“Sứ mệnh hoa hồng” - giải cứu con tin nơi đất khách

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:32
Bâng khuâng vẫn đọng lại trong tôi khi kết thúc cuộc nói chuyện với anh Nguyễn Thành Luân, quê ở huyện An Dương, TP Hải Phòng. Cách đây gần 1 năm, em trai anh Luân là Nguyễn Văn Tưởng và mấy người bạn đã bị một băng nhóm tội phạm bắt cóc bên Trung Quốc, đánh đập, rồi tống tiền các gia đình 700 triệu đồng.

“Lực lượng Công an rất nhiệt tình và mưu trí. Nếu không có các anh, không biết em tôi sẽ ra sao. Bây giờ em đã trở về với gia đình và có cuộc sống ổn định ở Việt Nam…”- anh Luân cho biết.

Anh Luân vẫn nhớ rõ đó là ngày 25-4-2016. Khoảng 14h ngày 25-4, anh Luân nhận được điện thoại của em trai là Nguyễn Văn Tưởng từ một số điện thoại mã đầu Trung Quốc (Tưởng nói với gia đình đi với bạn sang Trung Quốc làm ăn từ ngày 1-4-2016).

Giọng hoảng sợ, Tưởng cho biết đang bị một băng nhóm tội phạm bắt cóc bên Trung Quốc, gia đình phải lo tiền để chuộc em ra. Tưởng nói chưa hết câu thì một người đàn ông đã giật điện thoại, tự xưng là kẻ bắt cóc, yêu cầu anh Luân sử dụng Webchat để kết bạn và nói chuyện với anh ta.

Gã bắt cóc gửi cho anh Luân hình ảnh Tưởng cùng 4 người phụ nữ khác bị trói tay, yêu cầu anh Luân liên lạc với người nhà của 4 người kia để gom đủ 700 triệu nộp cho bọn chúng. Chúng cho anh Luân thời điểm 3 ngày để nộp tiền, nếu không sẽ giết hết con tin để lấy nội tạng.

Chưa hết bất ngờ, anh Luân và mọi người trong gia đình tiếp tục đau đớn khi phải chứng kiến cảnh bọn bắt cóc đánh đập, dùng dao đe dọa người thân qua Webchat. “Chúng kề dao vào cổ em tôi, dí em sát gần với camera để cả nhà tôi nhìn thấy những vết thâm tím trên thân thể vì bị đánh đập, tra tấn. Là đàn ông mà tôi nhìn cũng không cầm lòng được, mẹ tôi khóc ròng..”- anh Luân bàng hoàng nhớ lại.

Các đối tượng yêu cầu gia đình anh Luân phải thể hiện thiện chí bằng cách chuyển trước cho chúng 170 triệu đồng vào ngày 26-4-2016. Gia đình anh Luân cũng đã chạy vạy gom tiền, định mang sổ đỏ đi cắm nhưng không thể có được số tiền như các đối tượng yêu cầu vào kỳ hạn 26-4.

Anh Luân đã nghĩ ra cách duy nhất cứu được em mình lúc này là nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng Công an. Sau khi nhận được trình báo của anh Luân, Công an TP. Hải Phòng đã đề nghị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp để giải cứu, đảm bảo an toàn tính mạng cho các con tin.

Nhiệm vụ phối hợp giải cứu con tin được lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự giao cho Phòng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài (Phòng 5). Đại úy Ngô Thị Trâm, cán bộ Phòng 5 là người được giao nhiệm vụ liên lạc với Công an Trung Quốc để phối hợp trong việc bắt giữ tội phạm, giải thoát con tin.

“Công việc lúc đó rất gấp gáp, vì các đối tượng cứ thúc ép gia đình nộp tiền chuộc người. Lúc 11h ngày 26-4-2016, chúng ra tối hậu thư cho gia đình nạn nhân là đúng 14h cùng ngày phải trả lời về việc có chuyển tiền chuộc người hay không, nếu không Tưởng sẽ bị cắt chân!”.

Đại úy Trâm liên tục liên lạc với phía Công an Trung Quốc để cung cấp thông tin và phối hợp việc truy tìm tội phạm. Ở phòng cạnh đó, một nhóm trinh sát khác có nhiệm vụ liên lạc, phối hợp với Công an TP Hải Phòng động viên tinh thần gia đình bị hại, hướng dẫn họ cách liên lạc với các đối tượng bắt cóc, các động thái, lời nói để trì hoãn việc giao nhận tiền cho Công an Trung Quốc có thời gian tìm ra hang ổ của chúng.

Các cán bộ Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an Trung Quốc bắt giữ một đối tượng phạm tội trốn bên Trung Quốc.

Với sự phối hợp chặt chẽ của Cục Cảnh sát hình sự, Công an TP Hải Phòng, ngày 28-4-2016, Công an Trung Quốc đã tìm ra ngôi nhà đang giam giữ anh Tưởng và các nạn nhân ở TP Đông Quản ở Quảng Đông, Trung Quốc; giải cứu được 7 nạn nhân, bắt giữ 8 đối tượng trong băng nhóm bắt cóc, tống tiền. Cầm đầu đường dây này là Vũ Văn Dũng, ở Bắc Giang, các đối tượng khác cũng là người Việt Nam.

