đối xử tốt và thừa nhận đã sai lầm (sai lầm lớn nhất trong 25 năm làm nghề) khi vào khu vực Catatumbo, bang Santander Bắc, nơi có nhiều nhóm vũ trang đồn trú.

Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders đã xác nhận phóng viên Derk Johannes Bolt, 62 tuổi, và nhà quay phim Eugenio Ernest Marie Follender, 58 tuổi, được phóng thích hôm 24-6 và cảm ơn Chính phủ Colombia trong việc này.

Trước khi 2 phóng viên Hà Lan được phóng thích, có khá nhiều thông tin trái ngược nhau. Bởi ngày 23-6, ELN thông báo, có sai sót trong thông báo về việc thả 2 phóng viên Hà Lan.

Và trên Twitter, Chính phủ Colombia và ELN đều thông báo việc giao họ cho phái đoàn nhân đạo, với sự tham gia của Hội Chữ thập đỏ và Nhà thờ. Thậm chí Thống đốc bang Santander Bắc William Villamizar còn thông báo, việc thả 2 công dân Hà Lan có thể diễn ra trong ngày 22-6 (theo giờ địa phương).

Báo chí Colombia chỉ trích việc 2 phóng viên Hà Lan tới vùng có xung đột vũ trang bởi họ đã quá mạo hiểm khi đi vào khu vực này, nhưng không thông báo trước với nhà chức trách.

Sau khi bị ELN bắt (nghi ngờ mục đích công việc họ), Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos đã cảnh báo, hành vi này sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hòa đàm quốc gia.

Bởi bắt cóc con tin là một trong những chủ đề quan trọng trong đàm phán giữa Chính phủ với ELN để chấm dứt hơn 50 năm nội chiến. Trước đó (tháng 5-2017), ELN từng bắt cóc nhà báo Tây Ban Nha Salud Hernandez của tờ El Mundo cùng một số phóng viên Colombia, nhưng chỉ vài ngày sau họ đã được trả tự do.

10 ngày trước (23-6), tờ New York Times có bài viết nói về sự thất bại của đặc nhiệm Mỹ trong vụ giải cứu con tin Austin Tice. Trước khi trở thành nhà báo tự do (làm việc cho tờ Washington Post, McClatchy Newspapers, CBS ở Syria), ông Austin Tice từng là Đại úy thủy quân lục chiến, nên sau khi bị bắt làm con tin (tháng 8-2012 gần Thủ đô Damascus của Syria), CIA đã lập kênh liên lạc bí mật với lãnh đạo tình báo Syria. Không nước nào và cũng không tổ chức nào nhận đang giam giữ Austin Tice.

Tới năm 2016, Thứ trưởng Ngoại giao Syria tuyên bố với hãng AP rằng, Austin Tice không nằm trong tay chính quyền Syria và Damascus không có thông tin nào về người này.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, người ta báo cáo ý định giải cứu Austin Tice với chiến lược gia trưởng Stephen Bannon, và con rể Jared Kushner.

Thượng tuần tháng 2-2017, Giám đốc CIA Mike Pompeo đã điện đàm với ông Ali Mamlouk, Giám đốc Cục An ninh quốc gia (NSB) Syria, đề cập tới chuyện giải cứu con tin Austin Tice.

Đây là cuộc liên lạc cấp cao nhất giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Syria kể từ năm 2011. Giới chức Mỹ nghi ông Ali Mamlouk hoặc Thiếu tướng Bassam al-Hassan (cố vấn của Tổng thống Assad) biết Austin Tice đang ở đâu. 

Trong khi các nỗ lực đang diễn ra thì Mỹ cáo buộc Chính phủ Tổng thống Assad dùng vũ khí hóa học thảm sát dân thường ở miền bắc Syria hồi tháng 4. Sau đó là vụ phóng 60 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân Syria. Từ đó đến nay không ai có thông tin gì về hoạt động giải cứu con tin Austin Tice.

Thiện Lân
.
.
.