Liệu Donald Trump có ra lệnh đánh CHDCND Triều Tiên?

Thứ Sáu, 24/03/2017, 15:33
Một tài liệu nội bộ vừa được Nhà Trắng soạn thảo cách đây không lâu, đề cập khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng ra lệnh đánh CHDCND Triều Tiên, nhằm ngăn chặn mối đe dọa nước này sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN).


Đây là thông tin của người biết chuyện, tiết lộ cho báo The Wall Street Journal (WSJ) biết. Người này nói các  quan chức Mỹ đã đề cập đến khả năng sử dụng sức mạnh quân sự, hoặc lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, trong những cuộc làm việc với các đồng minh khu vực châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Các biện pháp gồm Mỹ tấn công quân sự vào Triều Tiên, nếu như Bình Nhưỡng tỏ ra sẵn sàng thử nghiệm một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Ông cũng nói phía Nhật nhận định kịch bản này là “đáng ngại”.

Người biết chuyện cho biết, Phó Cố vấn An ninh quốc gia K.T. McFarland đã mở cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia, đề nghị cho ý kiến về cách đối phó với Triều Tiên, từ việc Mỹ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân cho đến chuyện đánh Bình Nhưỡng.

Bà McFarland nói rằng Chính phủ Mỹ cần xem lại chính sách của Mỹ đối  với Triều Tiên, và các quan chức an ninh quốc gia báo cáo các ý tưởng, gợi ý của họ với bà vào ngày 28-2 vừa qua. Tất cả các giải pháp sẽ được xem xét kỹ trước khi trình lên Tổng thống Trump.

“Tên lửa bay như rồng lộn”

Sự xem xét khả năng Mỹ đánh Triều Tiên trùng thời điểm có nhiều sự kiện đe dọa sự bất ổn khu vực: Ngày 12-2, Triều Tiên phóng một quả tên lửa đạn đạo Pukgusong-2 bay 500 km vào biển Nhật Bản, rồi đến vụ ám sát Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ở Malaysia.

Ngày 1-3, Mỹ - Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận lớn hàng năm mang tên “Đại bàng non” kéo dài 2 tháng, trong chiến lược tăng cường phòng thủ quân sự đề phòng Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 6-3, Triều Tiên phóng 4 tên lửa, trong một cuộc diễn tập tấn công các căn cứ Mỹ ở Nhật, theo Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên. Lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp ra lệnh và giám sát cuộc diễn tập này, và ông đã “mãn nhãn” chứng kiến hành trình bay “như rồng nhào lộn” của những “tên lửa đạn đạo”, khen đơn vị hỏa tinh thực hiện vụ phóng này, theo KCNA.

Theo Reuters, đợt phóng tên lửa này là cách Triều Tiên phản ứng cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ - Hàn. Quân đội Mỹ khẳng định đợt phóng tên lửa này của Triều Tiên không đe dọa Bắc Mỹ, cam kết chặt chẽ với hai đồng minh Nhật - Hàn để duy trì an ninh trước các khiêu khích của Bình Nhưỡng.

Quân đội Hàn Quốc cho rằng ít có khả năng đó là tên lửa ICBM, trong khi một số chuyên gia nhận định rằng đó có thể là tên lửa Scud với tầm bắn 500 -700 km hoặc tên lửa Rodong với tầm bắn 1.300 - 1.500 km. Trước đó vài giờ, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể chưa xác định vào lúc 7 giờ 36 phút (giờ địa phương) và chúng bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.

Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn lập tức triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia, tuyên bố Seoul cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ngày 7-3, Hàn Quốc đã nhận những phụ tùng đầu tiên của THAAD do Mỹ chuyển đến. Đến tháng 8 tới thì cuộc triển khai hoàn tất.

