Tắc đường - điểm nghẽn kìm hãm phát triển kinh tế

Thứ Tư, 09/12/2020, 07:38
Từ nhiều năm nay, câu hỏi “Bao giờ Hà Nội được thông thoáng?”, luôn được đặt ra, nhưng dù cơ quan chức năng đã chi hàng vài trăm ngàn USD, hàng nghìn tỷ đồng để tìm phương án chống ùn tắc thì đáp án cuối vẫn ở đâu đó, chưa “về tới”… Hà Nội.




Bài 1: Tắc từ đường vành đai tắc vào trong phố

Sáng, dòng người hối hả ra khỏi nhà, dòng xe nối đuôi nhau trên các ngả đường. Chiều, dòng người lại vội vã rời công sở, trở về nhà… Tất cả khi ra đường đều mong một điều: Chỗ này không ùn quá dài, chỗ kia không tắc quá lâu. Người dân Hà Nội dù đã quen với cảnh “chôn chân” ở tuyến đường A, tuyến đường B thì cảm giác thất vọng, mệt mỏi vẫn cứ xâm chiếm. Từ nhiều năm nay, câu hỏi “Bao giờ Hà Nội được thông thoáng?”, luôn được đặt ra, nhưng dù cơ quan chức năng đã chi hàng vài trăm ngàn USD, hàng nghìn tỷ đồng để tìm phương án chống ùn tắc thì đáp án cuối vẫn ở đâu đó, chưa “về tới”… Hà Nội.

11h trưa 5/12, có mặt tại cầu Thanh Trì (Hà Nội), phóng viên ghi nhận hình ảnh dòng phương tiện dày đặc nối đuôi nhau nhích từng chút chậm chạp lên cầu hướng về đường 5. Tình trạng này xảy ra tương tự ở chiều ngược lại, vào lúc 16h cùng ngày. Càng lúc, tắc nghẽn càng trở nên nghiêm trọng. Các làn xe đều ken đặc phương tiện, kéo dài hàng cây số. Để thoát ách tắc, không ít tài xế điều khiển xe tải lấn làn của xe máy, xe thô sơ khiến giao thông trên cầu thường trực nguy cơ TNGT. 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng ùn tắc tại khu vực cầu Thanh Trì diễn ra như “cơm bữa”, nhất là các khung giờ cao điểm từ 6-11h30 và 16-19h hằng ngày. “Cầu Thanh Trì đang bị quá tải nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện thực tế lưu thông trên cầu bình quân hiện nay khoảng 120.000 xe/ngày đêm, trong khi đó, lưu lượng thiết kế của cầu chỉ là 15.000 xe/ngày đêm. Chỉ cần một va chạm nhỏ trên cầu sẽ dẫn tới ùn tắc ngay”, Trung tá Tuấn khẳng định.

Ùn tắc giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Không chỉ cầu Thanh Trì, nhiều năm qua, người tham gia giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao cũng luôn ngán ngẩm trước tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này. Điển hình là đoạn từ Pháp Vân đến nút giao Trần Duy Hưng, vào các khung giờ cao điểm, ôtô từ đường trên cao dồn xuống liên tục xung đột với phương tiện ở đường dưới thấp khiến quá trình lưu thông trên cả hai tuyến đường đều bị cản trở. 

Đặc biệt, tại nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi và Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến, giao thông luôn trong tình trạng nghẹt thở khi những xe container, xe tải trọng lớn và phương tiện cơ giới cá nhân từ hướng Đại lộ Thăng Long liên tục đổ ra để lên Vành đai 3 trên cao lưu thông ra khu vực phía Nam Thủ đô. 

Số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho thấy, lưu lượng xe trên tuyến đường Vành đai 3 bình quân khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. “Đây là lý do khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 thường xuyên xảy ra khi có các sự cố hoặc khi có sự gia tăng đột biến của phương tiện giao thông vào các dịp lễ, Tết”, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết. 

