Sức mạnh tàu ngầm Mỹ-Nga-Trung

Mỹ và đội tàu siêu khủng

Thứ Sáu, 20/04/2018, 17:09
Mặt trận dưới nước được xem có vai trò sống còn hàng thứ hai trong các cuộc chiến tranh hiện đại, chỉ sau mặt trận phòng không. Có lẽ đó là lý do khiến các cường quốc quân sự hiện nay đều chú ý phát triển sức mạnh của Hải quân, đặc biệt qua khí tài quân sự chiến lược tàu ngầm.


Mỹ được cho là nước có chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới từng dùng trong chiến đấu, tàu Turtle (Con rùa). Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Lầu Năm Góc đang dẫn đầu thế giới về sức mạnh quân sự dưới mặt nước, với đội tàu ngầm lên đến 72 chiếc, mỗi chiếc có giá không dưới 5 tỷ USD.

3 loại, 4 lớp

Có 3 loại tàu ngầm chính trong Hải quân Mỹ: tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa hành trình. Tất cả các tàu ngầm thuộc Hải quân Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

3 loại tàu ngầm của Mỹ được chia thành 4 lớp chính: lớp Ohio, Virginia, Seawolf và Los Angeles. Trong đó, đội tàu ngầm lớp Ohio hiện có 18 chiếc, gồm 14 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSBNs) có khả năng mang 154 tên lửa Tomahawk có thể mang đầu đạn quy ước hoặc đầu đạn hạt nhân và 4 tàu ngâm hạt nhân tên lửa hành trình (SSGNs). Những chiếc Ohio đang hoạt động được đóng trong giai đoạn 1976-1997. 

Theo ước tính, giá xuất xưởng của mỗi chiếc Ohio vào khoảng 2 tỷ USD. Khác với các tàu ngầm diezel-điện, tàu ngầm hạt nhân hầu như không phải tiếp nhiên liệu (ước tính 20 năm mới phải thay thanh hạt nhân) nên khả năng hoạt động của nó ở dưới nước có thể nói là vô hạn, giới hạn chỉ là do con người (nhu cầu thức ăn, nước uống, y tế...). 

Thường người ta có thể mang đủ thức ăn nước uống cho thủy thủ đoàn trong khoảng 70-90 ngày. Vì nguồn năng lượng dồi dào, nên tàu ngầm hạt nhân có thể liên tục quét sóng sonar để phát hiện tàu ngầm khác.

Tàu ngầm lớp Virginia (SSN-774) là tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh được phát triển từ năm 2000, là loại hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. Lớp tàu ngầm này được thiết kế như là một thay thế cho lớp tàu ngầm tấn công Seawolf, cũng như để thay thế các tàu ngầm lớp Los Angeles đã cũ. Tàu Virginia được thiết kế để đáp ứng cả các yêu cầu về quân sự và tiết giảm chi phí, với giá xuất xưởng khoảng 2,7 tỷ USD. 

Hiện Mỹ có 10 chiếc tàu ngầm lớp Virginia đang hoạt động và dự định sẽ đóng thêm 20 chiếc nữa. Tàu ngầm lớp Virginia được tích hợp những cải tiến chưa từng có trong các lớp tàu ngầm trước đó cũng như các lớp tàu ngầm khác hiện nay. 

Lớp tàu ngầm này sử dụng 2 cột kính lượng tử ánh sáng thay vì kính tiềm vọng truyền thống. Nó cũng sử dụng bộ phận đẩy bơm phun để có thể hoạt động êm hơn và nhanh hơn.

Các tàu ngầm lớp Seawolf là tàu ngầm năng lượng hạt nhân tấn công nhanh (SSN) nhằm thay thế lớp Los Angeles và được đặt hàng sau Chiến tranh lạnh vào năm 1989. Lúc đầu, Hải quân Mỹ đặt hàng tới 29 chiếc Seawolf trong vòng 10 năm, nhưng sau đó bị giảm xuống còn 12 chiếc (với giá 33,6 tỷ USD) vì ngân sách thu hẹp. 

Về sau, căng thẳng ngân sách lại khiến đội tàu Seawolf bị giảm xuống chỉ còn 3 chiếc và sau đó Mỹ thiết kế lớp tàu ngầm Virginia nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí. Tàu ngầm Seawolf lớn hơn, nhanh hơn và êm hơn so với các tàu ngầm lớp Los Angeles trước đó. Nó cũng có thể mang nhiều vũ khí hơn và có số ống phóng ngư lôi gấp đôi, với 8 ống. 

