Mạng xã hội: Lỗ hổng của an ninh quân sự
- Quân đội Nga nã pháo chống tăng vào giếng dầu ở Siberia để dập lửa
- Quân đội Nga chặn đường, xua đuổi lính Mỹ ở Tây Bắc Syria
- Quân đội Nga tiến vào kiểm soát căn cứ Mỹ ở Manbji
Trong những năm gần đây, các loại hình tội phạm diễn ra trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thật không khác gì "nấm sau nưa". Và hình thức hoạt động của loại tội phạm này cũng ngày một trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Đó là từ buôn bán hàng cấm cho đến việc giả mạo nhân thân để lừa đảo, những tên tội phạm đang sử dụng mạng xã hội theo đủ mọi cách khác nhau để phục vụ mục đích trục lợi của chúng.
Vấn nạn nhức nhối trên cho thấy đây quả là một xu hướng nguy hiểm trong bối cảnh mạng xã hội đã - đang có xu hướng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, cứ như thể cơm ăn áo mặc với họ vậy. Ngay cả quân đội một số quốc gia trên thế giới cũng đang chịu ảnh hưởng của tội phạm trên mạng xã hội, và trong nhiều trường hợp thiệt hại mà họ phải hững chịu thật khó có thể đong đếm cho hết được.
Binh sĩ Nga hiện đã bị cấm sử dụng điện thoại thông minh để chụp hình. |
Còn nhớ, hồi năm 2012, khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra, quân đội Nga đã bí mật cử một số đơn vị vượt biên giới sang Ukraine để hỗ trợ cho lực lượng trung thành với tổng thống Viktor Yanukovych giành lấy chính quyền. Trong khi đó, trước cộng đồng quốc tế, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga chưa hề điều động quân sang Ukraine. Bí mật này đáng lẽ ra đã được giữ kín nếu không vì binh nhất Alexander Sotkin.
Alexander sở hữu một tài khoản trên mạng xã hội Instagram để thường xuyên đăng ảnh về cuộc sống trong quân ngũ của mình. Trong số những bức ảnh mà anh chàng binh nhất ấy tải lên mạng xã hội, có một số bức được chụp đơn vị của Alexander đóng tại hai ngôi làng Krasna Talycha và Krasny Derkul bên kia biên giới Ukraine.
Máy ảnh hiện đại có chức năng tự động đánh dấu tọa độ mà bức hình được chụp, vậy nên không có gì là khó để báo chí phương Tây xác định được vị trí đơn vị quân Nga, xóa bỏ mọi nghi ngờ về sự hiện diện của quân đội Nga tại Ukraine. Sự thật bị phanh phui cho nên đã lâu lắm rồi Tổng thống Putin mới phải một phen chịu mất mặt trên trường ngoại giao quốc tế như vậy.
Việc binh sỹ làm lộ bí mật quân sự trên mạng xã hội không chỉ xảy ra ở Nga, mà còn ở Mỹ, Anh, Australia, Pháp, v.v… Binh sỹ, suy cho cùng cũng chỉ là những con người bằng da bằng thịt như mọi công dân khác trên trái đất. Vì thế bản thân họ cũng có nhu cầu chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh trong cuộc sống thường ngày của mình trên Facebook, Twitter, Instagram, v.v…
Theo một cách nào đó đây còn là cái cách để binh sỹ có cơ hội mượn công nghệ thông minh để mà "xả hơi" sau một ngày "đổ mồ hôi sôi nước mắt" luyện tập trầy vẩy trên thao trường. Tuy vậy, vấn đề ở đây là họ không nhận thức rõ tầm quan trọng của những gì mà mình chia sẽ trên mạng xã hội.
Quân đội một số nước đã tiến hành các thử nghiệm để chứng minh sự thiếu hiểu biết của binh sỹ về mạng xã hội, đơn cử như cuộc tập trận Hamel của Lực lượng Phòng vệ Australia diễn ra năm 2016. Người ta đã thực hiện việc kiểm tra tài khoản mạng xã hội của 680 binh sỹ, sỹ quan xem có thể khai thác được thông tin nào về nhân thân, gia đình họ hay không.
Kết quả là cả 680 người đều làm lộ thông tin, trong đó còn có cả các bí mật quân sự như vị trí đóng quân và quân số. Những người kiểm tra có được thông tin nói trên mà không cần phải thực hiện hack hay tấn công mạng làm gì. Họ chỉ cần dành vài tiếng đồng hồ để đọc qua các bài post trên tài khoản mạng xã hội của binh sỹ rồi tổng hợp thông tin thu được.
Sớm nhận ra tiềm năng tình báo của mạng xã hội, một số lực lượng vũ trang đã sớm thành lập những lực lượng, kế hoạch tác chiến online trên Twitter, Instagram, Facebook, v.v… Một trường hợp như thế đã xảy ra gần đây giữa quân đội Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine.
Lực lượng Phòng vệ Israel có quy định rất chặt chẽ trong việc tiết lộ thông tin. Binh sỹ không được chụp ảnh hay ghi lại bất cứ thứ gì về các chủ đề liên quan đến quân đội, trừ khi được sự cho phép của chỉ huy. Hamas vì vậy đã buộc phải tìm đến mạng xã hội để khai thác thông tin đối phương.
