NATO chia rẽ
- NATO thẳng thừng bác đề nghị gia nhập của Qatar
- Chịu nhiều áp lực từ khu vực, Qatar nói muốn gia nhập NATO
- NATO tuyên bố sốc về khả năng can dự khi Iran tấn công Israel
Mỹ đang chuẩn bị một loạt các yêu cầu cứng rắn cho các nước đồng minh NATO, trong đó có việc tăng chi phí để phát triển quốc phòng và ngăn chặn Nga. Washington sẽ đưa ra các yêu cầu này với các nước thành viên NATO trong Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussel vào tháng 7 tới đây, Nhà Trắng cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia đánh giá thì để đạt được sự đồng tình về thỏa thuận này và đưa ra kết quả thì có vẻ như không mấy khả quan. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay sẽ diễn ra vào ngày 11 và 12-7 tại Brussel, tuy nhiên ngay trung tuần tháng 6 tại Hội đồng Atlantic, đại diện của chính quyền Donald Trump đã vạch ra 3 hướng ưu tiên chính của Mỹ xây dựng cho diễn đàn được tổ chức 2 năm một lần này, gồm: gia tăng chi phí cho quân sự, ngăn cản sức mạnh quân sự của Nga, và chống khủng bố.
Bức ảnh "để đời" tại G7 khi Tổng thống Mỹ D.Trump có quan điểm khác biệt với các lãnh đạo còn lại của G7, trong đó có các thành viên NATO. |
Nhiệm vụ đầu tiên được Tổng thống Trump nhiều lần đưa ra là các quốc gia thành viên phải chi ít nhất 2% tổng GDP của họ cho quốc phòng. Năm 2014, chỉ có 3 nước thuộc NATO chi 2% tổng GDP cho phát triển quốc phòng. Năm 2018, con số đó tăng lên 8 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp, Latvia, Tithuania và Rumania.
Và 7 nước thành viên NATO hứa sẽ tăng đầu tư quốc phòng của họ đạt mức yêu cầu đến năm 2024. Ngoài yêu cầu tăng chi phí quốc phòng, Tổng thống Trump còn yêu cầu các nước tăng kinh phí cho hoạt động chống khủng bố, đặc biệt là Iraq, Afghanistan, đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các chi nhánh của nó.
Trước đó, trong cuộc họp Nội các Mỹ ngày 17-5, Tổng thống Trump từng dọa sẽ “xử lý” các thành viên NATO không đóng góp đủ 2% GDP cho liên minh. Ông Trump nhấn mạnh Đức là quốc gia “không đóng góp những khoản đáng ra Berlin nên đóng góp và được hưởng lợi rất nhiều”.
“Đức nên thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong liên minh bằng cách đóng thêm những khoản chi phí quốc phòng thiếu hụt”, ông Trump nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hôm 14-5 cho biết Berlin sẽ chỉ tăng tỉ lệ nói trên lên 1,5% trong 7 năm tới. Bà Von der Leyen cho rằng tài chính không nên là tiêu chí chủ đạo của khối và nhấn mạnh Đức vẫn là quốc gia có đóng góp lớn thứ 2 trong NATO.
Quan hệ giữa Mỹ và Đức đang gặp một số vướng mắc nhất định vì sự khác biệt trong chiến lược. Trong khi Đức đang dẫn đầu EU nhằm chống lại quyết định tăng thuế suất nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, thì Washington dường như đang gây áp lực để Đức hủy dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga. Việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng là một vấn đề khiến Đức “phật lòng”. Bà Merkel cho rằng châu Âu phải tự quyết định số phận của mình và không thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ thêm nữa.
Theo truyền thống, chủ đề về Nga cũng sẽ nằm trong chương trình hội nghị thượng đỉnh. Nga chính là thách thức mà thông qua đó dễ dàng nhận thấy tính nguyên khối của liên minh NATO. Với sự phát triển về quân sự của Nga hiện nay đang tạo ra một số đe dọa cho vị trí bá quyền về sức mạnh quân sự của Mỹ. Và điều đó càng thúc đẩy người đứng đầu nước Mỹ tìm cách đề kìm hãm sự phát triển của Nga.
Hôm 11-6, khi đang ở Singapore, ông Trump tiếp tục đẩy mâu thuẫn tăng cao khi liên tục đăng tải những dòng tweet trên Twitter chỉ trích các thành viên NATO. “Mỹ đang phải chi trả nhiều chi phí cho NATO để bảo vệ nhiều nước mà sau đó chính họ lại quay sang chỉ trích chúng tôi”, ông Trump viết.