Người dân muốn Trạm thu dời vào tuyến tránh Cai Lậy

Chủ Nhật, 20/08/2017, 09:15
Mặc dù Bộ GTVT đồng ý giảm giá vé qua Trạm thu phí Cai Lậy (BOT Tiền Giang), nhưng người dân, giới tài xế và doanh nghiệp chưa thoả mãn.

Bởi, giảm giá vé nhưng kéo dài thời gian thu phí và vị trí đặt trạm trên QL1 không hợp lý. Chưa kể, người dân thiếu thông tin minh bạch về dự án.

Theo giới tài xế và các doanh nghiệp, việc giảm giá vé chỉ là giải pháp tạm thời “xoa dịu dư luận”, chứ chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi.

Người dân mong muốn Trạm thu phí được đặt tại tuyến tránh thị xã Cai Lậy, đúng vị trí của nó chứ không phải nằm trên QL1.

“Người dân không có lựa chọn nào khác, dù muốn hay không thì vẫn phải qua Trạm Cai Lậy, vì vị trí này nằm án ngữ trên QL1”, anh Nguyễn Văn Bảy – tài xế chở gạo tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) nói và kiến nghị: “Chính phủ nên xem xét sử dụng quỹ bảo trì đường bộ trả kinh phí nâng cấp 26,5km mặt đường QL1 hoặc mua lại Trạm thu phí Cai Lậy”.

“Ổ gà” xuất hiện trên tuyến QL1, đoạn được rải thảm, nâng cấp và bảo trì.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cũng chỉ ra nhiều bất cập dự án tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy dài 12km và hạng mục nâng cấp, cải tạo tăng cường 26,5km và 14 cầu trên tuyến QL1, từ km1987+500 – km2014.

Cụ thể, chủ đầu tư bỏ tiền ra rải thảm nhựa, nâng cấp tuyến đường cũ (QL1) mà người dân đang sử dụng rồi thu phí là điều không thể chấp nhận.

Trong khi đó, chủ đầu tư làm tuyến tránh nhưng không đặt trạm thu phí trên tuyến đường này mà đặt trạm trên QL1 là để tận thu phương tiện lưu thông trên quốc lộ. Tuyến tránh chỉ có quãng đường ngắn nhưng mức thu phí lại cao so các trạm khác, chưa kể đến chất lượng mặt đường.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện nay Nhà nước chưa áp dụng đấu thầu mà chỉ định lựa chọn nhà đầu tư BOT. Điều này, ảnh hưởng rất lớn người tham gia giao thông và quyết định mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT. Thông tin về các dự án BOT, người dân lại tiếp nhận rất hạn chế.

Theo một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, trước đây, do tình trạng kẹt xe những ngày cao điểm tại ngã tư huyện Cai Lậy (nay chia tách là thị xã Cai Lậy), Tiền Giang đã đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm tuyến đường tránh bằng tiền ngân sách. Nhưng sau đó, Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

 Ban đầu, dự án được phê duyệt chỉ có truyến tránh Cai Lậy chứ không có hạng mục nâng cấp cải tạo QL1. Sau đó, Bộ GTVT mới ký phê duyệt thêm hạng mục này. Tỉnh Tiền Giang chỉ tham gia vào giai đoạn giải phóng mặt bằng, các khâu còn lại như: vị trí đặt trạm thu phí, mức giá thu phí… đều do Bộ GTVT, chủ đầu tư thực hiện.

BOT “vây” người dân miền Tây

Từ năm 2016 đến nay, tại ĐBSCL hàng loạt trạm thu phí trên QL1 và QL91 đi vào hoạt động. Tuyến QL1, từ TP Cần Thơ đến Cà Mau có chiều dài 180km nhưng có đến 3 trạm thu phí.

Trên QL91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn, giáp ranh với tỉnh An Giang có chiều dài khoảng 45km có đến 2 trạm thu phí. Điều này gây bức xúc cho giới tài xế, doanh nghiệp và chủ phương tiện.

Theo các tài xế, Trạm T2 (Công ty CP đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang), nằm trên QL91, qua địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) giáp ranh với TP Long Xuyên (An Giang) khiến các phương tiện lưu thông từ hướng QL80 qua phà Vàm Cống và ngược lại cũng phải mua vé.

Dù đoạn đường này rất ngắn và vị trí đặt trạm chưa hợp lý. Từ khi trạm T2 hoạt động (ngày 31-12-2016), nhiều doanh nghiệp vận tải ở Kiên Giang và An Giang chỉ sử dụng khoảng 2km của BOT Cần Thơ - An Giang nhưng phải mua vé toàn tuyến.

Như Anh
.
.
.