“Hai đoàn tàu lao vào nhau hết tốc độ”

Trung Quốc đã dọa trả đũa, nói THAAD gây tổn hại đến quyền lợi an ninh riêng của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ dùng “tất cả các biện pháp cần thiết” để tự vệ, và Mỹ - Hàn phải “gánh chịu mọi hậu quả”.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đề nghị Mỹ - Triều trở lại bàn đàm phán để tránh “đối đầu trực tiếp”, kêu gọi Triều Tiên ngừng các hoạt động phát triển VKHN và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung. Ngoại trưởng Trung Quốc nói cuộc tập trận và vụ phóng tên lửa làm leo thang căng thẳng: “Hai bên như hai đoàn tàu hỏa lao vào nhau mà không chịu nhường đường. Câu hỏi đặt ra là có thật sự hai bên sẵn sàng đấu đầu trực diện? Ưu tiên của chúng tôi là bật đèn đỏ và hãm phanh cả hai đoàn tàu”.

Ngày 8-3, nữ Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố dù Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân, Mỹ - Hàn vẫn tập trận, từ chối đàm phán với Triều Tiên, dù Trung Quốc đề nghị. Bà Haley ngụ ý rằng Mỹ chỉ đàm phán với người có lý trí, nhưng đang phải đàm phán với một người mất trí.

HĐBA LHQ ngày 7-3 vừa qua đã mạnh mẽ lên  án việc Triều Tiên phóng thử tên lửa, cảnh cáo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt thích đáng. HĐBA cho rằng việc này góp phần vào chương trình phát triển VKHN, vi phạm nghiêm trọng nghị quyết LHQ và làm tăng căng thẳng trong khu vực và quốc tế, có nguy cơ kích hoạt chạy đua vũ trang.

HĐBA nói lấy làm tiếc khi Triều Tiên sử dụng các nguồn tài nguyên để theo đuổi việc phát triển tên lửa đạn đạo, trong khi người dân nước này sống trong cảnh thiếu thốn.

Triều Tiên bị LHQ trừng phạt và áp đặt lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2006 vì nước này phát triển trái phép chương trình hạt nhân và tên lửa. Các lệnh trừng phạt sau đó được tăng cường sau các vụ thử nghiệm hạt nhân.

Nhật tính đánh phủ đầu Bình Nhưỡng

Vụ phóng 4 quả tên lửa của  Bình Nhưỡng khiến các quan chức “diều hâu” Nhật kêu gọi chuẩn bị đánh phủ đầu các cơ sở quân sự Triều Tiên, nếu như có dấu hiệu rõ rệt về một cuộc tấn công, theo WSJ.

Tờ báo cho biết, một số chính khách “diều hâu” Nhật lại thúc đẩy chính phủ đánh phủ đầu vào các điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, nếu như an ninh Nhật bị chương trình tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đe dọa nghiêm trọng .

Tên lửa đạn đạo được Triều Tiên giới thiệu.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói vụ phóng là “mối đe dọa nghiêm trọng vào an ninh quốc gia”. 

Ông Hiroshi Imazu, lãnh đạo Hội  đồng An ninh thuộc đảng Dân chủ tự do (đảng LDP cầm quyền) dự tính sẽ trình cách đề nghị đánh phủ đầu, gồm những cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của nước ngoài. Ông Imazu nói cần tranh luận đầy đủ trước khi ra quyết định, nhưng nay Nhật phải phản ứng trước mối đe dọa ngày càng tăng cao từ phía Bình Nhưỡng

Hội đồng sẽ nghe ý kiến của các chuyên gia và tranh luận về đề nghị này, trước khi trình một đề xuất với LDP trong ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 6 tới. Đề xuất này trở thành một phần trong kế hoạch quốc phòng 5 năm vốn sẽ được áp dụng từ năm 2019.

Ngày 9-3, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada cho biết, không loại trừ khả năng binh sĩ Nhật có năng lực thực hiện các đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đối phương, như một cách để đối phó với các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Bà nói chúng rơi cách bờ biển đông bắc Nhật chỉ khoảng 300 km. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho rằng 4 quả tên lửa bay khoảng 1.000 km, và 3 chiếc bay vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật, chiếc còn lại bay gần vùng này.

Phát biểu tại Ủy ban An ninh của Hạ viện Nhật, bà Inada cho biết chính quyền Tokyo sẽ "cân nhắc nhiều biện pháp" phù hợp với những giới hạn của luật pháp quốc tế và Hiến pháp yêu chuộng hòa bình của Nhật.

