Hành hung y, bác sĩ: Nhìn từ 2 phía

Thứ Sáu, 16/10/2015, 16:05
Những năm gần đây, chuyện bác sĩ, điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân hành hung và ngay cả bệnh nhân cũng xông vào đánh không còn là chuyện hãn hữu. Cho rằng bác sĩ không quan tâm đến người nhà mình đang rên la vật vã: Đánh! Người nhà chết trong quá trình mổ xẻ, điều trị và mặc dù chưa rõ nguyên nhân chết: Đánh! Thai phụ sinh nở rồi tử vong cả mẹ lẫn con vì bệnh lý hiểm nghèo, cũng đánh.

Một mình nhắm đánh không lại thì kêu thêm "chiến hữu" vào đánh hội đồng, chưa kể đánh xong mà vẫn không hả giận, họ còn kéo đến tận nhà riêng của bác sĩ, đập phá tanh bành…

Bác sĩ là để… trút giận?

18 giờ 45 phút ngày 18/8/2015, Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) quận Tân Phú TP HCM tiếp nhận bé trai tên L., 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt 38,8 độ. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định bé L. chưa thật cần thiết để xử lý cấp cứu vì chưa phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm não, màng não, sốc nhiễm độc nhiễm trùng hoặc các bệnh lý ngoại khoa nên đã chuyển bé sang Khoa Nhi để theo dõi và điều trị.

Tại đây, lúc một điều dưỡng kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, đo nhiệt độ và hỏi người nhà thông tin về cháu bé để làm hồ sơ bệnh án thì mẹ bé L. bỗng lớn tiếng: "Hỏi gì hỏi hoài. Bác sĩ đâu, có khám cho con tôi không?".

Nghe ồn ào, bác sĩ Văn Diệp Kim Ngân lúc ấy đang kiểm tra cho một bệnh nhi khác vội vã bước đến. Chưa kịp hỏi han, thăm khám thì mẹ bé L. tiếp tục la lối: "Con tôi đang trong tình trạng cấp cứu, sao không khám cho nó? Lòng vòng từ cấp cứu đẩy sang phòng khám rồi lên Khoa Nhi. Bệnh viện gì mà thủ tục rườm rà, mấy người có cấp cứu cho con tôi không?".

Nói vừa dứt lời, bà ta xông đến, đấm hai cú vào mặt bác sĩ Ngân, nhưng do tránh được nên cả hai cú đấm chỉ trúng vào vai, trong khi ông chồng vẫn thản nhiên ngồi giữ con và chẳng hề có một phản ứng gì. Lúc một số điều dưỡng ngỏ lời khuyên can thì bà này vẫn tiếp tục la hét rồi xông vào, định… đánh tiếp! Chỉ đến khi 2 nhân viên bảo vệ của bệnh viện ngăn cản, bà ta mới chịu dừng.

Trước sự việc trên, lãnh đạo BV quận Tân Phú cho biết đã mời cha mẹ cháu L. lên làm việc để họ trình bày xem quy trình tiếp nhận, thăm khám cho cháu L. sai sót ở khâu nào? Nếu có sai, bệnh viện sẵn sàng nhận lỗi và chấn chỉnh nhưng hành vi xúc phạm thân thể, tinh thần của người khác là vi phạm pháp luật, cha mẹ bệnh nhân phải trực tiếp xin lỗi người đã bị mình đánh.

Tuy nhiên, mẹ cháu L. từ chối tiếp xúc và yêu cầu phải cho con bà xuất viện. Không những thế, bà còn nói: "Tôi biết bác sĩ không có lỗi. Bác sĩ chỉ là người cuối cùng để tôi trút giận thôi"(?!)

Một điều dưỡng bị người nhà bệnh nhân đánh bầm dập.

Theo bác sĩ  Đinh Thanh Hưng - Giám đốc BV quận Tân Phú thì: "Cú đánh tuy không đến mức gây thương tích, gây đau đớn về thể xác nhưng nó làm cho những bác sĩ chân chính phải dai dẳng chịu nỗi đau tinh thần".

Qua những vụ việc đã xảy ra, có thể thấy đại đa số những vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế đều phát xuất từ những suy nghĩ của thân nhân người bệnh, rằng thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm là nguyên nhân dẫn đến bệnh tình trở nặng hoặc gây ra cái chết cho người nhà họ?

Bác sĩ Hiệp, Phó khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: "Theo quy trình, một bệnh nhân khi nhập viện, bên cạnh các thủ tục hành chính, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng biểu hiện cùng các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá, xác định nguyên nhân, phân loại rồi quyết định trường hợp nào cần phải xử lý ngay".

Thế nên, một bệnh nhân bị chấn thương sọ não nằm rên la, vật vã, tưởng như sắp "lên đường" đến nơi nhưng qua kiểm tra, thang điểm đo sự tỉnh táo của họ ở mức 9/15, trong lúc một bệnh nhân khác nằm im lìm mà điểm tỉnh táo lại chỉ còn 3 nên việc tập trung cứu chữa cho "người 3 điểm" là việc tất yếu. Mà giải thích tường tận thì không phải lúc nào cũng có thời gian để giải thích ngay được.