Điện thoại thông minh và mạng xã hội có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả các chiến trường xa xôi. |
Hồi đầu năm 2018, một số binh sỹ trong Lực lượng Phòng vệ Israel nhận được bức ảnh của những cô gái xinh đẹp cùng với lời mời kết bạn qua một mạng xã hội mới. Sau khi tải ứng dụng về máy, điện thoại của họ đồng thời bị Hamas bí mật hack nắm quyền kiểm soát.
Vậy là ngoài việc binh sỹ để lộ thông tin cá nhân cho Hamas qua "những cô gái", mà Hamas còn có thể biến điện thoại của họ thành máy nghe lén, máy định vị bất kỳ lúc nào họ muốn. Phải nhiều tháng sau đó bộ chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel mới phát hiện ra chân tướng sự việc. Các binh sỹ thì "ngã ngửa" ra khi biết cô gái mà mình kết bạn sử dụng toàn những bức ảnh giả lấy từ mạng xã hội của phụ nữ Do Thái trên toàn thế giới.
Cũng giống như Hamas, ISIS cũng sớm tỏ ra nhạy bén trên chiến trường mạng xã hội. Chúng lập ra một nhóm gọi là Cục Tác chiến Điện tử Nhà nước Hồi giáo. Một trong những nhiệm vụ của nhóm này là thu thập thông tin về gia đình binh sỹ Mỹ tham chiến tại Iraq, rồi đăng những thông tin này lên mạng. Mục đích của chúng là những phần tử cực đoan tại Mỹ sẽ đọc những thông tin này rồi tự mình tổ chức tấn công người nhà binh sỹ.
Đã có trường hợp vợ của một hạ sỹ quan bị hai tên khủng bố đâm chết sau khi chúng tìm ra địa chỉ nhà cô trong bản danh sách của ISIS. Tuy Bộ Quốc phòng Mỹ đã "đánh sập" website của ISIS, nhưng bản danh sách đã kịp phán tán giữ các phẩn tử cực đoan, gây ra một mối lo sợ luôn thường trực đối với những gia đình quân nhân Mỹ.
Cuối cùng thì quân đội các nước cũng đã nhận thức ra được sự cần thiết của việc bảo vệ binh sỹ khỏi mạng xã hội. Bộ Quốc phòng Mỹ hồi này năm ngoái đã ra thông cáo khuyến khích binh sỹ Mỹ xoá tài khoản mạng xã hội của mình và tắt điện thoại thông minh trừ khi thật sự cần thiết. Các sỹ quan hiện đã có quyền tước điện thoại của binh sỹ vô thời hạn nếu họ cảm thấy cần thiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Jack Kirby đã có phát biểu về thông cáo này trước báo chí như sau: "Chúng tôi biết rõ là các nhóm khủng bố như ISIS đang theo dõi chặt chẽ mạng xã hội để thu thập thông tin tình báo, và hiện chúng tôi đang làm việc với những doanh nghiệp chủ quản mạng xã hội để kiểm soát tình hình".
Vài tháng sau đó, Facebook, Twitter, Instagram và Sound Cloud đã đưa ra một loạt các thay đổi liên quan đến đối tượng khách hàng là binh sỹ Mỹ. Nhiều khả năng hành động này là do tác động của Bộ Quốc phòng Mỹ. Có một trường hợp đặc biệt là TikTok, một mạng xã hội đang nổi lên do công ty Trung Quốc có tên là ByteDance sở hữu.
Ngoài việc ngăn chặn các cơ quan công quyền Mỹ sử dụng máy móc do Trung Quốc sản xuất, chính quyền ông Donald Trump còn cấm mọi binh sỹ Mỹ sử dụng TikTok nhằm tránh lộ thông tin cho Trung Quốc. Nỗi sợ này không phải là không có cơ sở, vì doanh nghiệp Nga và Trung Quốc từng có tiền sử sử dụng các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu để bí mật theo dõi khách hàng nước ngoài của mình nhằm ăn cắp bí mật công nghiệp. Hoàn toàn có khả năng quân đội hai nước này sẽ làm điều tương tự để lấy được bí mật quân sự của Mỹ và khối NATO nói chung.
Qua phản ứng của quân đội các nước, chúng ta có thể học hỏi một số nhân tố chung có thể giúp binh sỹ tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội. Điều cần phải làm là thiết lập lại cấu hình tài khoản xã hội của họ. Facebook và Twitter đều cho phép người dùng cài đặt những yếu tố như "Những ai có thể xem bài viết của tôi" hay "Có cho phép người khác tải về máy ảnh của tôi không".
Không chỉ binh sỹ mà cả thân nhân của họ cũng phải làm điều tương tự, rồi sau đó mọi người cùng bắt tay sửa đổi chính thói quen chia sẻ của mình: Hạn chế đăng ảnh lên, xoá mọi thông tin địa lý ẩn trong ảnh đăng, và không đăng thông tin về vị trí hiện tại của mình lên mạng xã hội, v.v…
Ở một cấp cao hơn, các bộ chỉ huy phải sớm xây dựng được kế hoạch giáo dục cho đội ngũ binh sỹ về hiểm họa tiềm tàng trên mạng xã hội và tầm quan trọng của an toàn thông tin. Ngay cả trong quân đội cũng có nhiều người không hiểu rõ được rằng thông tin cũng là một loại vũ khí nguy hiểm, nay lại thêm mạng xã hội càng khiến cho mối nguy rò rỉ thông tin tăng lên. Họ đang rất cần sự chỉ dẫn của các chuyên gia để có thể tự mình sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hơn và phòng tránh được các cạm bẫy nguy hiểm đang chực chờ phía trước.