Mỹ mạnh tay với ngân hàng
- Giá dầu thô tăng vọt sau quyết định giải cứu Citigroup
- Hồ sơ Panama tố 365 ngân hàng gồm “ông lớn” HSBC và Credit Suisse rửa tiền
- Mỹ điều tra khoản lỗ 2 tỷ USD của Ngân hàng JP Morgan
Citigroup bị phạt sau khi CFTC xác định, chi nhánh của Citigroup tại Nhật Bản đã tìm cách thao túng lãi suất liên ngân hàng Anh (Libor) trong năm 2010, và có hành vi thao túng ISDAFIX - giá trị tham chiếu phổ biến thường được sử dụng để xác định tỷ lệ hoán đổi lãi suất cố định liên ngân hàng.
Giới kinh tế cho rằng, Libor là chỉ số lãi suất chính và quan trọng nhất của thế giới với khoảng 10.000 tỷ USD các khoản vay và khoảng 350.000 tỷ USD hoạt động phái sinh đang gắn chặt với nó. Theo CFTC, Citigroup còn bị buộc tội không đưa ra thông tin xác thực vào năm 2008-2009, sau khi ngân hàng này được nhận khoản ngân sách trong chương trình giải cứu các ngân hàng của Chính phủ Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.
Từ những tiết lộ trong "Hồ sơ Panama"
Citigroup với hơn 200 năm tồn tại, phát triển và luôn tự hào là ngân hàng lớn thứ ba về giá trị tài sản của Mỹ và là một trong những trung tâm tài chính và ngân hàng hàng đầu thế giới. Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Citigroup là tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị tài sản cùng 357.000 nhân viên.
Citigroup hiện có chi nhánh hoạt động ở 101 quốc gia, và xử lý các giao dịch trị giá 3.000 tỷ USD/ngày. Khách hàng nước ngoài chiếm hơn 50% số tài khoản tiền gửi của Citigroup. Hơn 9 tháng trước (17-8-2015), Citigroup đã chấp nhận nộp phạt 180 triệu USD cho Chính phủ Mỹ để kết thúc vụ điều tra liên quan đến việc 2 đơn vị trực thuộc cố tình bưng bít thông tin, đưa ra những đánh giá sai lệch đối với các quỹ cho vay để thu lời phi pháp - đã thu gần 3 tỷ USD tiền bán cổ phiếu cho 4.000 nhà đầu tư sau khi tuyên bố mua cổ phiếu của 2 quỹ đầu tư ASTA/MAT và Falcon là khoản đầu tư an toàn, tính rủi ro thấp tương tự như mua trái phiếu chính phủ.
Tập đoàn Citigroup đang đối mặt với nhiều khó khăn. |
Nhưng trên thực tế, cả 2 quỹ này đều sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Trước đó (14-7-2014), Citigroup cũng đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chức năng để chấm dứt những vụ điều tra tới việc bán chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp. Theo đó, Citigroup chấp nhận trả 4,5 tỷ USD tiền mặt và 2,5 tỷ USD dưới dạng hỗ trợ những người vay đang gặp khó khăn.
Trong số những ngân hàng Mỹ bị điểm danh sau khi "Hồ sơ Panama" tiết lộ thông tin, có Citigroup, Bank of America, Wells Fargo, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Goldman Sachs. Một số ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Mỹ như HSBC, Barclays, Deutsche Bank, BNP Paribas, Societe Generale, ABN Amro, Credit Suisse và UBS cũng bị "Hồ sơ Panama" réo tên.
Theo tờ Le Monde, có 365 ngân hàng trên thế giới đã sử dụng dịch vụ của Công ty luật Mossack Fonseca và nghị viện châu Âu có thể sẽ thành lập ủy ban để điều tra "Hồ sơ Panama". Theo tài liệu của Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ), Ngân hàng HSBC từng sử dụng hệ thống ngân hàng ở Thụy Sĩ để che giấu danh tính cho chủ tài khoản, và hoạt động này đã giúp họ thu lời khủng trong nhiều năm.