Không phải gia đình bệnh nhân nào cũng hiểu được điều này nên họ thường cho rằng không quan tâm đến người nhà họ, thậm chí có người còn khẳng định: "Chắc nhận phong bì của thằng kia rồi nên mới sốt sắng đến thế?".

Ở những BV lớn như Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới, BV Bình Dân, BV 115… mỗi bác sĩ ngồi phòng khám mỗi ngày trung bình phải khám cho khoảng 50 bệnh nhân. Với số lượng như vậy, bác sĩ chỉ có đủ thời gian để hỏi triệu chứng bệnh, thăm khám rồi viết đơn thuốc hoặc cho đi làm các xét nghiệm chứ lấy đâu ra mà khai thác tiền sử bệnh, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt, làm việc?

Thế nên, không ít bệnh nhân cho rằng bác sĩ chỉ khám qua loa, khám vớ vẩn, hỏi vài câu rồi viết đơn thuốc là xong! Một số gia đình bệnh nhân khi chẳng may xảy ra sự cố - dù chưa biết đúng sai ra sao nhưng vẫn làm ầm lên để BV phải… bồi thường (!?).

Sợ bị đánh, bác sĩ phải giơ tay… xin hàng!

Bác sĩ có sai không?

Công bằng mà nói, những năm gần đây ngành Y đã để xảy ra hàng loạt những sự cố không mong muốn khiến dư luận bức xúc. Đã vậy khi sai sót nhiều nơi còn phản ứng một cách bị động, thiếu khoa học, xử lý theo kiểu "thủng đâu khâu đấy", hoặc tìm cách "dàn xếp" với thân nhân người bệnh - chủ yếu bằng đền bù vật chất để vụ việc không bung bét ra ngoài. Cũng có nơi đánh giá sự cố theo hướng một chiều nhằm bảo vệ uy tín của đơn vị mình nên cũng dễ hiểu vì sao người bệnh và thân nhân không kiềm chế được tức giận.

Những sự cố không mong muốn, bị dư luận lên án phần lớn thuộc về lỗi chuyên môn. Như trường hợp sản phụ Lê Thị Thủy, ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được gia đình chuyển vào BV Phụ sản - Nhi Bình Dương sinh mổ. Tuy nhiên một ngày sau mổ, chị đau bụng, sốt, nôn ói. Các bác sĩ giải thích sở dĩ đau bụng là do vết mổ ở thành bụng, ở tử cung rồi khuyên nên chịu khó đi lại thì sẽ hết.

Mất thêm mấy ngày điều trị, chị Thủy được cho xuất viện nhưng về buổi sáng thì tối hôm ấy, cơn đau càng lúc càng tăng lên. Người nhà vội vã đưa chị trở lại BV, trên đường chuyển lên tuyến trên thì tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy "bệnh nhân có dịch thối ở thành bụng, não bình thường, tim có dịch, dạ dày không thủng, thủng ruột, ruột dính tử cung do khâu ruột vào thân tử cung, đâm từ trước ra sau 8cm ba mũi chỉ".

Trước sự cố này, BV Phụ sản - Nhi Bình Dương đã nhận trách nhiệm và đã có biện pháp xử lý đối với bác sĩ trực tiếp mổ cho chị Thủy một cách thật sự cầu thị. Tuy nhiên, đây là sai lầm khó mà tha thứ được. Nó thể hiện sự cẩu thả và yếu kém về năng lực chuyên môn của phẫu thuật viên. Lẽ ra khi thấy sản phụ kêu đau, có kèm theo sốt và nôn ói thì bác sĩ phải tiến hành hội chẩn ngay. Hệ thống chiếu chụp của BV tương đối đầy đủ, lẽ nào lại chẳng phát hiện sự cố nếu việc chẩn đoán hình ảnh được thực hiện một cách nhanh chóng?

Thế nên, xét về một mặt nào đó, cũng khó trách được phản ứng của thân nhân người bệnh dẫu rằng những hành vi này là hoàn toàn sai, là cố ý xâm phạm quyền nhân thân của con người đã được luật pháp quy định.

Bác sĩ Nguyễn, giảng viên Bộ môn Ngoại Tổng quát, Đại học Y Dược TP HCM thì cho rằng "Tâm lý của nhiều bác sĩ sợ kiện cáo, sợ ra tòa, sợ bị "lên báo, lên mạng", uy tín bản thân bị ảnh hưởng, chưa kể đến uy tín của BV đang công tác - mà một phần của nỗi sợ là do cơ chế bảo vệ bác sĩ ở nhiều BV cũng chưa rõ ràng. Khi xảy ra chuyện, nhiều bác sĩ phải tự bỏ tiền túi của mình ra để dàn xếp, hoặc may mắn hơn thì có công đoàn, bạn bè chung tay đóng góp…".

Cách xử lý "đơn phương" như vậy vô hình trung đã tạo ra một tiền lệ rất xấu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến tai biến y khoa. Theo nguyên tắc, kết luận cuối cùng của nguyên nhân gây ra tai biến thuộc về Hội đồng y khoa, dựa trên hồ sơ bệnh án, biên bản mổ tử thi, tường trình của gia đình bệnh nhân và của bác sĩ. Nếu sai sót thuộc về bác sĩ thì cũng đã có các quy định của ngành Y để xử lý, kể cả những quy định về mặt hình sự.