Thiết kế tiên tiến làm lớp tàu ngầm này đắt đỏ hơn vì chúng được dự định để chống lại các mối đe dọa của một số tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớn của Liên Xô như tàu ngầm lớp Typhoon và tàu tấn công như lớp Akula trong môi trường đại dương sâu thẳm.

USS Louisiana (SSBN 743), chiếc tàu ngầm lớp Ohio được đóng cuối cùng của Mỹ.

Lớp Seawolf sử dụng một hệ thống chiến đấu tiên tiến AN/BSY-2 ARCI bao gồm hệ thống quét sonor hiện đại với tầm quét rộng hơn. Mỗi tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân S6W. 

Dù cũ kỹ, lớp Los Angeles (còn gọi lớp 688) được xem là lớp tàu ngầm “xương sống” của Mỹ, với đội tàu lên đến 43 chiếc đang hoạt động. Đây cũng là lớp tàu ngầm hạt nhân đông đúc nhất trên thế giới đang hoạt động. 

Trong lớp này cũng được chia thành 2 “đời”. Đời mới hơn được biết đến với tên 688i, gồm 23 chiếc. 688i chạy êm hơn so với đời cũ và được tích hợp một hệ thống chiến đấu tiên tiến hơn. Tàu 688i được thiết kế đặc biệt cho việc hoạt động dưới các vùng biển băng dày.

Kế hoạch mở rộng

Năm 2013, Hải quân Mỹ đã được cấp ngân sách 564 triệu USD cho việc tiếp tục tiến hành nghiên cứu phát triển “Chương trình thay thế Ohio” (ORP). Chương trình này nhằm thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trang bị tên lửa đạn đạo hiện có của Mỹ bằng 12 tàu thế hệ mới hiện đại hơn.

Chiếc đầu tiên của lớp Ohio dự kiến sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2029, có nghĩa là một tàu thay thế phải được đưa vào hoạt động lúc đó để có thể duy trì sức mạnh dưới mặt nước. Việc thay thế có thể tốn hơn 4 tỷ USD cho mỗi chiếc so với 2 tỷ USD/chiếc Ohio. 

Hiện Hải quân Mỹ đang phân vân giữa 2 hướng thay thế: dùng lớp Virginia cải tiến hoặc một loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo mới hoàn toàn hoặc dựa trên cơ sở lớp Ohio. 

Năm 2007, Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với Electric Boat về việc thiết kế một loại tên lửa mới cho tàu thay thế lớp Ohio, trị giá 592 triệu USD. Cho đến nay, Hải quân Mỹ vẫn chưa xác nhận chương trình thay thế Ohio, nhưng giới thạo tin cho rằng việc thiết kế tàu thay thế lớp Ohio đã được bắt đầu từ năm 2014.

Một chương trình khác cũng được nhắc đến là việc dùng các tàu diezel-điện hiện đại để bổ sung cho các đội tàu hạt nhân hiện có. Tại sao phải chuyển hướng sang tàu diezel-điện? 

Lý do đầu tiên là ngân sách hạn hẹp. Chi phí đóng một chiếc tàu ngầm tấn công chạy diezel-điện rẻ hơn từ 60-85% so với một chiếc chạy năng lượng hạt nhân. 

Lý do thứ hai, tàu ngầm diezel-điện có kích thước nhỏ nên rất khó bị phát hiện và tiêu diệt trong vùng biển cạn ven bờ, khiến chúng có ưu thế hơn các tàu hạt nhân trong môi trường này. 

Nếu gặp xung đột trong tương lai chống lại Hải quân CHDCND Triều Tiên hoặc Iran, Mỹ nhiều khả năng phải chiến đấu ở vùng biển ven lãnh thổ của họ, bởi những nước này hầu như chỉ có tàu ngầm diezel-điện. 

Đội tàu ngầm của Trung Quốc, một thế lực quân sự dưới nước đáng gờm của Mỹ ở Thái Bình Dương, cũng chủ yếu là tàu diezel-điện hiện đại.

(Còn tiếp)

Văn Cường
.
.
.