ICIJ cho rằng, thông qua chi nhánh tại Thụy Sĩ, HSBC đã giúp nhiều khách hàng là những kẻ buôn lậu vũ khí, trốn thuế, giới chính trị gia, người nổi tiếng... che giấu số tiền trị giá hơn 100 tỷ USD.
Theo mạng tin Toronto Star và CBC, sau khi "Hồ sơ Panama" được đăng tải, Royal Bank of Canada (RBC), ngân hàng lớn nhất Canada, đã đồng ý chuyển cho chính phủ nước này danh sách các khách hàng có "quan hệ hoặc liên hệ" với Công ty luật Mossack Fonseca. Và cơ quan Thuế Canada (CRA) đã kiện RBC nhằm buộc ngân hàng này phải đáp ứng yêu cầu của họ. Theo giới truyền thông, CRA đang có trong tay ít nhất 40 đối tượng có liên quan đến Mossack Fonseca và sẽ trừng trị họ, nếu thu thập đủ chứng cứ.
Ngân hàng HSBC của Anh. |
Và theo Tổ chức vận động chống đói nghèo (Oxfam có trụ sở tại London, Anh), có 50 tập đoàn, công ty lớn nhất của Mỹ (như Ngân hàng Goldman Sachs) đang kiểm soát khoảng 1.400 tỷ USD trong các tài khoản ở nước ngoài để tránh phải trả hàng tỷ USD tiền thuế ở Mỹ.
Theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama", số công ty vỏ bọc cùng tổ chức, cá nhân có liên quan tới Mỹ là 6.254 và 7.325. Nhưng mấy ngày trước (24-5), Tòa phúc thẩm tại New York (Mỹ) đã miễn nghị án phạt 1,3 tỷ USD đối với Ngân hàng Bank of America (BofA) do không tìm thấy đủ bằng chứng để kết luận BofA phạm lỗi gian dối liên quan đến tín dụng thế chấp bất động sản.
Phán quyết này làm đảo ngược phán quyết được đưa ra hồi tháng 10-2013, trong đó buộc tội BofA đã cố ý lừa gạt Fannie Mae và Freddie Mac, 2 doanh nghiệp tín dụng địa ốc lớn, để họ mua các khoản nợ thế chấp nhà dưới tiêu chuẩn.
Năm 2014, Ngân hàng Goldman Sachs cũng từng phải chi 3,2 tỷ USD để giải quyết các cáo buộc tương tự đối với Fannie Mae và Freddie Mac. Thẩm phán Toà phúc thẩm Richard Wesley cho rằng, những bằng chứng thu thập được chỉ đủ để chứng minh, BofA cố ý vi phạm điều khoản hợp đồng yêu cầu bán các khoản vay (dưới tiêu chuẩn), chứ không đủ để cáo buộc họ gian lận.
Tới các ngân hàng "dính chàm"
Ngày 23-5, Thẩm phán Dennis Jacobs thuộc Tòa án liên bang Mỹ đã quyết định tái xét xử vụ kiện đối với 16 ngân hàng lớn nhất thế giới, khi thông đồng thao túng lãi suất vay liên ngân hàng toàn cầu ngắn hạn, từng bị bác bỏ trước đó.
Theo đó, 16 ngân hàng kể trên sẽ phải bồi thường hàng tỷ USD do hành vi thao túng Libor. Ủy ban châu Âu cũng từng phạt 2,3 tỷ USD đối với 6 ngân hàng hàng đầu của Mỹ và châu Âu vì tội thao túng chuẩn lãi suất chủ chốt và đó là mức phạt lớn nhất đối với ngân hàng (tính tới thời điểm đó) vì tội thao túng lãi suất. Cả 6 ngân hàng kể trên bị phát hiện thao túng 3 chuẩn lãi suất, trong đó có Libor. Ủy ban kiểm soát cạnh tranh thị trường Thụy Sĩ (COMCO) từng điều tra 7 ngân hàng bị tình nghi thông đồng ấn định giá trên thị trường kim loại quý.
20 ngày trước (11-4), Bộ Tư pháp thông báo, Ngân hàng Goldman Sachs sẽ phải trả 5,1 tỷ USD tiền phạt và đền bù thiệt hại, để giải quyết các cáo buộc liên quan tới hành vi tiếp thị các trái phiếu được thế chấp có chất lượng kém trong giai đoạn 2005-2007.