Nhóm này đã vượt biên từ Việt Nam sang Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 2-2016, sau đó đến Phúc Kiến. Tại Phúc Kiến, các đối tượng biết được thông tin bắt cóc đồng hương người Việt Nam tại Trung Quốc có thể nhanh chóng kiếm được tiền nên tháng 4-2016, chúng đến TP Đông Quản thuê nhà, chuẩn bị dao, vải và các dụng cụ gây án khác.

Sau đó, bọn chúng đã lừa anh Tưởng và 6 người nữa đến rồi bắt cóc, lấy dây vải trói chân tay nạn nhân, đồng thời cầm dao dọa và đánh đập để ép nạn nhân khai thông tin liên lạc với người nhà. Sau đó, Dũng cùng đồng bọn bắt nạn nhân gọi điện về cho người nhà ở Việt Nam lấy tiền chuộc.

Sau một thời gian ở lại để giải quyết các thủ tục pháp lý liên quan tại Công an Trung Quốc, anh Nguyễn Văn Tưởng và các nạn nhân đã được đưa trở về Việt Nam. Ngày 12-4 vừa qua, khi chúng tôi liên lạc với gia đình anh Tưởng tại Hải Phòng, anh Tưởng đang đi làm bên ngoài.

Anh Nguyễn Thành Luân, người đã phối hợp với lực lượng Công an giải cứu cho em mình nơi đất khách vẫn khống giấu được sự cảm phục đối với lực lượng Công an Việt Nam: “Trong lúc gia đình khó khăn, hoang mang nhất, các anh Công an đã luôn ở bên động viên và hướng dẫn chúng tôi. Dù vụ việc nằm bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, các anh vẫn rất nhiệt tình, không nề hà và rất giỏi khi cứu được em tôi an toàn trở về…”.

Bẵng đi một thời gian sau, các cán bộ trực ban của Cục Cảnh sát hình sự lại được “đón tiếp” một người đàn ông trung niên, dáng vẻ khắc khổ đến trình báo việc con bị bắt cóc bên Trung Quốc. Nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt. Ông cho biết mình tên là Cao Đình Lâm, quê tận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông có con trai đang bị bắt cóc, đe dọa tính mạng bên Trung Quốc, khẩn thiết xin Cục Cảnh sát hình sự giải cứu.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, ông Lâm được đưa lên gặp các trinh sát của Phòng 5. Đưa ông cốc nước mát, các trinh sát đã động viên tinh thần người cha đang bấn loạn vì đứa con bị đe dọa tính mạng.

Ông Lâm cho biết, con trai ông tên là Cao Đình Tuân đang bị một nhóm người bắt cóc bên Trung Quốc, chúng đã gửi qua zalo máy điện thoại của vợ Tuân những hình ảnh Tuân bị còng tay, đánh đập, gây thương tích. 

Đầu tiên chúng đòi số tiền chuộc người là 100 triệu đồng, sau vì biết gia cảnh của ông Lâm khó khăn nên chúng cho rút xuống 50 triệu đồng. Nhưng 50 triệu đối với một gia đình thuần nông như ông Lâm thì cũng không biết kiếm đâu ra? Đang trong tình trạng bĩ cực ấy, ông được một người quen hướng dẫn lên Hà Nội trình báo với Cục Cảnh sát hình sự.

5 ngày trời ở Hà Nội, cứ sáng sớm ông lại có mặt ở Cục Cảnh sát hình sự, phối hợp với các cán bộ Phòng 5 để có những thông tin liên lạc với nhóm bắt cóc bên Trung Quốc.

“Các cán bộ rất nhiệt tâm với gia đình, động viên tôi và làm việc không ngưng nghỉ vì sự an toàn của con trai tôi. Dù một giờ trôi qua con trai chưa được giải cứu ruột tôi vẫn nóng như lửa, nhưng tôi đã vững tin rất nhiều khi được các cán bộ Công an ở đây động viên và nhìn thấy họ khẩn trương, trách nhiệm với việc phối hợp giải cứu con mình”- ông Lâm cho biết.

Khi Đại úy Ngô Thị Trâm, người trực tiếp liên lạc với Công an Trung Quốc buông điện thoại, thông báo: Công an Trung Quốc đã giải cứu an toàn được nạn nhân Cao Đình Tuân tại một ngôi nhà hoang nằm trong rừng cách San Thầu, Tá Hảo, Quảng Đông, Trung Quốc khoảng 20km, bắt giữ 9 đối tượng trong nhóm bắt cóc, niềm vui tràn ngập trong căn phòng làm việc của Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự.

Các lãnh đạo Phòng 5 có mặt đều bắt tay chúc mừng ông Lâm, có trinh sát trẻ còn ôm vai ông Lâm tinh ngịch: “Chúc mừng bố!”. Mắt nhòe đi vì xúc động, ông Lâm bịn rịn chia tay những trinh sát, mà trước đó ông không hề biết, giờ như những người thân trong gia đình, để trở về quê.

Những ngày cuối tháng 4-2017 này, cả gia đình ông Lâm đang chờ đợi cậu con trai Cao Đình Tuân từ Trung Quốc trở về Việt Nam.

T.Hòa
.
.