Trong khi ý tưởng đánh phủ đầu từng được nêu lên rồi bị gạt bỏ, việc Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa càng khiến Nhật nghĩ đến việc áp dụng tấn công quân sự.

Nghị sĩ Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và hiện lãnh đạo nhóm nghị sĩ LDP thúc đẩy việc tìm kiếm khả năng đáp trả, nhấn mạnh: “Nếu máy bay ném bom hoặc tàu chiến địch tấn công chúng ta, chúng ta phải bắn trả. Đánh một nước chĩa tên lửa vào chúng ta cũng không khác gì. Công nghệ vũ khí Triều Tiên đã tiến bộ và tình hình xung đột cũng đã đổi thay”.

Akihisa Nagashima, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật và là nghị sĩ của đảng Dân chủ (đối lập) nói: “Chúng tôi phải đối mặt với thực tế. Nếu chúng tôi không làm gì và để họ đánh chúng tôi thì đấy là sự vô trách nhiệm”.

Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa.

Phát biểu trước một ủy ban Quốc hội vào ngày 26-1-2017, Thủ tướng Abe cho biết Tokyo để ngỏ khả năng tấn công căn cứ đối phương; đồng thời cho rằng Nhật cần xem xét cách thức duy trì sự răn đe của riêng nước này. Ông nói: “Chúng ta cần xem xét cách bảo vệ mạng sống, tài sản của nhân dân Nhật”.

Nếu Nhật muốn chuyển qua khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên, thì sẽ là một sự kiện tranh cãi trong nước, vì nhiều người dân mạnh mẽ ủng hộ Hiến pháp yêu chuộng hòa bình (do chính quyền Mỹ chiếm đóng soạn) vốn cấm sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp. Điều 9 trong Hiến pháp nêu rõ rằng người Nhật "vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh" và từ bỏ "sử dụng vũ lực" như một cách để giải quyết những tranh chấp quốc tế.

Trong cuộc thăm dò năm 2006 của Hãng tin Jiji Press cho biết,  khoảng một nửa dân số Nhật ủng hộ khả năng Nhật đánh phủ đầu Triều Tiên hoặc nói nên xem xét ý tưởng này. Khoảng 35% nói Nhật không cần chọn hướng đó.

Người ủng hộ ứng dụng quan điểm quân sự “tấn công là để phòng thủ” thì không vi phạm hiến pháp. Mặc dù vẫn nhấn mạnh rằng, Chính phủ Nhật hiện không xem xét trao năng lực tấn công phủ đầu cho các lực lượng phòng vệ. Bộ trưởng Quốc phòng Inada cho rằng tiến hành các đòn tấn công như vậy có thể hợp pháp.

Hàng chục năm qua, các chính phủ Nhật liên tiếp nói Tokyo có quyền tấn công căn cứ địch ở nước ngoài, khi rõ ràng địch thù có ý định tấn công Nhật, mối đe dọa là rõ ràng và không còn giải pháp phòng thủ nào khác.

Phải đề phòng Bắc Kinh nổi giận

Trong khi các chính phủ trước “né” mua vũ khí để đánh phủ đầu, LDP đã yêu cầu Thủ tướng Abe xem xét mua vũ khí. Các nhân vật cấp cao LDP đã nhiều lần đề nghị đánh phủ đầu trong vài năm qua, thường sau các lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa, vốn thường nhắm vào Nhật Bản chưa bắn trúng nước này.

Những rào cản gồm chi phí quân sự, nhưng Thủ tướng Abe ủng hộ một quân đội mạnh hơn, đã khuyến khích tranh luận về khả năng đánh phủ đầu. Ông cũng đề nghị sửa đổi Hiến pháp để cho phép quân đội Nhật có thể giữ vai trò tích cực hơn ở nước ngoài.

LDP hiện chiếm thế đa số ở Quốc hội Nhật, và ông Abe có tỷ lệ tín nhiệm cao khoảng 60%, không bị buộc phải tổ chức tổng tuyển cử cho đến cuối năm 2018. Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ cẩn trọng, nhưng không hẳn phản đối ý tưởng đánh phủ đầu.