Vụ việc này liên quan tới việc Goldman Sachs phát hành và bán các trái phiếu/chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp cùng các tín phiếu liên quan tới thị trường nhà đất, trong khi các tài sản này có giá trị thấp và rủi ro cao.
Gần 1 năm trước (17-6-2015), tờ The Wall Street Journal cho biết, 4 ngân hàng lớn trên thế giới gồm Goldman Sachs, BNP Paribas, Barclays và HSBC đã đạt thỏa thuận riêng rẽ (thông qua Công ty luật Scott & Scott và Hausfeld) trong vụ kiện cáo buộc những đại gia tài chính này có hành vi lũng đoạn tỷ giá hối đoái để trục lợi. Và tổng số tiền phạt đối với 4 ngân hàng kể trên gần 900 triệu USD.
JP Morgan là một trong 5 ngân hàng đối mặt với án phạt. |
Trước đó, Ngân hàng Morgan Stanley công bố kết quả nghiên cứu đối với 5 ngân hàng lớn nhất của Mỹ và 20 ngân hàng hàng đầu châu Âu, theo đó 25 ngân hàng kể trên đã tốn khoảng 260 tỷ USD cho các khoản kiện tụng và còn phải chi khoảng 65 tỷ USD trong 2 năm tới xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Các khoản chi kể trên liên quan tới những vụ kiện, từ thao túng tỷ giá hối đoái đến chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp ở Mỹ...
Hơn 1 năm trước (20-5-2015), 5 ngân hàng lớn nhất thế giới (JP Morgan, Citigroup, Barclays, Royal Bank và UBS) từng đối mặt với án phạt lên tới 5 tỷ USD vì bị cáo buộc thao túng thị trường tiền tệ. Trước đó (3-11-2014), JP Morgan cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu ngân hàng này cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch ngoại hối giao ngay cũng như việc quản lý các hoạt động này. JPMorgan là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với tổng giá trị tài sản 2.509 tỷ USD.
Cuối tháng 11-2013, JP Morgan đã phải nộp phạt 13 tỷ USD do bán chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp dưới chuẩn, một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Gần 7 năm trước (18-8-2009), Bộ Tư pháp Mỹ từng khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm, khi quyết định điều tra ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS vì bị nghi ngờ giúp trốn thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ USD. Cuộc điều tra khi đó được tiến hành theo đơn kiện có liên quan đến việc kết án Bradley Birkenfeld, nhân viên của UBS, người đã cung cấp nhiều thông tin cho cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về hoạt động trốn thuế của ngân hàng này kể từ đầu năm 2009.
Bradley Birkenfeld từng thừa nhận, đã giúp trùm bất động sản Igor Olenicoff gửi 200 triệu USD vào một ngân hàng mà không phải đóng thuế. Và từ đầu năm 2009, Mỹ đã yêu cầu UBS cung cấp thông tin của 52.000 khách hàng, chủ của những tài khoản có tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD bị nghi ngờ trốn thuế. UBS không những là ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, mà còn là một trong những ngân hàng lớn và có uy tín nhất thế giới, nhưng từng thua lỗ hàng tỷ USD trong năm 2008.
Giới chức Thụy Sĩ đã phát hiện hàng ngàn tài khoản ngân hàng vô thừa nhận suốt 5 thập kỷ qua ở nước này. Tài khoản vô thừa nhận từng là đề tài nhạy cảm ở Thụy Sĩ sau khi tổ chức Đại hội Do Thái thế giới vận động các ngân hàng Thụy Sĩ trả lại tài sản của những nạn nhân bị Đức quốc xã thảm sát. Theo đạo luật đã được quốc hội và chính phủ Thụy Sĩ phê chuẩn, các ngân hàng phải công bố thông tin về các tài khoản đã được mở cách đây 60 năm, nhưng chưa có người nhận. Nếu không tìm được người thừa hưởng hợp pháp các tài khoản vô thừa nhận (từ 500 Franc Thụy Sĩ), số tài sản này sẽ được giao cho chính phủ. |