Chưa kể giữa những bác sĩ với nhau, đây đó còn xuất hiện hiện tượng: "Anh sai, tôi không sai. Như vậy tôi giỏi hơn anh!". Cách suy luận đơn giản ấy dần dà trở nên phổ biến, thậm chí đã trở thành mặc định!

Làm gì để bớt sai?

Một thực tế không thể không thừa nhận là hiện nay, ở nhiều tuyến y tế vẫn chưa có những bác sĩ giỏi về chuyên môn mặc dù  Trường Y là trường có điểm đầu vào cao ngất ngưởng. Để trở thành bác sĩ, sinh viên phải đầu tư rất nhiều cả về thời gian, công sức và tiền bạc.

Thế nhưng, vẫn có những sinh viên phải học lại thêm 1 năm, thậm chí 2 năm, hoặc học cả hơn chục năm mà vẫn chưa ra trường, nhiều môn nợ be bét, có môn thi đến 3 lần nhưng vẫn rớt, đến nỗi địa phương phải làm công văn gửi Ban Giám hiệu nhà trường, xin "chiếu cố cho em A, em B được đậu tốt nghiệp để về phục vụ nhân dân".

Với những bác sĩ như vậy, việc sai sót khi hành nghề là điều hoàn toàn có thể nhưng khổ nỗi người bệnh thì mấy ai hay. Họ chỉ biết đó là… bác sĩ!

Nhà riêng của một bác sĩ bị thân nhân người bệnh đập phá tan nát.

Một điều nữa, có những bác sĩ sau khi tốt nghiệp thì coi như đã làm xong bổn phận "cơm cha áo mẹ công thầy". Thay vì tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của những bậc đàn anh đi trước thì họ chỉ loay hoay tìm cách kiếm tiền, kiếm tiền càng nhiều càng tốt. Mà kiến thức giống như con thuyền đi trên dòng nước, không tiến ắt phải lùi nên cũng dễ hiểu vì sao đối với những bác sĩ này, tay nghề của họ ngày càng kém, dẫn đến những sai sót không đáng có trong chẩn đoán, điều trị. Đến cả những bác sĩ “tầm cỡ” lắm khi cũng còn sai nữa là.

Có câu ngạn ngữ: "Trên thế gian này chỉ có 2 loại người không sai. Đó là đứa bé vừa mới sinh ra và kẻ đã nằm trong hòm" nên vì thế, chỉ có thể hy vọng rằng những sai sót trong ngành Y sẽ được kéo giảm đến mức tối đa chứ chuyện "hết sai hoàn toàn" là chuyện không tưởng.

Để kéo giảm những sai sót, vấn đề quan trọng nhất là cần chú trọng đến năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp liên quan đến sinh mạng bệnh nhân và đặc biệt hơn, cần có một quy trình chuẩn để giải quyết các vấn đề liên quan đến tai biến y khoa một cách khoa học và công bằng. Bên cạnh đó, đồng lương của cán bộ y tế cũng là một nguyên nhân dẫn đến sai sót dù chưa hẳn đã là nguyên nhân trực tiếp.

Ở BV Trưng Vương, người cầm dao mổ chính trong một ca mổ dạ dày chỉ nhận được 35 nghìn đồng nên đã có câu chuyện thật như đùa: Mấy bác sĩ rủ nhau đi ăn sáng, ăn xong một người đứng lên trả tiền. Bạn bè hỏi hết bao nhiêu, anh bác sĩ này đáp: "3 cái… dạ dày!".

Có bác sĩ đã viết: "Khi động lực kinh tế bị xem nhẹ thì những phong trào thi đua được sử dụng để nâng cao chất lượng ngành y! Các cuộc vận động "Lương y như từ mẫu", "Tăng cường y đức"; "Nói không với phong bì"… ra đời. Thế nhưng đặc trưng của thi đua là mang tính giai đoạn, chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn chứ không bao giờ là động lực lâu dài. Chẳng ai có thể “ăn cơm nhà vác ngà voi” cả đời được".

Có thể nói, hành hung thầy thuốc bây giờ đã trở thành vấn nạn và tai biến y khoa cũng chẳng hề ít. Năm nào cũng xảy ra vài vụ ồn ào còn những vụ diễn ra trong im lặng do hai bên tự "dàn xếp" với nhau thì khó mà thống kê được. Nếu cơ chế thay đổi, luật pháp bảo vệ người thầy thuốc khi họ không sai về chuyên môn, mọi quy định về xử lý tai biến y khoa đều rõ ràng, cụ thể đến từng chi tiết thì lợi ích sẽ  thuộc về người bệnh. Khi đó, bác sĩ mới yên tâm hành nghề và sẵn sàng đối chất trước hội đồng khoa học nếu xảy ra sự cố mà không sợ bị thân nhân người bệnh lao vào đấm đá, đâm chém hoặc nhục mạ…

Vũ Cao
.
.
.