Mỹ - Nhật - Hàn bàn kế hoạch đối phó với CHDCND Triều Tiên

Thứ Tư, 15/02/2017, 10:06
Đông Bắc Á lại nóng với vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên và tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc sẵn sàng áp dụng biện pháp đáp trả mạnh mẽ để chống lại các cuộc tập trận mà Hàn Quốc, Mỹ đang chuẩn bị tiến hành.

Vụ thử tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung mang tên Pukguksong-2 hay còn gọi là Polaris-2 được CHDCND Triều Tiên được thực hiện hôm 12-2.

Hãng CNN đưa tin, khi CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa, hải quân Mỹ đang triển khai 2 tàu khu trục USS Stethem và USS McCampbell ở biển Nhật Bản. Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết, tên lửa này có tầm bắn hơn 2.000km và được phóng từ căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Bắc Pyongan, phía Tây Bắc CHDCND Triều Tiên, sau đó đi ra phía biển theo hướng Đông, bay được khoảng 500km và đạt độ cao khoảng 550km rồi rơi xuống biển Nhật Bản.

Hãng Thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên cũng đã thừa nhận về việc phóng thử thành công này và khẳng định đây là bước tiến quan trọng trong việc sử dụng tên lửa tầm xa với đầu đạt hạt nhân. Bình Nhưỡng thậm chí còn nói rằng đây là phiên bản mới của loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ tên lửa.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hôm 13-2 đã triệu tập cuộc họp khẩn về vấn đề này và nhất trí lên án vụ thử tên lửa, đồng thời cảnh báo áp dụng thêm “những biện pháp trừng phạt mạnh” đối với Bình Nhưỡng.

Vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên diễn ra ngày 12-2. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã bày tỏ sự lo ngại và cho rằng, vụ thử này đi ngược lại các nghị quyết của LHQ. Theo Hãng thông tấn RIA, Nga kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh và không đưa ra bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, chính quyền Moscow cũng khuyến cáo rằng, các hành động đơn phương được tiến hành bởi Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản sẽ càng làm gia tăng căng thẳng vốn đã ở mức cao.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh, bất cứ sự đáp trả nào của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng nên được tiến hành trong khuôn khổ của Hội đồng Bảo an LHQ hoặc cuộc đàm phán 6 bên (gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ).

Còn Trung Quốc, dù nhất trí với tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ về việc lên án vụ phóng thử tên lửa song vẫn giữ quan điểm rằng, việc Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ là do “sức ép” và  “sự khiêu khích” từ Mỹ và Hàn Quốc, nhất là về các cuộc tập trận chung.

Để làm dịu những lo ngại về vấn đề an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, hôm 13-2, các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về vụ phóng thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ghi rõ: “Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý hợp tác chặt chẽ cộng đồng quốc tế trong vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Lầu Năm Góc “tái khẳng định những cam kết an ninh mạnh mẽ của Mỹ” với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trước mắt, Mỹ sẽ ưu tiên cho việc phát triển một hệ thống phòng vệ, xúc tiến thảo luận với Hàn Quốc về việc triển khai các vũ khí chiến lược như hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, máy bay tàng hình F-22… tham gia cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” diễn ra vào đầu tháng 3 nhằm huấn luyện tăng cường năng lực đáp trả và đối phó với vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt của CHDCND Triều Tiên.

Với Nhật Bản, Mỹ giữ lập trường duy trì cam kết đảm bảo an ninh và ủng hộ Tokyo 100%. Trước những động thái này của các bên, nhiều quốc gia, trong đó có một số nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đang tích cực kêu gọi CHDCND Triều Tiên quay trở lại tham gia các cuộc đàm phán với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ.

Phan Hiển
.
.
.