Cho đến nay, Nhật tránh tối đa ý định mua máy bay ném bom hoặc vũ khí như tên lửa hành trình có đủ tầm bắn qua nước khác, chủ yếu dựa vào Đồng minh Mỹ đánh kẻ thù của Nhật. Nhưng mối đe dọa từ Bình Nhưỡng đã tạo thêm sức nặng cho ý tưởng “đánh phủ đầu là cách phòng thủ lý tưởng”. 

Ông Imazu nói đã đến lúc phải trang bị khả năng tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo hoặc chiến đấu cơ tàng hình F-35, vì nếu không, Triều Tiên sẽ khinh thường Nhật yếu ớt.

Cuối năm 2016, Nhật đã nhận các chiếc đầu tiên trong lô hàng 42 chiếc F-35. Nhật có thể sẽ mua thêm tên lửa hành trình, vệ tinh mới để giám sát các hoạt động triển khai tên lửa của Triều Tiên. Nhật cũng có thể mua các loại tên lửa phóng từ trên không đạt độ chính xác cao, như tên lửa Joint Air-to-Surface Standoff Missile, hoặc tên lửa tầm ngắn Joint Strike gắn trên chiến đấu cơ F-35.

Nhưng với khả năng truy vết các dàn phóng di động, một vài quan chức Nhật vẫn sợ bất kỳ cuộc tấn công nào cũng khiến Triều Tiên có đủ tên lửa thực hiện một vụ trả đũa bằng cuộc tấn công ồ ạt. Một nghị sĩ LDP nói với Reuters: “Một vụ tấn công có thể bào chữa là tự vệ, nhưng chúng tôi phải tính đến phản ứng trước sự khiêu khích này”.

Hiện Nhật đã cải thiện hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ tầm xa, đặt thêm tên lửa phóng trên biển trên các khu trục hạm Agis hoạt động ở Biển Nhật Bản.Sắp tới, Nhật sẽ chi thêm 1 tỉ USD để nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot. Nhật cũng đã dự định trang bị THAAD.

Nhưng nỗ lực này sẽ mất nhiều năm mới xong, và có thể không đủ để chạy đua với những tiến bộ công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng, theo các nguồn tin của Reuters.

Giải pháp nhanh hơn sẽ là Nhật triển khai tên lửa đất đối đất tại các căn cứ Nhật để đề phòng một cuộc tấn công vào đảo Yonaguni gần Đài Loan, vốn cách các căn cứ Nhật hàng trăm kilômét về phía đông. Một quả tên lửa ở tầm đó cũng có thể đánh trúng các vị trí ở Triều Tiên.

Vấn đề là bất kỳ loại vũ khí nào có thể đánh Triều Tiên cũng đặt một số cơ sở quân sự ở miền Đông Trung Quốc nằm trong tầm bắn của Nhật. Điều này chắc chắc khiến Bắc Kinh tức giận, như đã phản đối Mỹ dàn THAAD ở Hàn Quốc.

Ý tưởng của Nhật khiến Hàn Quốc nghi ngờ, vì  nước này lo sợ Nhật tái vũ trang kể từ khi Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên hồi đầu thế kỷ 20.

Nhật - Hàn “lên ruột” trước viễn cảnh Mỹ - Triều đánh nhau

Khả năng Nhật chuyển qua thế đánh phủ đầu Triều Tiên là một ví dụ, về việc Bình Nhưỡng muốn có chương trình VKHN hiện đang phủ bóng đen lên môi trường an ninh Đông Bắc Á.  Bình Nhưỡng cũng đang cố gắng đạt khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng một tên lửa hạt nhân tầm xa,. Nhưng không ít chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đã có loại tên lửa này để dọa các nước láng giềng.

Viễn cảnh Mỹ đánh Triều Tiên khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực Bắc Á phải “lên ruột”.  Vài năm qua, hai đồng minh đã cùng Mỹ nỗ lực tăng cường sức ép ngoại giao - kinh tế lên Bình Nhưỡng, nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng cuộc xem xét lại chính sách của Mỹ đã khiến Nhật và Hàn Quốc lo ngại. Năm 2017, sau khi Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng thử nghiệm một quả ICBM, ông Trump đã viết Twitter: “Chuyện đó sẽ không xảy ra!”.