Theo ghi nhận trong gần 4 tháng qua khi cầu Thăng Long “đóng cửa” để sửa chữa mặt cầu, trục đường cầu Nhật Tân trở thành trục xương sống chính giúp hàng nghìn xe ôtô di chuyển về sân bay Nội Bài và các huyện phía Bắc TP Hà Nội. Tình trạng này khiến các tuyến đường hướng về cầu Nhật Tân thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ. Việc qua khu vực cầu Nhật Tân giờ đây trở thành nỗi ám ảnh của nhiều lái xe vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Để giải quyết ùn tắc khu vực cầu Thanh Trì, hằng ngày, Đội Cảnh sát giao thông số 5 và số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) phụ trách 2 đầu phía Bắc và phía Nam cầu Thanh Trì đều tổ chức ứng trực, tăng cường tuần tra vào các khung giờ cao điểm. 

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) kiến nghị, chính quyền các xã, phường thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm nơi có tuyến đường Vành đai 3 và đường dẫn đầu cầu Thanh Trì cần giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chấm dứt hiện tượng hàng quán bày bán cản trở giao thông, xe đón trả khách trái phép. Còn các lái xe phải tuân thủ các quy định như giữ khoảng cách, đi đúng làn đường khi qua cầu để góp phần giảm ùn tắc. 

Việc xây dựng những cầu vượt, cầu trên cao cũng đã có hiệu quả nhất định. Cụ thể tại Hà Nội cũng đã giảm được khoảng 30% ùn tắc giao thông nội đô. Nhưng khi triển khai chúng ta vẫn tính toán chưa hợp lý, khiến hạ tầng không đáp ứng và theo kịp sự phát triển của phương tiện. Đường vành đai 2 rất tốn kém (khoảng 5.000 tỷ đồng) nhưng lại vướng tại các nút giao thông, gây ùn tắc cục bộ. 

Việc áp dụng giao thông thông minh (đèn tín hiệu) cũng chưa được tính toán kỹ, nhiều ngã tư đèn đỏ 90 giây mà đèn xanh chỉ 25 giây nên tắc là đương nhiên. Chưa kể, ngã tư nào có cầu vượt thì sẽ phải giảm số giây đèn đỏ xuống vì nó đã giảm được xung đột giao thông. Không phủ nhận khi đường trên cao vành đai 2 đi vào hoạt động đã nâng cao đáng kể năng lực thông qua của đường Trường Chinh.

Ùn tắc giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Ngọc Thành .

Tuy nhiên ngay khi thông đường trên cao vành đai 2 đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng kéo dài tại khu vực Ngã Tư Sở. Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam – ông Doãn Minh Tâm cho rằng, nguyên nhân gây ùn tắc tại Ngã Tư Sở hiện nay là do lượng xe từ đường Vành đai 2 đổ xuống nhiều, sau đó xung đột trực tiếp với lượng xe tại nút giao dẫn đến ùn tắc. 

Theo TS Doãn Minh Tâm, phương án nào cũng khó khả thi, chỉ khi thông tuyến hoàn toàn từ Ngã Tư Sở xuống đến cầu Vĩnh Tuy khi đó mới hạn chế được ùn tắc. “Vì hiện nay chúng ta mới chỉ thông xe được gần một nửa, mật độ xe ôtô đông, lên đường trên cao, rồi vẫn phải xuống dưới thấp, nhập vào đi cũng xe máy thì khó tránh khỏi ùn tắc như hiện nay”. Phải nói rằng, hàng loạt các chỉ đạo chống ùn tắc đã được đưa ra, cùng sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, song cũng chỉ có thể giải quyết các “điểm đen”ùn tắc trên phương diện tức thì. Còn về giải pháp lâu dài vẫn chưa thấy đâu…

Theo số liệu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã gây thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm và tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, môi trường đầu tư, hiệu quả khai thác năng lực phương tiện vận tải và các vấn đề phát triển xã hội khác đều bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, “tắc nghẽn” giao thông đang là điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển kinh tế của hầu hết các địa phương trên cả nước.
Phạm Huyền
.
.
.