Lịch sử công nghiệp súng ống ở Mỹ

Thứ Hai, 30/10/2017, 16:35
Vụ xả súng đẫm máu tại buổi hòa nhạc ở Las Vegas vào đêm 1-10 vừa qua khiến nhiều người cho rằng cần tăng cường kiểm soát súng để ngăn chặn các vụ xả súng và bạo lực súng ống trong tương lai.


Tuy nhiên, ngoài một sự đồng thuận hiếm hoi về việc hạn chế cái gọi là “bump stock” mà Paddock đã từng sử dụng để biến hàng chục súng bán tự động thành tự động hoàn toàn, có khả năng bắn như súng máy, vẫn không rõ Chính phủ Mỹ có những động thái mạnh mẽ nào hơn không.

Theo các nhà phân tích, để thay đổi văn hóa súng của người Mỹ là điều hoàn toàn không hề dễ dàng, vì nhiều lý do. Sau đây là phân tích của nhà nghiên cứu Brian DeLay đăng trên tờ Businness Insider về văn hóa súng và khả năng kiểm soát súng đạn ở Mỹ.

Sự bảo trợ

Sự liên kết chặt chẽ của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ với chính phủ được ông DeLay ví như quốc gia với chính phủ, bắt đầu với Cách mạng Mỹ, và điều này xuất phát từ lịch sử của đất nước.

Buộc phải dựa vào vũ khí nước ngoài trong chiến tranh, Tổng thống George Washington muốn đảm bảo rằng nước cộng hòa mới có nền công nghiệp vũ khí riêng. 

Lấy cảm hứng từ thực tế châu Âu, ông và những người kế nhiệm đã chế tạo các kho vũ khí công cộng để sản xuất vũ khí ở Springfield và Harper's Ferry. Họ cũng bắt đầu đưa ra các hợp đồng vũ khí sinh lợi cho các nhà sản xuất tư nhân như Simeon North, nhà chế tạo súng chính thức đầu tiên của Mỹ, và Eli Whitney, nhà phát minh ra máy tách hạt bông.

Một hội chợ súng ở Mỹ.

 Để thúc đẩy công nghiệp súng ống, Chính phủ Mỹ đã cung cấp quỹ đầu tư khởi nghiệp thiết yếu cùng các hợp đồng ổn định; dựng hàng rào thuế quan đối với các nhà sản xuất nước ngoài; cho ra đời các luật sáng chế mạnh mẽ; đồng thời cung cấp các mẫu, công cụ và bí quyết từ các kho vũ khí liên bang.

Chiến tranh năm 1812, xung đột với người Mỹ bản địa và cuộc chiến tranh Mỹ - Mexico đã thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp này. Vào đầu những năm 1850, Mỹ đã nổi lên như một nhà sản xuất vũ khí tầm cỡ thế giới. Những công ty mang tính biểu tượng của Mỹ như Eliphalet Remington và Samuel Colt bắt đầu nổi danh quốc tế. Thậm chí nước Anh - trung tâm sản xuất súng hùng mạnh thời bấy giờ - cũng bắt đầu mô phỏng các hệ thống của Mỹ và nền sản xuất cơ giới hóa.

Lợi nhuận trong chiến tranh và hòa bình

Cuộc nội chiến đã thổi bùng sinh lực cho ngành công nghiệp súng đang phát triển của Mỹ. Liên bang miền Nam đã đổ rất nhiều tiền vào mua sắm vũ khí, sau đó các nhà sản xuất đã đầu tư nâng công suất và cơ sở hạ tầng mới. Ví dụ như đến năm 1865, Remington đã kiếm được gần 3 triệu đô la Mỹ để sản xuất vũ khí cho Liên bang. Trong khi đó, Liên minh miền Bắc, với nền công nghiệp yếu, phải nhập khẩu phần lớn vũ khí của mình.

Chiến tranh kết thúc đồng nghĩa nhu cầu sụp đổ khiến một số nhà sản xuất súng lâm cảnh phá sản. Những nhà sản xuất như Colt, Remington và Winchester đã trụ vững bằng cách đảm bảo các hợp đồng từ các chính phủ nước ngoài và tiếp thị trong nước qua cái gọi là sự “lãng mạn tàn bạo” của miền viễn Tây nước Mỹ.

Mặc dù hòa bình đã làm cho các nhà sản xuất súng bị mất nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ một thời gian, nhưng nó đã mang lại lợi ích cho những nhà buôn bán có vốn hóa cao. 

Đó là bởi vì trong vòng 5 năm kể từ khi Robert E. Lee đầu hàng tại Appomattox, Bộ Chiến tranh đã ngừng sử dụng súng và đem bán đấu giá khoảng 1.340.000 khẩu cho các nhà kinh doanh vũ khí tư nhân như Schuyler, Hartley và Graham. 

Là những nhà bán lẻ vũ khí tư nhân lớn nhất của Bán cầu Tây lúc bấy giờ, các công ty đã thu dọn các kho vũ khí đầy súng trường và súng hỏa mai để bán cho thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều chiến tranh, nhiều súng ống

Cuối thế kỷ 19, vai trò ngày càng trở nên hiếu chiến của Mỹ trên thế giới đã đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định cho các nhà sản xuất súng của nước này.

Cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ (1898) đã mang lại một làn sóng hợp đồng mới, cũng như trong 2 cuộc Chiến tranh thế giới, chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan, Iraq và hàng chục cuộc xung đột nhỏ hơn mà Mỹ tiến hành trên khắp thế giới trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Khi Mỹ xây dựng quân đội mạnh mẽ nhất thế giới, cũng như thiết lập các căn cứ quân sự trên toàn cầu, quy mô của các hợp đồng gia tăng.

Trường hợp của Sig Sauer, nhà sản xuất vũ khí ở New Hampshire đã chế tạo khẩu súng trường MCX được sử dụng trong vụ thảm sát ở hộp đêm Orlando Pulse. Ngoài việc trang bị vũ khí cho gần 1/3 lực lượng thực thi pháp luật của đất nước, gần đây Sig Sauer đã giành được hợp đồng cung cấp súng lục tiêu chuẩn mới cho quân đội, có trị giá 350 triệu USD đến 580 triệu USD.

Colt có thể là ví dụ tốt nhất cho thấy tầm quan trọng của tiền bạc công chúng đối với các nhà sản xuất vũ khí dân dụng. Colt là nhà sản xuất những khẩu súng biểu tượng cho thị trường dân sự, trong đó có súng ngắn AR-15 được sử dụng trong vụ thảm sát năm 1996, khiến Australia buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế súng. Dù vậy, Colt cũng đã dựa nhiều vào các hợp đồng của chính phủ kể từ thế kỷ 19.

Chiến tranh Việt Nam khởi đầu một kỷ nguyên dài sản xuất M16 cho quân đội, và Colt tiếp tục ký được hợp đồng khi chiến tranh của Mỹ chuyển từ Đông Nam Á sang Trung Đông. Nhưng sự phụ thuộc của Colt vào chính phủ rất lớn đến nỗi nó đã đệ đơn xin phá sản vào năm 2015, một phần vì đã mất hợp đồng quân sự cho khẩu súng trường M4 hai năm trước đó.

Phó Chủ tịch NRA Wayne LaPierre.

Nhìn chung, 40% doanh thu năm 2012 của các nhà sản xuất súng dựa vào hợp đồng của chính phủ. Cạnh tranh giành giật hợp đồng thúc đẩy các nhà sản xuất chế tạo những đổi mới chết người, chẳng hạn những khẩu súng ngắn với 12 hoặc 15 viên đạn chứ không phải 7.

NRA một tay che trời

Vậy làm thế nào ngành công nghiệp này có thể tránh được sự kiểm soát, đặc biệt khi công chúng tức giận và kêu gọi phải có những đạo luật theo sau các vụ thảm sát khủng khiếp như ở Las Vegas?

Theo giới quan sát, sở dĩ các nhà sản xuất súng tránh được hầu hết các quy định kiểm soát là nhờ Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA). Trước những năm 1930, các quy định về vũ khí hầu hết do chính quyền tiểu bang và địa phương áp đặt. Ở tầm mức liên bang, có rất ít quy định liên quan đến súng ống mãi cho đến năm 1934, khi Quốc hội tranh luận về Đạo luật về vũ khí Quốc gia, theo sau "kỷ nguyên súng Tommy" đẫm máu. 

NRA đã tập hợp các thành viên của mình lại để đánh bại nội dung quan trọng nhất của dự luật đó: một loại thuế làm cho việc mua súng ngắn rất khó khăn. Tương tự, năm 1968, NRA đã khiến Đạo luật Kiểm soát súng của Lyndon Johnson không bao gồm yêu cầu giấy phép và đăng ký.

 Năm 1989, NRA đã giúp trì hoãn Đạo luật Brady, trong đó có việc yêu cầu kiểm tra lịch sử các vũ khí mua từ các đại lý được cấp phép liên bang. Năm 1996, NRA thiết kế một lệnh cấm ảo về tài trợ liên bang cho nghiên cứu về bạo lực súng. Năm 2000, nhóm đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay thành công của một nhà sản xuất súng đã hợp tác với chính quyền Clinton về các biện pháp an toàn súng. Và nó đã ghi được một chiến thắng lớn vào năm 2005, bằng cách hạn chế trách nhiệm của ngành công nghiệp đối với các vụ kiện liên quan đến súng.

Gần đây nhất, hoạt động vận động hành lang súng ống đã thành công bằng cách thúc đẩy sự hiểu lầm của công chúng. Nó đã đóng khung chính phủ như là kẻ thù của ngành kinh doanh súng thay vì người bảo trợ lịch sử không thể thiếu của ngành. Bằng cách này, NRA đã thuyết phục hàng triệu người dân Mỹ rằng nhà nước có thể chấm dứt việc mua súng hoặc thậm chí tịch thu chúng bất cứ lúc nào họ muốn.

Thành Vinh
.
.
.