Cục Phòng vệ Nhật Bản lắp đặt dàn tên lửa PAC-3 Patriot ở trụ sở Bộ Quốc phòng.

Viễn cảnh Mỹ đưa quân đánh Triều Tiên có thể buộc Trung Quốc phải tiến hành những bước mà Washington từ lâu tìm kiếm, nhằm “cắt mạch sống” của kinh tế Triều Tiên. Trong bài diễn văn hôm 1-3 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc tạm quyền Hwang Kyo-ahn nói: “Chúng tôi sẽ bảo đảm Triều Tiên phải thay đổi những tính toán sai lầm, bằng cách gia tăng trừng phạt và gây sức ép”. 

Tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 2 giữa Tổng thống Mỹ Trump với Thủ tướng Abe của Nhật, các quan chức Mỹ đã nhiều lần đề cập đến các biện pháp (đang được xem xét) để đối phó với Triều Tiên. Sau khi Triều Tiên phóng thử một quả tên lửa đạn đạo ngày 12-2, ông Abe đã kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ lệnh cấm thử nghiệm tên lửa của LHQ, và ông nói Nhật-Mỹ sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói chuyện với người đồng cấp Hàn Quốc Han Min-koo, nhấn mạnh rằng “bất kỳ cuộc tấn công nào vào Mỹ hoặc đồng minh đều sẽ thất bại, và bất kỳ toan tính sử dụng VKHN nào cũng sẽ vấp phải một phản ứng hiệu quả và rầm rộ”. Tại Nhật, ông nói cả Nhật và Mỹ cần tăng cường khả năng phòng thủ.

Gần đây, ông Trump tái khẳng định sẽ vẫn bảo vệ Nhật - Hàn với lãnh đạo hai nước này. Vị Tổng thống Mỹ đã có những bước trấn an các nước đồng minh, rằng ông sẽ không từ bỏ các thỏa thuận đã có hàng chục năm trong chính sách Mỹ về châu Á, nhưng lời hứa của ông rằng Bình Nhưỡng phải ngưng thử nghiệm tên lửa ICBM. Ông Trump nói Mỹ “đứng sau lưng đồng minh lớn 100%”. 

Trước khi trúng cử, ông Trump  từng nói Nhật nên giảm trông cậy Mỹ bảo vệ. Nhưng từ sau khi nhậm chức, ông Trump cùng các quan chức tuyên bố vẫn giữ mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Mỹ hiện có 54.000 quân trú đóng ở 85 căn cứ tại Nhật, là lực lượng quân lớn nhất triển khai ở châu Á. Nhật lệ thuộc mạnh vào sự ủng hộ quân sự của Mỹ, để Nhật đề phòng Triều Tiên và Trung Quốc vốn đang tăng cường tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Hoa Đông với Nhật.

Theo nhà phân tích cao cấp Tetsuo Kotani thuộc Tổ chức nghiên cứu Viện Các vấn đề quốc tế (Nhật),  Nhật lo ngại bị kéo vào một cuộc xung đột khu vực, nếu như Mỹ ra đòn quân sự đối với Triều Tiên.

Ông Kotani nói một mối lo khác của Nhật, là kịch bản Mỹ thương lượng với Triều Tiên và đạt đến một thỏa thuận dẫn đến việc Mỹ ngưng cam kết bảo vệ an ninh cho khu vực Bắc Á. Ông nói: “Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông Trump với ông Kim Jong-un  sẽ là một kịch bản ác mộng cho Nhật”.

Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hủy cấp visa cho các quan chức cấp cao Triều Tiên đến New York để có các cuộc nói chuyện không chính thức với các cựu quan chức Mỹ, tiếp sau vụ anh trai ông Kim Jong-un bị ám sát. Người biết vụ này cho biết nỗ lực “xích lại gần nhau” của Mỹ - Triều bị thất bại.

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.
.